Bị lừa đảo qua mạng xã hội thì tố giác ở đâu?


Hỏi: Trường hợp bị lừa đảo qua mạng xã hội có thể tố cáo đến cơ quan nào?

Căn cứ theo Điều 145, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định “Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.

“1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục.
4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố”.

Bạn là người bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên hoàn toàn có quyền tố giác, báo tin tại cơ quan điều tra Công an cấp huyện cũng như tại VKSND cấp huyện nơi bạn có hộ khẩu thường trú.

Nếu muốn tố cáo tới Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (A50 Bộ Công an) thì bạn có thể thực hiện quyền tố giác, tố cáo tội phạm đến Cơ quan điều tra và VKSND có thẩm quyền tại nơi xảy ra hành vi lừa đảo.

Sau đó, các cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ cho Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao trong trường hợp vụ án có tính chất phức tạp, phải thụ lý theo thẩm quyền.

Luật sư Hà Thị Khuyên – Đoàn Luật sư TP Hà Nội (Theo Luật sư Việt Nam)


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *