Ngô Ngọc Diễm
Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội
1. Đặt vấn đề
Lao động cưỡng bức là hình thức bóc lột lao động, tước đi quyền tự do và phẩm giá của người lao động. Lao động cưỡng bức xảy ra khi phụ nữ, nam giới cũng như trẻ em bị lừa gạt và mắc bẫy trong chính công việc của mình mà không thể thoát ra được. Theo ước tính của ILO, trên thế giới, có tới 21 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức. Khoảng 12 triệu người trong số đó, nghĩa là hơn nửa số nạn nhân, ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó có nghĩa là bất cứ thời khắc nào cũng có ít nhất 3 trong số 1.000 người Châu Á đang bị cưỡng bức lao động[1].
Lao động cưỡng bức đi ngược lại xu thế phát triển, nó cũng đồng thời phương hại đến sản xuất kinh doanh. Một doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng lao động cưỡng bức có thể kéo theo hậu quả tác động lên cả ngành, đặc biệt là nếu bị áp đặt các rào cản thương mại, các ngành xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Lao động cưỡng bức cũng làm méo mó thị trường kinh doanh vì doanh nghiệp tuân thủ tốt lại đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh từ những doanh nghiệp vi phạm pháp luật. ILO ước tính rằng lợi nhuận bất hợp pháp thu được thông qua việc sử dụng lao động cưỡng bức trong khu vực kinh tế tư nhân trên toàn thế giới lên tới 150 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Một phần ba số tiền này là từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Vậy tại sao vấn đề lao động cưỡng bức lại trở thành chủ đề nóng và sát sườn với kinh tế Việt Nam hiện nay?
Lý do thứ nhất chính là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong bốn quyền lao động cơ bản mà các bên tham gia TPP nhất trí thông qua và duy trì trong khung pháp lý và thực tiễn tại mỗi nước. Việt Nam, với vai trò thành viên của thỏa thuận này, công nhận mục tiêu loại trừ mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc . Điều này đặt ra yêu cầu kiểm soát kỹ lưỡng và kỳ vọng mới đối với doanh nghiệp Việt Nam. Họ phải đảm bảo rằng rủi ro lao động cưỡng bức không có chỗ trong các hoạt động hay trong chuỗi cung ứng của họ.
Lý do thứ hai liên quan đến cải cách mới đây trong khung pháp lý của Việt Nam. Bộ luật Hình sự ra đời tháng 11/2015 quy định cưỡng bức lao động là tội hình sự theo Điều 297. Cùng với việc nghiêm cấm cưỡng bức lao động trong Bộ luật Lao động và Luật Phòng, chống mua bán người, tội danh mới này thiết lập một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để ngăn chặn hành vi cưỡng bức tại Việt Nam.
Nhằm cụ thể hóa các quy định của Công ước số 29 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO – International Labour Organization) (sau đây gọi tắt là Công ước số 29) đồng thời để đấu tranh, phòng chống có hiệu quả đối với hành vi cưỡng bức lao động Bộ luật hình sự 2015 (sau đây gọi tắt là BLHS 2015) được thông qua ngày 27-11-2015 của Việt Nam đã bổ sung quy định tại Điều 297 về Tội cưỡng bức lao động.
Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích các vấn đề lý luận về Tội cưỡng bức lao động trong BLHS 2015 và đề xuất các giải pháp thực thi có hiệu quả đối với tội này.
2. Khái niệm tội cưỡng bức lao động
Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền con người, đặc biệt là quyền cơ bản của người lao động tại nơi làm việc. Chính vì vậy, nguyên tắc hiến định đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc” và “nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động” [2]. Tuy nhiên cho đến nay, sự nhận diện về lao động cưỡng bức trong pháp luật Việt Nam để đảm bảo thực hiện nguyên tắc hiến định này vẫn là vấn đề cần được tiếp tục quan tâm trong lĩnh vực lập pháp.
Để nghiên cứu thế nào là Tội cưỡng bức lao động cần tìm hiểu về khái niệm “lao động cưỡng bức”.
Lao động cưỡng bức là một trong những hành vi nguy hiểm, có tác động xấu tới quan hệ lao động, bóp méo quan hệ này cũng như tác động tới tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do thân thể của người lao động bị cưỡng bức. Khái niệm lao động cưỡng bức được nêu lần đầu tiên trong Công ước số 29 của ILO về lao động cưỡng bức và bắt buộc.
Theo Điều 2 của Công ước thì: cụm từ “lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc” có nghĩa là mọi công việc hoặc dịch vụ mà một người bị ép buộc phải làm dưới sự đe doạ về bất kỳ hình phạt nào và bản thân người đó không tự nguyện làm.
Từ khái niệm này, theo Công ước cần xác định những hành vi sau đây bị coi là hành vi lao động cưỡng bức: Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động; Lừa gạt; Hạn chế đi lại; Bị cô lập; Bạo lực thân thể và tình dục; Dọa nạt, đe dọa; Giữ giấy tờ tùy thân Giữ tiền lương; Lệ thuộc vì nợ; Điều kiện sống và làm việc bị lạm dụng; Làm thêm giờ quá quy định[3].
Dựa trên cơ sở các quy định của Công ước số 29 Bộ luật lao động Việt Nam 2012 đã có định nghĩa về cưỡng bức lao động trong khoản 10 Điều 3 như sau: Cưỡng bức lao động là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ.
Như trên đã phân tích, lần đầu tiên trong lịch sử, tại BLHS 2015 của Việt Nam có ghi nhận về tội cưỡng bức lao động. Theo Điều 297 BLHS 2015 quy định “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%[4]”.
Trên cơ sở các quy định về định nghĩa tội phạm tại Điều 8 BLHS 2015 có thể hiểu “Tội cưỡng bức lao động là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động, do người có năng lực trách nhiệm hình sực thực hiện một cách cố ý xâm phạm xâm phạm quyền tự do về lao động của con người”.
3. Các dấu hiệu pháp lý của tội cưỡng bức lao động trong Bộ luật hình sự Việt Nam
Trên cơ sở khái niệm về tội cưỡng bức lao động trong BLHS 2015 có thể xác định các dấu hiệu của tội cưỡng bức lao động như sau:
3.1. Về khách thể của tội phạm.
Tội cưỡng bức lao động được quy định tại Điều 297 nằm trong Chương XXI – Các tội xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng. Như vậy về khách thể loại của tội phạm này xâm phạm tới các quan hệ xã hội về an toàn trong các lĩnh vực khác nhau của trật tự công cộng.
Khách thể trực tiếp của tội phạm này là quan hệ nhằm đảm bảo quyền bất khả xâm phạm về tự do lao động của con người[5]. Ngoài ra tội cưỡng bức lao động còn gián tiếp xâm phạm tới quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe, danh dự nhân phẩm và quyền tự do của con người.
3.2. Về mặt khách quan.
Điều 297 tại khoản 1 quy định “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.” Như vậy, tội cưỡng bức lao động có các hành vi khách quan như sau:
Thứ nhất, người phạm tội có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động. Như vậy, về cơ bản Điều 297 đã sử dụng cách định nghĩa trong Bộ luật lao động 2012 về “cưỡng bức lao động”. Có chăng BLHS 2015 không sử dụng cụm từ “nhằm buộc người khác lao động trái ý muốn của họ” thay vào đó là cụm từ “ép buộc người khác phải lao động”.
Khái niệm về hành vi cưỡng bức lao động trong BLHS 2015 cũng như Bộ luật lao động 2015 về cơ bản được xây dựng dựa trên cơ sở khái niệm về “cưỡng bức lao động” trong Công ước số 29 của ILO. tuy nhiên, vẫn có những điểm khác biệt và bất cập:
+ Nội hàm khái niệm này trong BLHS 2015 hẹp hơn khi nhấn mạnh chủ yếu yếu tố không tự nguyện ở đây là do việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, trong khi thực tế có rất nhiều những dạng ép buộc, cưỡng bức khác.
+ Các “thủ đoạn khác” đã không được giải thích một cách rõ ràng nên rất khó xác định. Điều này cho thấy, nếu muốn thực thi được các cơ quan tư pháp của Việt Nam cần phải ban hành văn bản hướng dẫn thi hành về điểm này.
+ Công ước số 29 dùng thuật ngữ “một người phải thực hiện một công việc hoặc dịch vụ” bao gồm được cả trường hợp công việc hay dịch vụ đó có thể là hợp pháp hoặc có thể là bất hợp pháp. Lao động cưỡng bức do đó không được định nghĩa bằng tính chất của công việc (có thể hợp pháp hoặc không hợp pháp theo luật quốc gia) mà bằng tính chất của mối quan hệ giữa người thực hiện công việc và người hưởng lợi từ công việc. Khái niệm trong BLHS 2015 cũng như Bộ luật lao động 2012 sử dụng thuật ngữ “lao động” thì hoạt động lao động của con người chỉ bao hàm những hoạt động tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội và thường đó là những hoạt động không bị pháp luật cấm. Với thuật ngữ này dễ dẫn đến cách hiểu lao động cưỡng bức chỉ xảy ra khi một người phải thực hiện những công việc hợp pháp trái với ý muốn của họ, còn những công việc bất hợp pháp một người phải thực hiện ngoài ý muốn của họ không nằm trong nội hàm khái niệm lao động cưỡng bức.[6]
Phân tích từng hành vi được mô tả trong Điều 297 BLHS 2015 cụ thể như sau:
Dùng vũ lực: Là sử dụng sức mạnh bạo lực thông qua các hành vi như đấm, đá, tát, đánh, đập tác động bằng ngoại lực vào cơ thể của nạn nhân. Hành vi dùng vũ lực có thể thể hiện dưới nhiều động tác khác nhau và mục đích chính khi sử dụng vũ lực là nhằm ép người khác phải lao động. Điều này để phân biệt với hành vi dùng vũ lực trong các tội khác như cố ý gây thương tích, cưỡng dâm, hiếp dâm…
Đe dọa dùng vũ lực: Là việc sử dụng bạo lực tinh thần thông qua các hành vi, hành động hoặc dưới hình thức không hành động nhằm làm cho người lao động lo sợ rằng hành vi sử dụng bạo lực sẽ diễn ra, từ đó buộc họ phải thực hiện việc lao động mà người cưỡng bức lao động đã ép buộc họ tiến hành.
Thủ đoạn khác: Là việc sử dụng các thủ đoạn ngoài dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ví dụ như các biện pháp ép buộc về tinh thần, ràng buộc về các điều kiện vật chất, công việc khiến cho người lao động phải miễn cưỡng làm việc theo yêu cầu của người cưỡng bức lao động đặt ra.
Các hành vi trên của người phạm tội phải dẫn đến việc làm cho người khác (thông thường là người lao động) phải lao động trái với ý muốn của họ. Quyền tự do lao động là một quyền con người, con người khi đến tuổi lao động được quyền tự do lựa chọn công việc cũng như địa điểm làm việc và khi không muốn làm việc cho chủ sử dụng lao động nữa thì họ có quyền tự do chấm dứt hợp đồng lao động (theo quy định của pháp luật). Do đó hành vi cưỡng bức lao động làm cho quyền tự do lao động của họ bị xâm phạm. Họ buộc phải lao động trái với ý muốn của mình.
Như vậy có thể thấy về mô tả hành vi cưỡng bức lao động trong BLHS 2015 của Việt Nam mới chỉ mô tả một số nhóm hành vi điển hình của hành vi cưỡng bức lao động được Công ước số 29 ILO quy định. Theo Công ước số 29 thì có 11 hành vi liên quan đến cưỡng bức lao động. Điều này đã được nhà làm luật Việt Nam sử dụng một cách quy định mang tính mở để quy định đó là sử dụng cụm từ “dùng các thủ đoạn khác”. Tuy nhiên “dùng thủ đoạn khác là những thủ đoạn nào thì cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ hai, hành vi cưỡng bức lao động chỉ phạm tội cưỡng bức lao động theo luật hình sự nếu có hậu quả xảy ra. Điều 297 quy định về ba loại hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi cưỡng bức lao động sẽ phải bị xử lý hình sự theo tội này gồm:
a. Đã bị xử phạt vi phạm hành chínhvề hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.”
Trong ba trường hợp này, chỉ có điểm b và điểm c là người thực hiện hành vi gây ra hậu quả và dùng hậu quả đế làm cơ sở cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn đối với điểm a là xét về nhân thân và lý lịch của người thực hiện hành vi phạm tội. Bởi vậy hậu quả không phải là căn cứ bắt buộc đối với tội danh này khi một người thực hiện hành vi cưỡng bức lao động.
3.3. Về chủ thể của tội phạm.
Theo quy định tại khoản 1 điều 297 BLHS 2015 thì không quy định chủ thể đối với tội cưỡng bức lao động là chủ thể đặc biệt tức là mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm đối với tất cả những người thực hiện hành vi phạm tội được mô tả trong cấu thành tội phạm của tội này. Theo đó, chủ thể của tội phạm là bất kỳ ai, có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Cách quy định như vậy là một điểm đáng lưu ý của BLHS 2015. Vì khi nhắc đến quan hệ lao động, thông thường người lao động bị cưỡng bức bởi chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc lao động. Nhưng điều luật này không bó hẹp phạm vi chỉ người sử dụng lao động mới có thể trở thành chủ thể thực hiện tội cưỡng bức lao động, mà còn có thể là những người khác có liên quan đến quan hệ lao động này ví dụ như người quản lý, người được chủ sử dụng lao động giao thực hiện các công việc tại cơ sở có sử dụng lao động hoặc giữa chính những người lao động với nhau.
3.4. Về mặt chủ quan của tội phạm.
Tội cưỡng bức lao động được thực hiện với lỗi cố ý, thông thường là cố ý trực tiếp. Mục đích của tội này thường là mục đích bóc lột lao động, tình dục, mục đích vụ lợi về vật chất. Tuy nhiên động cơ và mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội này.
4. Những đề xuất thực thi quy định về tội cưỡng bức lao động trên thực tế
Với tính chất là tội phạm lần đầu tiên được quy định trong BLHS, việc triển khai áp dụng quy định của Điều 297 về tội cưỡng bức lao động còn rất nhiều khó khăn. Trên cơ sở phân tích về khái niệm, các dấu hiệu pháp lý của tội phạm này theo BLHS 2015, chúng tôi xin đề xuất những giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả quy định về tội cưỡng bức lao động.
Thứ nhất, như trên đã phân tích, trong mô tả của Điều 297 có quy định về “thủ đoạn khác” nhằm ép buộc người khác phải lao động. Đây là quy định mang tính mở, còn nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, chúng tôi đề xuất các cơ quan tư pháp ở trung ương cần phối hợp ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng BLHS 2015 trong đó có hướng dẫn về vấn đề này. Ngoài ra hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ép buộc người khác phải lao động trong một số trường hợp khá giống với một số hành vi của tội phạm khác như: Hành vi cưỡng bức (dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác) buộc người khác thực hiện hoạt động mại dâm (điểm b khoản 2 Điều 327); hoặc hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật; hoặc hành vi mua bán người, mua bán trẻ em nhằm mục đích bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động (Điểu 150, 151). Do đó, cần phải có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp này, để phân biệt tội cưỡng bức lao động với các hành vi mang tính cưỡng bức lao động trong các tội phạm đó.
Thứ hai, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử cần xây dựng quy định về phối hợp với các cơ quan quản lý về lao động, xuất nhập cảnh… để có thể thực thi tốt hơn quy định về tội cưỡng bức lao động trên thực tế. Bởi lẽ, với vai trò trong quản lý lao động, cơ quan lao động sẽ nắm tốt hơn tình hình sử dụng lao động tại các doanh nghiệp, công trường, hầm mỏ… Do đó, việc phát hiện tình trạng cưỡng bức lao động sẽ tốt hơn. Nếu xây dựng được cơ chế phối hợp tốt việc xác định hành vi cưỡng bức lao động của cơ quan quản lý lao động và việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tư pháp sẽ nhịp nhàng hơn. Từ đó sẽ đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này.
5. Tài liệu tham khảo
1. Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Diễn văn “Lao động cưỡng bức làm phương hại đến hoạt động kinh doanh và sự phát triển của xã hội”, truy cập: http://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Speeches/WCMS_467054/lang–vi/index.htm
2. Quốc hội (2013), Hiến pháp, Hà Nội
3. Tổ chức Lao động quốc tế – ILO (1930), Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức và bắt buộc năm 1930
4. Quốc hội (2015), Bộ luật hình sự, Hà Nội
5. Phan Thị Thanh Huyền, Nhận diện về lao động cưỡng bức trong pháp luật lao động Việt Nam hiện hành, Truy cập tại: http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=111
[1] Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Diễn văn “Lao động cưỡng bức làm phương hại đến hoạt động kinh doanh và sự phát triển của xã hội”, truy cập: http://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Speeches/WCMS_467054/lang–vi/index.htm
[2] Quốc hội (2013), Hiến pháp, Hà Nội
[3] Tổ chức Lao động quốc tế – ILO (1930), Công ước số 29 về Lao động cưỡng bức và bắt buộc năm 1930
[4] Quốc hội (2015), Bộ luật hình sự, Hà Nội
[5] Về quyền tự do lao động: Điều 57 Hiến pháp 2013 đã quy định “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”; Điểm a khoản 1 Điều 5 Bộ luật lao động quy định “Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp và không bị phân biệt đối xử”.
[6] Phan Thị Thanh Huyền, Nhận diện về lao động cưỡng bức trong pháp luật lao động Việt Nam hiện hành, Truy cập tại: http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/thi-hanh-phap-luat.aspx?ItemID=111