Vụ cán bộ Tòa án lập khống hàng chục hồ sơ vụ án: Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự


NGUYỄN MINH NHẬT

Liên quan đến sai phạm lập khống hàng chục hồ sơ vụ án không có đương sự để xét xử, theo thông tin Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, năm 2016 một số thẩm phán thuộc TAND huyện Đắk Song đã tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế như kết luận của TAND tối cao để thụ lý giải quyết. Các vụ án sau đó đều có chung một kết quả là bị đình chỉ do có một đương sự rút đơn kiện. 

Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông vào ngày 05/6 đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với các cán bộ nói trên, gồm các ông (bà): Phạm Văn Phiếm (nguyên Chánh án TAND Đắk Song, hiện là chánh án TAND huyện Tuy Đức, Đắk Nông); Nguyễn Thị Hải Âu (nguyên Phó Chánh án TAND Đắk Song, hiện là phó chánh án TAND huyện Krông Nô, Đắk Nông); Nguyễn Xuân Triệu (nguyên thẩm phán TAND Đắk Song, hiện là thẩm phán TAND huyện Tuy Đức). Nguyên nhân kỷ luật là trong năm 2016, ông Phiếm, bà Âu và ông Triệu đã để cấp dưới tạo lập 57 hồ sơ vụ án dân sự không có đương sự, không có tranh chấp thực tế, trong đó có trực tiếp giải quyết một số hồ sơ, vi phạm quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Theo chuyên gia pháp lý Ngô Thị Kiều Oanh, Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đánh giá vụ việc có dấu hiệu của hành vi giả mạo trong công tác, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Căn cứ pháp lý của tội “Giả mạo trong công tác”

Điều 359 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội “Giả mạo trong công tác”, cụ thể: 

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:(a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;(b) Làm, cấp giấy tờ giả;(c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:(a) Có tổ chức;(b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;(c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:(a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;(b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:(a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;(b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Các yếu tố cấu thành tội phạm của tội “Giả mạo trong công tác”

(i) Khách thể của tội “Giả mạo trong công tác”

Khách thể của tội “Giả mạo trong công tác” là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Vì vậy, giả mạo trong công tác là tội phạm tham nhũng là đối tượng bị xử lý nghiêm.

Đối tượng tác động của tội “Giả mạo trong công tác” là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho các tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng với thực tế.

(ii) Mặt khách quan của tội “Giả mạo trong công tác”

Hành vi khách quan: Trước hết, người phạm tội phải là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc giả mạo trong công tác; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc giả mạo. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn là dấu hiệu để phân biệt với một số tội phạm khác cũng có những hành vi khách quan như đói với tội phạm này như: tội “Sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức”; tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, nhưng đối với các tội phạm này người phạm tội không lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Hậu quả: Cũng như hậu quả của các tội phạm khác, hậu quả của tội “Giả mạo trong công tác” là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất cho xã hội.

Hậu quả của hành vi giả mạo trong công tác không phải là dấu hiệu bắt buộc, tức là, dù hậu quả chưa xảy ra nhưng hành vi vẫn cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, nếu hậu quả do hành vi giả mạo trong công tác gây ra là hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị tổ chức trách nhiệm hình sự theo khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật.

(iii) Mặt chủ quan của tội “Giả mạo trong công tác”

Người phạm tội “Giả mạo trong công tác” thực hiện hành vi của mình là cố ý (cố ý trực tiếp), tức là, người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Đối với tội phạm giả mạo trong công tác, động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nếu người phạm tội có các hành vi khách quan nêu ở trên nhưng không vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác thì hành vi giả mạo trong công tác chưa cấu thành tội phạm.

Động cơ phạm tội là cái bên trong thuộc mặt chủ quan của tội phạm và người phạm tội không bao giờ thừa nhận nếu không có căn cứ. Tuy nhiên, việc xác định động cơ của người phạm tội không phải khó tới mức không xác định được. Ngay cả việc xác định lỗi của người phạm tội cũng là một việc khó, nhưng về lý luận, ý thức chủ quan của con người bao giờ cũng được thể hiện bằng những hành vi và các dấu hiệu khách quan.

(iv) Chủ thể của tội “Giả mạo trong công tác”

Chủ thể của tội “Giả mạo trong công tác” phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, đối với tội giả mạo trong công tác, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:

Trước hết, người phạm tội “Giả mạo trong công tác” phải là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Phạm vi chức vụ, quyền hạn của người phạm tội giả mạo trong công tác cũng tương đối rộng. Tuy nhiên, người phạm là người đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn khác.

Nếu người có chức vụ, quyền hạn lại lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho người khác để sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; để làm hoặc cấp giấy tờ giả; để giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà người lợi dụng chức vụ, quyền hạn bị tổ chức trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Tham ô”.

Hành vi của các thẩm phán lập khống hồ sơ vụ án để thụ lý và giải quyết với mục đích nhằm đạt được thành tích, đạt chỉ tiêu trong xét xử, không cần có động cơ vụ lợi. Đối với tội phạm này, tội phạm hoàn thành kể từ khi các thẩm phán lập hộ sơ khống nộp cho cơ quan tòa án, chưa cần hậu quả xảy ra. 


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *