Bàn về định tội danh đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy và thực tiễn xét xử


Tiến sĩ Vũ Thị Phượng

Khoa luật – Trường Đại học Công Đoàn

Nguyễn Văn Lâm

Công ty luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội

(Bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam ngày 26/05/2021)

1. Vài nét về định tội danh

Định tội danh là một vấn đề rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, là tiền đề cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hoá hình phạt một cách công minh, chính xác, đồng thời làm cơ sở cho việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xác định thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng… góp phần đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi công dân. Việc định tội danh sai sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn, đặc biệt là không đảm bảo được tính có căn cứ của hình phạt được tuyên, xét xử không đúng người đúng tội, không đúng pháp luật. Đây cũng là một nguyên nhân của tình trạng oan, sai đang tồn tại.

2. Định tội danh trong thực tiễn xét xử

Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự cho thấy, các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh, đặc biệt đối với những vụ án mà hành vi phạm tội của bị can, bị cáo không thể hiện các yếu tố cấu thành tội phạm một cách đặc trưng, rõ ràng và các văn bản quy phạm pháp luật dùng để điều chỉnh còn thiếu hoặc chưa rõ nghĩa như: hành vi chia chất ma tuý có sẵn cho các cá nhân khác để cùng sử dụng có cấu thành tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý với hành vi khách quan được mô tả là “cung cấp trái phép chất ma tuý cho người khác sử dụng” theo hướng dẫn tại Điều 6.1 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (được sửa đổi bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015) hay đơn thuần chỉ là hành vi “Chuyển chất ma tuý, chất hướng thần hoặc các chất ma tuý khác cho người không được phép cất giữ, sử dụng” theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 21 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Đối với vụ án thuộc những trường hợp này, đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải có trình độ lý luận cơ bản và vững chắc, trên cơ sở đánh giá, phân tích, tổng hợp từng yếu tố của vụ án và lựa chọn, giải thích, áp dụng các văn bản quy định pháp luật liên quan một cách chính xác thì mới định tội danh đúng.

Tình huống

Sau đây chúng tôi xin nêu ra một vụ án cụ thể, các vấn đề pháp lý cần phải nghiên cứu và một số quan điểm khác nhau xung quanh việc định tội danh. Qua đó, chúng tôi sẽ nêu ra một số đặc điểm đặc trưng để phân biệt hành vi vi phạm hành chính và hành vi phạm tội và phân biệt các hành vi phạm tội khác nhau trong nhóm tội danh về ma tuý.

Vụ án như sau: Chiều tối ngày 07/05/2020, Phạm Văn K tổ chức liên hoan khao mua xe mới với 01 nhóm bạn thân. Sau khi đã uống nhiều rượu, bia Phan Thanh B (một người trong nhóm bạn của K) mời mọi người đi hát Karaoke tại Tiền Hải, Thái Bình và gọi Nguyễn Phúc T ra để bàn bạc và nhờ đi mua ma tuý về để mời mọi người sử dụng nhân ngày sinh nhật của B. Sau khi T mua ma tuý về có đưa cho K để chia cho mọi người sử dụng trong đó có nhiều lời khai mâu thuẫn liên quan đến việc K hay một cá nhân nào khác đã đưa ma tuý cho B sử dụng. Hậu quả là sau khi sử dụng ma tuý, B có biểu hiện tím tái và đã tử vong tại bệnh viện. Khi khám nghiệm hiện trường, Cơ quan điều tra thu giữ 01 viên nén màu xanh có khối lượng 0,33g sau khi giám định cho kết quả là ma tuý MDMA. Ngoài ra, quá trình giám định pháp y tử thi cho kết quả: trong máu và nước tiểu tử thi của B phát hiện có chất ma tý MDMA ngoài ra còn có hiện tượng phù, xung huyết, xuất huyết nặng ở phổi và nốt dạng kim tiêm tại vị trí ½ phá trên xương đòn trái, thương tích ở vùng tay, chân do tác động với vật tài, cứng gây ra. Từ đó, Cơ quan điều tra đưa ra kết luận nguyên nhân tử vong của B là do sốc ma tuý và truy cứu TNHS đối với K về hành vi Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý với tình tiết tặng nặng là gây chết người theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 255 BLHS.

Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chúng tôi nhận thấy một số tình tiết có ý nghĩa quan trọng đến quá trình giải quyết vụ án nhưng chưa được làm sang tỏ như:

Thứ nhất, dù có nhiều lời khai mâu thuẫn giữa các bị can, bị cáo về đối tượng đã đưa ma tuý cho B sử dụng nhưng không tiến hành đối chất mà chỉ sử dụng lời khai của đa số các bị can, bị cáo để xác định K là người đưa ma tuý cho B sử dụng là không đảm bảo tính khách quan và có dấu hiệu vi phạm quy định về thủ tục điều tra, tố tụng. Trong vụ án này, Cơ quan điều tra chưa làm rõ được hành vi của K có đưa ma tuý cho B hay không? Đồng thời, chứng cứ để chứng minh cho hành vi này là băng ghi hình (nếu có) không được mô tả. Cơ quan tố tụng nên xem xét áp dụng nguyên tắc xác định sự thật của vụ án quy định tại Điều 15 của BLTTHS 2015 để tiến hành cho đối chất giữa các bị can, bị cáo nhằm làm sáng tỏ những mâu thuẫn trong lời khai. Trong trường hợp không thu được chứng cứ về mặt vật chất và đã tiến hành cho đối chất nhưng vẫn không xác định được sự thật của vụ án thì Cơ quan tiến hành tố tụng nên xem xét để áp dụng nguyên tắc bị suy đoán vô tội quy định tại Điều 13 của BLTTHS 2015 để phù hợp với tinh thần nhân đạo của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự.

Thứ hai, khi giải quyết vụ án chưa tiến hành giám định để xác định tình trạng nghiệm ma tuý của các đối tượng để phục vụ cho việc điều tra, giải quyết vụ án. Trong khi, tại điểm a Điều 6.2 mục II của Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn: “Khi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cần phân biệt: Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mà tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy”. Tuy nhiên, trong vụ án cơ quan điều tra chưa tiến hành giám định hay thăm khám để xác định các bị can có từng sử dụng và nghiện chất ma túy hay không là không đảm bảo tính chính xác và khách quan nhất là đối với các đối tượng nghiện ma túy nhưng chưa bị phát hiện và chưa được lập hồ sơ quản lý tại địa phương.

Thứ ba, nếu xác định K là người đưa ma tuý cho B thì cần nêu ra và giải thích các quy định pháp luật để xác định hành vi của K là “cung cấp” hay “chuyển” chất ma tuý cho B sử dụng. Tại thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 (được sửa đổi bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015) trong đó có hướng dẫn chi tiết về đồng phạm của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy với nội dung như sau:“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác thì bị coi là đồng phạm về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy: đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; cung cấp trái phép chất ma túy cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy; chuẩn bị chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất…) nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; chuẩn bị địa điểm (thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm không thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác); chuẩn bị dụng cụ, phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ…) nhằm sử dụng để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác; tìm người sử dụng chất ma túy để đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của họ”. Phân tích quy định nêu trên chúng tôi nhận thấy, quy định này còn tồn tại một số vướng mắc dễ dẫn đến các cách hiểu khác nhau về cùng một quy định pháp luật, gây khó khăn cho việc xác định hành vi khách quan, cụ thể là việc hiểu như thế nào về thuật ngữ “cung cấp trái phép chất ma túy”. Bởi đây là một thuật ngữ có nội hàm rất rộng nhưng lại chưa được liệt kê hay làm rõ ý nghĩa một cách cụ thể. Mặt khác tại điểm c khoản 4 Điều 21 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định hành vi: “Chuyển chất ma túy, chất hướng thần hoặc các chất ma túy khác cho người không được phép cất giữ, sử dụng” chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, cũng giống như hành vi “Cung cấp trái phép” đã nêu, hành vi “Chuyển chất ma tuý” cũng không được các nhà làm luật giải thích cụ thể dẫn đến việc có nhiều hơn một cách hiểu và xác định về các hành vi quy định trong các văn bản nêu trên và khó có thể xác định chính xác hành vi “chia ma tuý” của K trong vụ việc này là hành vi cung cấp hay chuyển chất ma tuý cho người khác.

Thứ tư, xác định nồng độ chất MDMA có trong máu, nước tiểu của tử thi B và tiến hành đối chiếu với hàm lượng chất này mà cơ thể của một người bình thường có thể chịu đựng. Đồng thời đánh giá tác động của các dấu vết khác trên tử thi đến nguyên nhân tử vong của B. Cụ thể, qua nghiên cứu vụ án, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân tử vong của B chưa được làm rõ và chưa đủ căn cứ để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của K là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong của B. Bởi lẽ, chỉ dựa vào kết quả tìm thấy chất ma tuý MDMA có trong mẫu máu và nước tiểu của tử thi để đưa ra kết luận về nguyên nhân tử vong do sốc ma tuý là chưa đủ căn cứ. Đồng thời, bản kết luận giám định pháp y tử thi cũng chưa xác định được cụ thể về nồng độ chất MDMA trong máu và chưa làm rõ tác động của các dấu viết khác trên tử thi đến nguyên nhân tử vong như: hiện tượng phù, xung huyết, xuất huyết nặng ở phổi và nốt dạng kim tiêm tại vị trí ½ giữa phía trên xương đòn trái, thương tích ở vùng tay, chân do tác động với vật tày cứng gây ra

Thông qua việc phân tích các tình tiết có ý nghĩa quan trọng đối việc giải quyết vụ án, đã có đến ba quan điểm khác nhau về hành vi của K, như sau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng B phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” quy định tại khoản 3 Điều 255 BLHS;

Quan điểm thứ hai cho rằng trường hợp các đối tượng này cùng là người nghiện ma tuý và việc sử dụng ma tuý là tự nguyện rủ nhau để cùng sử dụng thì tuỳ vào tình tiết vụ án, các đối tượng sẽ bị xử lý trách nhiệm về  Tội tàng trữ trái phép chất ma tuý hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý do BLHS đã bỏ quy định về Tội sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại điểm a Điều 6.2 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP.

Quan điểm thứ ba cho rằng hành vi của K không cấu thành tội phạm và chỉ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

3. Một số vấn đề cần đặt ra, bàn luận  

Chúng tôi không đồng ý với quan điểm thứ nhất. Bởi lẽ, chưa đủ căn cứ để xử lý K về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý theo quy định tại Điều 255 BLHS như Cơ quan điều tra nhận định. Hành vi của K dù có thoả mãn hết các dấu hiệu về chủ thể, khách thể, chủ quan của tội phạm nhưng đối với hành vi này chưa thoả mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm. Cụ thể, K không thực hiện một trong các hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý được liệt kê và giải thích bao gồm:chỉ huy, phân công, điều hành; chuẩn bị chất ma túy; chuẩn bị địa điểm; chuẩn bị dụng cụ, phương tiện; tìm người sử dụng chất ma túy … để nhằm đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể của người khác theo quy định tại Điều 6.1 thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007. Còn đối với hành vi “Cung cấp trái phép chất ma tuý” được liệt kê trong cùng quy định này, hiện chưa có văn bản pháp luật có hiệu lực nào giải thích cụ thể về hành vi này. Tuy nhiên, theo từ điển tiếng việt, Viện ngôn ngữ, Chủ biên GS Hoàng Phê giải nghĩa từ “cung cấp” là: đem lại, làm cho có thứ cần để sử dụng. Dựa trên cách cắt nghĩa như trên, chúng tôi cho rằng hành vi “cung cấp trái phép chất ma tuý” cần được hiểu là hành vi có ý nghĩa quyết định đến việc có hay không chất ma tuý để các cá nhân cùng tổ chức sử dụng. Trong vụ án đã nêu, K nhận ma tuý từ T (một cá nhân trong nhóm tham gia sử dụng ma tuý) để đưa lại cho các cá nhân trong nhóm, về bản chất, hành vi của K là trung gian để chất ma tuý được chuyển từ T sang cho từng cá nhân có mặt trong nhóm chứ không quyết định đến việc có hay không có ma tuý để cả nhóm sử dụng. Trong vụ án này, hành vi cung cấp chất ma tuý theo cách hiểu của chúng tôi thuộc về T và đã kết thúc khi T mang ma tuý về cho cả nhóm bạn sử dụng. Chúng tôi đưa ra cách hiểu như vậy vì thấy rằng hành vi mua và mang ma tuý đến của T có ý nghĩa quyết định đến việc cả nhóm có nguồn ma tuý để sử dụng nên gần hơn với cách hiểu của từ “Cung cấp” chất ma tuý đã nêu. Chưa kể, nếu xác định K đã thực hiện một trong các hành vi đã mô tả bên trên bao gồm cả hành vi “cung cấp chất ma tuý” nhưng việc thực hiện hành vi của K là bộc phát, hoàn toàn không có sự bàn bạc hay nghe theo sự chỉ huy, phân công, điều hành của người khác. Minh chứng cho điều này là tình tiết B đã bàn bạc riêng và nhờ T đi mua ma tuý về mời mọi người sử dụng và không hề có hành vi chỉ đạo, phân công cho K chia ma tuý cho mọi người để sử dụng. Mặt khác, chỉ dựa vào kết quả giám định tử thi trong máu và nước tiểu của tử thi có chưa ma tuý MDMA để kết luận nguyên nhân tử vong do sốc ma tuý là chưa toàn diện, khách quan và chưa đủ để chứng minh mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi của K và hậu quả là B tử vong. Vì vậy, chúng tôi cho rằng chưa đủ căn cứ để nhận định và xử lý TNHS của K về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý theo quy định tại khoản 3 Điều 255 BLHS.

Chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với quan điểm thứ hai. Bởi lẽ, trong các đối tượng bắt buộc phải giám định tại Điều 206 BLTTHS 2015 quy định về 06 trường bắt buộc phải trưng cầu giám định chỉ có quy định về “chất ma túy” tại khoản 5 chứ không có quy định bắt buộc giám định về tình trạng nghiện ma tuý. Mặt khác, đối với vụ án này, các đương sự và các đối tượng trong vụ án không tiến hành yêu cầu giám định trong thời gian quy định tại Điều 207 BLTTHS 2015. Cho nên, việc quyết định có trưng cầu giám định đối với đối tượng này hay không hiện vẫn là quy định mang tính mở, không bắt buộc và cho phép Cơ quan tiến hành tố tụng có quyền chứ không có nghĩa vụ bắt buộc phải giám định. Như vậy, khi chưa thể tiến hành giám định và xác định cả đối tượng đưa và nhận ma tuý để sử dụng đều là người nghiện thì không đủ điều kiện để áp dụng quy định tại điểm a Điều 6.2 Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đối với người nghiện ma tuý.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ ba, xử lý K về hành vi “chuyển chất ma tuý cho người khác sử dụng” là có căn cứ. Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này như sau: Đối với hành vi “chuyển chất ma tuý cho người khác sử dụng” quy định tại điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hiện chưa có văn bản hướng dẫn mô tả về mặt khách quan hay liệt kê các hành vi tương tự nên để hiểu về quy định này cần tham khảo từ điển tiếng việt của Viện ngôn ngữ. Theo đó, ta có thể hiểu nghĩa của từ “chuyển” là: đưa một vật từng quãng ngắn từ người này, chỗ này sang người khác, chỗ khác. Như vậy có thể hiểu hành vi “chuyển chất ma tuý” là hành vi đưa ma tuý từ người này sang người khác, phù hợp với hành vi của K được miêu tả trong vụ án là nhận ma tuý từ T và đưa lại cho từng người. Xét về mặt tính chất của hành vi thì đây là hành vi hành động và trái quy định của pháp luật về việc độc quyền quản lý của nhà nước đối với ma tuý và các chất hướng thần khác. Xét về tính chất lỗi, của K khi thực hiện hành vi là có yếu tố lỗi mà cụ thể ở đây là lỗi cố ý trực tiếp về hành vi khi bản thân K hoàn toàn phải nhận thức được hành vi đưa ma tuý của bản thân cho người khác là nguy hiểm cho xã hội, thấy được hậu quả là người nhận ma tuý của mình có thể sẽ sử dụng đối với số lượng ma tuý đó và bản thân K đã có ý thức mong muốn các cá nhân này cùng sử dụng. Tuy nhiên, xét về mức độ nguy hiểm của hành vi chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự khi hành vi chuyển chất ma tuý K không có sự bàn bạc và không dựa trên sự chỉ huy, phân công từ người khác và việc chuyển chất ma tuý của K không đóng vai trò quyết định đến việc nhóm bạn có khả năng có được chất ma tuý để sử dụng. Bản chất hành vi của K chỉ đóng vai trò cầu nối giữa T và các cá nhân sử dụng ma tuý còn lại. Từ những lý lẽ trên, chúng tôi cho rằng xử lý trách nhiệm hành chính đối với K về hành vi chuyển chất ma tuý cho người khác sử dụng với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định 167/2017/NĐ-CP là hoàn toàn có căn cứ pháp luật.

Trên đây là một vụ án cụ thể và các quan điểm xử lý vụ việc và định tội danh khác nhau, chúng tôi nêu ra và trên cơ sở đó phân tích một số điểm cơ bản đặc trưng để phân biệt hành vi vi phạm hành chính và hành vi phạm tội và phân biệt giữa các hành vi tội phạm với nhau khi định tội danh đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý và các vấn đề có liên quan. Để phục vụ cho việc áp dụng pháp luật được chính xác và hiệu quả, chúng tôi thiết nghĩ cần làm rõ mức độ nguy hiểm của hành vi làm căn cứ quyết định xử lý trách nhiệm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một hành vi vi phạm pháp luật cụ thể. Đồng thời, cần có sự giải thích và hướng dẫn chi tiết của nhà làm luật đối với những hành vi được quy định trong các văn bản pháp luật để tránh trường hợp có nhiều hơn một cách hiểu về cùng một hành vi dẫn đến không đồng nhất trong quá trình áp dụng pháp luật vào các vụ việc thực tế.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *