Bà nội có quyền nuôi cháu khi vợ chồng ly hôn?


Hỏi: 

Tôi và vợ đang giải quyết việc ly hôn, cả tôi và vợ đều muốn giành quyền nuôi con. Tuy nhiên hai chúng tôi đều không có điều kiện kinh tế nuôi con (con tôi chưa được 3 tuổi).

Mẹ tôi tức bà nội của cháu lại có đủ điều kiện về kinh tế, có thể nuôi cháu. Vậy bà nội có thể giành quyền nuôi cháu không?

Nội dung tư vấn:

Sau khi bố mẹ ly hôn, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con được áp dụng theo quy định tại các Điều 81, 82, 83 và 84 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Về nguyên tắc, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con (khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

Bà nội có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con không?

Trường hợp có căn cứ về việc “Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Tức là, bà nội (người thân thích) có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con (cháu của mình) nếu có căn cứ về việc cả người bố và người mẹ không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Bà nội có thể là người trực tiếp nuôi cháu không?

Trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

Điều 52 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên như sau:

“Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 47 của Bộ luật này được xác định theo thứ tự sau đây:

1. Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ.

2. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều này thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

3. Trường hợp không có người giám hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.”

Theo quy định trên, bà nội (cùng với ông nội, ông ngoại, bà ngoại) là người giám hộ thuộc hàng thứ hai sau anh chị ruột. Tức là bà nội có thể yêu cầu Tòa án giao cho mình là người trực tiếp nuôi cháu, khi bà nội đáp ứng đầy đủ điều kiện của cá nhân làm người giám hộ: i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; ii) Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; iii) Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; iv) Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

Huyền Trang, Minh Nhật – Công ty luật ThinkSmart

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *