Một số vấn đề pháp lý vụ Thượng uý Công an hy sinh khi truy đuổi thanh niên vi phạm quy định phòng chống dịch


Hành vi của Hứa Hán Võ không chỉ khiến các chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ gặp khó khăn trong công tác xử phạt vi phạm hành chính cũng như truy bắt cá nhân có dấu hiệu phạm tội xảy ra, mà còn khiến cho Thượng úy T. bị tử vong trên đường đi cấp cứu. Do đó, giữa hậu quả xảy ra và hành vi khách quan có mối quan hệ nhân quả.

Hình ảnh chiếc xe của Thượng úy T. sau khi truy đuổi đối tượng Hứa Hán Võ.

Tối ngày 02/8, cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng Công an quận 6 khám nghiệm hiện trường, trích xuất hình ảnh camera an ninh để điều tra, làm rõ vụ việc.

Cán bộ Công an hy sinh là Thượng úy P.T.T (29 tuổi), thuộc Đội CSĐT tội phạm về ma tuý, Công an quận 6.

Theo đó, tối cùng ngày, tổ tuần tra phòng chống dịch Covid-19 của Công an quận 6 trên đường làm nhiệm vụ phát hiện một nam thanh niên chạy xe máy ngoài đường vi phạm quy định phòng chống dịch nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. 

Khi bị dừng phương tiện lại kiểm tra, nam thanh niên xuất trình giấy tờ tên là Hứa Hán Võ (Sinh năm 1994, ngụ ở địa phương). Tuy nhiên, khi bị lực lượng chức năng mời về phường để làm rõ và lập biên bản xử lý thì Võ bất ngờ leo lên xe, rồ ga bỏ chạy. Tổ công tác tổ chức truy đuổi.

Khi đến đường Lò Gốm, một thành viên tổ công tác là Thượng úy T. đã mất lái, tông xe vào tường nhà dân, bị thương nặng. Mặc dù được đồng đội đưa đi cấp cứu nhanh chóng nhưng Thượng úy T. đã hy sinh.

Trong đêm, Công an quận 6 tổ chức truy bắt đối tượng. Biết khó thoát được, Võ đã đến trụ sở Công an để trình diện.

Hiện, Công an quận 6 đang tạm giữ hình sự Võ để điều tra.

Luật sư Nguyễn Đình Ngãi, Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đình Ngãi, Công ty Luật ThinkSmart khẳng định hành vi của đối tượng Hứa Hán Võ là vi phạm pháp luật về quy tắc phòng chống dịch Covid-19, hành vi của đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp cụ thể.

Trường hợp thứ nhất, trong quá trình điều tra, nếu xác định được đối tượng Hứa Hán Võ ngoài hành vi bỏ chạy còn chèn ép, lạng lách, đạp vào tay lái xe của Thượng úy T. khiến anh mất lái lao vào tường và bị thương nặng dẫn đến tử vong thì hành vi của đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” với tình tiết tăng nặng là “Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân”, tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về tội “Giết người” như sau:
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ
1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

Theo đó, về mặt chủ thể Luật sư Ngãi cho rằng đối tượng Hứa Hán Võ (sinh năm 1994) nên đã có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và cũng đủ tuổi để chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Bên cạnh đó, Luật sư Ngãi cũng cho biết, về mặt khách thể thì đối tượng này đã xâm hại đến hai loại khách thể, thứ nhất đó là hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức và những người được giao nhiệm vụ, công vụ. Khách thể thứ hai bị xâm hại đó là quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người.

“Khách quan mà nói, đối tượng Võ đã có hành vi bỏ trốn, tẩu thoát để trốn tránh việc bị xử phạt vi phạm hành chính cũng như tránh việc phải lên phường làm việc. Không chỉ bỏ chạy, đối tượng Hứa Hãn này còn có hành vi đạp vào tay lái xe của Thượng úy T. trong lúc cả hai đang di chuyển với tốc độ nhanh. Hai hành vi trên được Hứa Hán Võ thực hiện tiếp nối nhau, hành vi đạp vào tay lái vừa nhằm mục đích cản trở nhưng cũng là nguyên nhân gây ra tai nạn”, Luật sư Ngãi nhận định.

Luật sư cho rằng, xe máy nói chung và phương tiện giao thông nói riêng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ trong quá trình di chuyển, tốc độ càng cao thì tính nguy hiểm và đe dọa gây tai nạn là rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại đến tính mạng của chính người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông. Trong trường hợp trên, hành vi đạp vào tay lái đã tác động đến tính thăng bằng, làm lệch hướng di chuyển của chiếc xe mà Thượng úy T. điều khiển, khiến Thượng úy Công an mất lái và gặp tai nạn.

“Hành vi của Hứa Hán Võ không chỉ khiến các chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ gặp khó khăn trong công tác xử phạt vi phạm hành chính cũng như truy bắt cá nhân có dấu hiệu phạm tội xảy ra, mà còn khiến cho Thượng úy T. bị tử vong trên đường đi cấp cứu. Do đó, giữa hậu quả xảy ra và hành vi khách quan có mối quan hệ nhân quả”, Luật sư Ngãi nói.

Theo Luật sư Ngãi, có thể nhận thấy đây là lỗi cố ý trực tiếp. Hứa Hán Võ biết việc mình bỏ chạy là trái pháp luật, là cản trở người thi hành công vụ nhưng vẫn cố tình thực hiện. Biết việc tác động vào tay lái xe của người khác trong lúc đang di chuyển với tốc độ cao có thể gây ra tai nạn dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi bất chấp hậu quả có thể xảy ra.

Luật sư cho rằng không thể quy kết thêm tội ‘Chống người thi hành công vụ” (Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015 bởi lẽ hành vi này chỉ hoàn thành khi Hứa Hán Võ thực hiện hành vi đạp – hành vi vũ lực nhằm vào Thượng úy P.T.T. Đây cũng là hành vi định khung của tội “Giết người”. Theo nguyên tắc một hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội, do đó Hứa Hán Võ có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng hơn (theo nguyên tắc thu hút tội phạm).

Về hình phạt, Hứa Hán Võ sẽ phải đối mặt với mức chế tài phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo điểm d khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (tham khảo thêm Án lệ số 18/2018/AL về hành vi giết người đang thi hành công vụ).

Trường hợp thứ hai, nếu Hứa Hán Võ chỉ bỏ chạy và không có hành vi tác động đến Thượng úy Phan Tấn Tài như: không đạp vào tay lái, không ép, vỉa, đánh võng…vào xe của Thượng úy T. Nói cách khác, nếu vụ việc tai nạn xảy ra hoàn toàn do Thượng úy T. bị mất lái hoặc tác động khách quan khác thì tùy tính chất mức độ có thể truy cứu trách nhiệm về tội “Chống người thi hành công vụ” (Điều 330, Bộ luật Hình sự 2015).

“Tuy nhiên, để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ cần đòi hỏi nhiều yếu tố như: Chủ thể phải thực hiện một trong các hành vi “dùng vũ lực”, “đe dọa dùng vũ lực” hoặc dùng “thủ đoạn khác” cản trở người thi hành công vụ. “Thủ đoạn khác ở đây” được hiểu là hành vi có thể là bôi nhọ, vu khống, đe dọa sẽ cung cấp những tin tức bất lợi về người thi hành công vụ. Do vậy hành vi bỏ chạy đơn thuần mà không gây ra tác động vật lý hay tinh thần đến người thi hành công vụ thì khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về chống dịch kèm theo xử phạt vi phạm luật giao thông đường bộ”, Luật sư Ngãi cho biết.

Hiện nay tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, nhà chức trách lập nhiều chốt để phòng chống, kiểm soát dịch, tuy nhiên các chốt kiểm soát còn trang bị đơn sơ, lực lượng còn mỏng, các dụng cụ bảo hộ và trấn áp tội phạm chưa được trang bị. Do đó, các đối tượng manh động dễ dàng chống đối, bỏ chạy gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh cũng như phòng chống tội phạm. Theo Luật sư Ngãi, để khắc phục được tình trạng này, cần áp dụng các biện pháp cơ bản để hạn chế tình trạng đáng tiếc nêu trên.

Cụ thể, ngay lập tức trang bị thêm công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị bảo hộ để giúp lực lượng phòng dịch tại các chốt kiểm soát được bảo hộ an toàn về sức khỏe và tính mạng, giúp các chiến sĩ có thể dễ dàng trấn áp đối với những hành vi cố tình chống đối, thậm chí khi nhìn thấy lực lượng được trang bị thì tâm lý phản kháng cũng giảm đi đáng kể. Hiện nay một số địa phương mới chỉ trang bị về khẩu trang, nước rửa hay, mũ tránh giọt bắn, hàng rào ba-ri-e…là chưa đủ, cần khẩn trương bổ sung.

Đồng thời, tăng mức phạt đối với hành vi ra đường sau 18h tại TP.Hồ Chí Minh để đảm bảo tính răn đe, hiện nay mức phạt đang dạo động từ 1-3 triệu đồng. Xét trên khía cạnh tổng thể, đây là một mức phạt nặng nhưng nhiều cá nhân vẫn cố tình vi phạm. Do đó, cần tăng mức phạt để đảm bảo tình răn đe đối với những cá nhân cố tình không chấp hành. Nhược điểm của phương pháp này nằm ở chỗ để sửa đổi và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngay và luôn gần như là điều không thể bởi nó đòi hỏi quy trình và thủ tục nhất định.

Song song với việc áp dụng chế tài chúng ta cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý thức người dân. Bác Hồ có câu “Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong”, việc chống dịch là nhiệm vụ chung của cả nước, chống dịch như chống giặc. Động lực và thành công của ta nằm ở sức mạnh đoàn kết của mọi tầng lớp quần chúng. Do đó, cần đảy mạnh tuyên tuyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh, nếu chúng ta kết hợp các biện pháp trên thì có thể giảm thiểu đáng kể các trường hợp vi phạm, tạo điều kiện để tập trung phòng chống và chiến thắng dịch bệnh.

Bài viết được đăng trên tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam ngày 06/8/2021


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *