Ngô Ngọc Diễm
Công ty Luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội
I. Đặt vấn đề
Nhu cầu cấp thiết của việc BVMT bằng PLHS của các quốc gia trên thế giới được thể hiện thông qua chính sách hình sự của mỗi quốc gia về tội phạm về môi trường. Nhiều nước đã thành công trong việc đưa môi trường sống của con người, môi trường sinh thái được bảo vệ tốt hơn bằng hệ thống pháp luật. Ngoài ra, ngày càng nhiều Công ước quốc tế trong lĩnh vực môi trường đã cho thấy sự liên kết giữa các quốc gia trong nhận thức và chống lại tội phạm về môi trường. Đây là những kinh nghiệm quý giá mà Việt Nam có thể học hỏi, cả về lập pháp và kinh nghiệm áp dụng pháp luật cho việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm về môi trường ở nước ta.
II. Tội phạm về môi trường trong Bộ luật hình sự Liên bang Nga
1. Những quy định cụ thể
PLHS Liên bang Nga có nhiều nét tương đồng với PLHS Việt Nam khi rất nhiều nhà nghiên cứu được đào tạo từ quốc gia này. Với một thời kỳ lịch sử dài cùng chế độ XHCN, đến nay, PLHS Việt Nam vẫn có nhiều quan điểm, lý luận, cách thức xây dựng quy phạm khá tương đồng với PLHS Liên bang Nga. Chính vì vậy, việc lựa chọn nghiên cứu tội phạm về môi trường trong BLHS Liên bang Nga để học hỏi kinh nghiệm nước bạn là phù hợp với tình hình phòng, chống tội phạm về môi trường ở nước ta.
BLHS năm 1999 của Liên bang Nga được ban hành năm 1996, sửa đổi năm 2010 đã dành hẳn một chương riêng để quy định các tội phạm về môi trường. Đó là chương XXVI “Các tội phạm về sinh thái” với 17 điều (từ Điều 246 đến Điều 262) quy định về các tội phạm về môi trường khác nhau [33 tr.73-76]. Chương 26 Tội phạm sinh thái của BLHS nước Nga gồm 17 điều khoản, chúng tôi tiến hành phân loại các tội phạm về môi trường này theo 4 nhóm như sau:
Nhóm 1: Các tội phạm về môi trường trong quá trình sản xuất gồm:
– Điều 246. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường xung quanh trong khi tiến hành sản xuất;
– Điều 247. Tội vi phạm các quy định về sử dụng các chất và phế thải nguy hiểm;
– Điều 248. Tội vi phạm các quy định về an toàn khi tiếp xúc với các độc tố vi sinh hoặc độc tố sinh học khác;
– Điều 249. Tội vi phạm các quy định về thú y và các quy định về chống bệnh tật phá hại cây cối;
Cấu thành của nhóm tội phạm này được mô tả là hành vi cố ý hoặc bất cẩn (vô ý), tạo ra một “mối đe dọa hoặc gây ra tác hại đáng kể đến sức khỏe của con người hoặc môi trường” trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cá nhân, tổ chức.
Điều 246 mô tả hành vi của tội phạm là những “vi phạm các quy tắc bảo vệ môi trường trong quá trình thiết kế, bố trí, xây dựng, vận hành, hoặc hoạt động của các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, khoa học hoặc các cơ sở khác của những người chịu trách nhiệm về việc tuân thủ quy tắc tại các cơ sở này, nếu điều này có liên quan đến một sự thay đổi đáng kể trong môi trường, gây thương tích cho sức khỏe con người, thương tích ở quy mô lớn đối với động vật, hoặc bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào khác”.
Điều 247 thì liệt kê một loạt những hành vi sau là tội phạm môi trường:
“1. Sản xuất chất thải nguy hiểm bất hợp pháp, vận chuyển, lưu trữ, đổ, sử dụng hoặc bất kỳ lưu thông nào khác của chất phóng xạ, vi khuẩn, hoặc hóa chất hoặc chất thải, với sự vi phạm các quy tắc cố định, nếu những hành vi này cótạo ra một mối đe dọa gây ra tác hại đáng kể đến sức khỏe con người hoặc môi trường ……….
2. Các hành vi tương tự, có liên quan đến ô nhiễm, ngộ độc hoặc ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường gây tổn hại cho sức khỏe con người hoặc thương tích ở quy mô lớn đối với động vật và các hành vi tương tự được thực hiện trong một khu sinh thái hoặc trong một khu vực sinh thái khẩn cấp ……
3. Các hành vi tương tự tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên kéo theo hậu quả gây ra các bệnh viêm nhiễm của người dân, nguyên nhân chính dẫn tới cái chết ….”.
Điều 248 mô tả hành vi của tội phạm về môi trường là: “1. Vi phạm các quy tắc an toàn trong việc xử lý vi sinh hoặc bất kỳ sinh học hoặc tác nhân hoặc độc tố nào khác, nếu điều này có liên quan đến việc gây thương tích cho sức khỏe con người, lây lan dịch bệnh hoặc bất kỳ hậu quả nghiêm trọng nào khác, ….
2. Hành động tương tự, đã gây ra hậu quả không mong muốn là chết người, ………….”
Điều 249 mô tả hành vi của tội phạm là: “vi phạm các quy tắc thú y làm lây lan dịch bệnh hoặc bất kỳ thiệt hại nào khác ….” và “vi phạm các quy tắc kiểm soát dịch bệnh và sâu hại cây trồng ….”.
Qua những quy định trên có thể thấy, hành vi vi phạm của nhóm tội phạm về môi trường này chủ yếu đến từ việc không tuân thủ các quy tắc đã được nhà nước quy định trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, dẫn tới những hậu quả xấu không mong muốn như gây hại tới môi trường, sức khỏe con người, động thực vật, thậm chí hậu quả xấu nhất là làm chết người.
Nhóm 2: Các tội phạm về môi trường về đất đai, nguồn nước gồm có:
Điều 250. Tội gây ô nhiễm nước là những hành vi làm “ô nhiễm, tắc nghẽn và cạn kiệt nước mặt, nước ngầm, nguồn cung nước sinh hoạt hay bất kỳ thay đổi nào khác về tính chất tự nhiên của chúng” dẫn tới “tổn hại động, thực vật, trữ lượng cá, cho lâm nghiệp hay nông nghiệp” hoặc “gây thương tích cho con người, sức khỏe con người”.
Điều 252. Tội gây ô nhiễm môi trường biển được mô là là hành vi làm ô nhiễm từ “các nguồn trên đất liền” hay “xả thải từ tàu thuyền, các công trình xây dựng trên biển” dẫn tới “gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, sinh vật biển, tài nguyên biển” hay hệ động vật, thực vật trong môi trường.
– Điều 254. Tội làm suy thoái đất là hành vi gây “nhiễm độc, ô nhiễm khác gây ra bất kỳ sự suy thoái đất nào”, nguyên nhân xuất phát từ việc vi phạm các nguyên tắc sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hóa chất trong nông nghiệp như phân bón, chất kích thích tăng trưởng, chất diệt cỏ dẫn tới “sự tổn hại đến sức khỏe con người hoặc môi trường”.
– Điều 255. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng lòng đất. Đây là hành vi “vi phạm các quy tắc để bảo vệ và sử dụng lớp đất dưới đất trong quá trình thiết kế, chọn địa điểm, xây dựng, vận hành, và hoạt động của các doanh nghiệp khai thác hoặc các cấu trúc ngầm không liên quan đến khai thác khoáng sản, và tương tự như vậy, xây dựng trái phép trên các khu vực của các mỏ khoáng sản” . Những hành vi này có liên quan đến những thiệt hại cho môi trường sẽ bị coi là tội phạm.
Nhóm 3: Các tội phạm về môi trường về rừng gồm có:
Điều 260. Tội chặt trái phép cây gỗ và cây bụi và Điều 261. Tội hủy hoại hay tàn phá rừng. Những tội danh này liên quan trực tiếp đến việc khai thác các sản vật từ rừng, chủ yếu là gỗ. Được mô tả là hành vi “chặt hạ trái phép”, “gây thiệt hại cho cây cối, cây bụi và dây leo” đến mức “chấm dứt sự phát triển” của các nhóm loài trong rừng. Ngoài ra, Điều 260 và Điều 261 BLHS Liên bang Nga cũng nhấn mạnh việc tội phạm về môi trường về rừng thuộc trường hợp tăng nặng TNHS khi gây thiệt hại trên quy mô đặc biệt lớn, hay tội phạm có tổ chức.
Hành vi hủy hoại hoặc tàn phá rừng, cũng như khai thác trái phép gỗ không chỉ gồm có rừng tự nhiên mà còn bao gồm các khu vực rừng trồng, do bất cẩn trong xử lý hỏa hoạn hoặc bất kỳ nguồn nguy hiểm nào khác, như đốt phá, xả thải đều được BLHS Liên bang Nga quy định là tội phạm môi trường.
Nhóm 4: Các tội phạm về môi trường vi phạm quy định cấm khác gồm một loạt các tội phạm được quy định trong BLHS Liên bang Nga như:
Điều 251. Tội gây ô nhiễm không khí được mô tả là hành vi “vi phạm cá quy tắc giải phóng chất ô nhiễm vào khí quyển hoặc vi phạm các hoạt động lắp đặt, xây dựng và các điều kiện khác” dẫn tới “ô nhiễm hoặc bất kỳ thay đổi nào khác về tính chất không khí”, “gây thương tích cho con người hoặc sức khỏe” sẽ bị phạt tiền lên tới 200 nghìn rúp hoặc phạt tù lên tới 5 năm.
Điều 253. Tội vi phạm pháp luật Liên bang Nga về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Liên bang Nga gồm có các hành vi “xây dựng trái phép công trình trên thềm lục địa”, tạo ra sự bất ổn về an ninh xung quanh thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế; vi phạm các quy tắc xây dựng, vận hành, bảo vệ và tháo dỡ các công trình, cá cơ sở an toàn hàng hải; điều tra, thăm dò tài nguyên thềm lục địa hoặc vùng đặc quyền kinh tế mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền tới 300 nghìn rúp, phạt tù hoặc lao động công ích tới 2 năm, cấm hoạt động trong lĩnh vực tương tự tối đa 3 năm.
Điều 256. Tội khai thác trái phép động, thực vật sống dưới nước và Điều 257. Tội vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn cá dự trữ, Điều 258. Tội săn bắn trái phép đều mô tả đây là hành vi đánh bắt, săn bắn cá, động thực vật ở biển hay trên cạn trái phép gây ra “những thiệt hại lớn”, sử dụng các phương tiện trái phép hay hóa chất, điện để đánh bắt; đánh bắt vào mùa sinh sản; khai thác trong khu bảo tồn hoặc khu vực đang bị suy thoái sinh thái; các hoạt động xây dựng, khai thác làm tiêu hủy hàng hoạt cá hay thức ăn dự trữ của chúng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Điều 259. Tội phá huỷ nơi trú ngụ của các sinh vật được ghi trong sách đỏ của Liên bang Nga đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Các sinh vật này được liệt kê trong sách đỏ, nên nếu môi trường sống quan trọng của chúng bị phá hủy sẽ hủy hoại những quần thể này. BLHS Liên bang Nga phạt tù đối với tội phạm về môi trường này tối đa 3 năm.
Tương tự như vậy, Điều 262. Tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu thiên nhiên và các công trình thiên nhiên trong BLHS Liên bang Nga cũng quy định đây là lãnh thổ được Nhà nước bảo vệ đặc biệt, nếu gây ra thiệt hại đáng kể ở khu vực này sẽ bị phạt tiền, phạt tù tối đa 18 tháng và không được tham gia vào những hoạt động trong lĩnh vực liên quan tối đa 3 năm.
2. Đánh giá chung
Tất cả các hành vi xâm hại an toàn sinh thái được quy định trong BLHS Liên bang Nga gồm 35 cấu thành tội phạm (21 cấu thành tội phạm cơ bản, cấu thành tội phạm tăng nặng và 5 cấu thành tội phạm đặc biệt tăng nặng) được phân loại thành: 18 tội phạm nghiêm trọng không lớn, 15 tội phạm nghiêm trọng trung bình, 2 tội phạm nghiêm trọng. Phần lớn các tội phạm này được thực hiện với hình thức lỗi vô (Khoản 1 Điều 261) và 5 trường hợp được thực hiện với hình thức cố gián tiếp, chỉ có 1 tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý (Khoản 1 Điều 261) và 5 trường hợp được thực hiện với 2 hình thức lỗi cố ý đối với hành vi và vô ý đối với hậu quả chết người.
Trong các điều luật quy định tội phạm sinh thái trong BLHS Liên bang Nga, các nhà làm luật thường chỉ ra cụ thể những hậu quả đặc trưng chủ yếu nhất và điển hình nhất do các hành vi phạm tội gây nên, còn các phạm trù “những hậu quả nghiêm trọng khác”, “những hậu quả nghiêm trọng” hay “thiệt hại đáng kể” rất ít khi được sử dụng. Chỉ có 5 CTTP (khoản 1 Điều 245, khoản 2 Điều 249, Điều 257, Điều 262) trong tổng số 35 CTTP là quy định những dấu hiệu kể trên.
Về vấn đề hình phạt: đối với các tội phạm về sinh thái, BLHS Nga quy định mức hình phạt thấp nhất là phạt tiền (phạt tiền 50 lần mức tối thiểu của mức thu nhập, mức lương hay nguồn thu nhập khác của người bị kết án áp dụng đối với tội chặt trái phép các cây gỗ và các bụi cây), mức phạt cao nhất là phạt tù (trước tự do đến 8 năm áp dụng đối với tội vi phạm các quy định về sự dụng các chất và phế thải nguy hiểm đối với sinh thái trong trường hợp do vô mà dẫn đến hậu quả chết người hay gây bệnh hàng loạt cho mọi người và tội hủy hoại hay làm hư hỏng rừng, do phương pháp nguy hiểm cho nhiều người khác do gây ô nhiễm hay do gây ô nhiễm bằng các chất, các phế liệu, các rác thải hoặc phế thải độc hại).
Tuy nhiên, một điểm khác biệt trong BLHS Liên bang Nga với BLHS nước ta là BLHS Nga không truy cứu TNHS pháp nhân trong lĩnh vực môi trường. Điều này giống quan điểm lập pháp trong BLHS năm 1999 tuy nhiên hoàn toàn khác biệt so với BLHS năm 2015. BLHS Nga chỉ quy định tội phạm là pháp nhân trong một số lĩnh vực như hoạt động ngân hàng, tín dụng trái phép; rửa tiền; các hành động độc quyền và cạnh tranh không lành mạnh; cưỡng bức ký kết hợp đồng hoặc cưỡng bức từ chối ký kết hợp đồng và một số tội danh khác mà không có tội phạm về môi trường.
III. Tội phạm về môi trường trong pháp luật hình sự Nhật Bản
Là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và phát triển với tốc độ nhanh chóng, Nhật Bản cũng không tránh khỏi những hệ lụy nhất định từ môi trường sinh thái. Vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có môi trường tốt nhất thế giới, Nhật Bản đã xây dựng hệ thống luật hình sự về môi trường để có được kết quả tuyệt vời đó. Năm 1970, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật hình sự môi trường, đây là đạo luật được coi là Luật hình sự đặc biệt duy nhất trên thế giới trừng phạt cụ thể, trực tiếp tội phạm về môi trường với kĩ thuật lập pháp khác biệt [21, tr.3]. Hơn nữa, Nhật Bản là quốc gia có nhiều dự án luật đang được triển khai hợp tác tại Việt Nam. Việc nghiên cứu PLHS Nhật Bản trong phòng, chống tội phạm về môi trường sẽ giúp chúng ta rút ra những kinh nghiệm quý giá trong quá trình lập pháp.
1. Các quy định cụ thể
BLHS Nhật Bản không có chương riêng dành cho tội phạm về môi trường, sau này lại được xây dựng các đạo luật về BVMT riêng biệt nên quy định về tội phạm về môi trường trong BLHS không nhiều. Có thể kể đến là các điều luật trong BLHS như sau:
Điều 119: Tội gây thiệt hại do lũ lụt, Điều 120: thiệt hại khác liên quan đến lũ lụt được quy định như sau: Người nào gây ra lũ lụt làm hỏng nhà, các phương tiện giao thông như xe điện, tàu hỏa hoặc các công trình được sử dụng như nhà ở cho con người; hay gây nguy hiểm cho công chúng sẽ bị phạt tù tới 10 năm, tử hình hoặc chung thân. Nếu chỉ là hành vi vô ý làm lũ lụt gây nguy hiểm cho cộng đồng sẽ bị phạt tiền tối đa 200 nghìn Yên Nhật (Điều 122); hoặc cản trở phòng, chống lũ lụt bằng cách “che giấu”, hay “làm hỏng thiết bị phòng chống lũ lụt” có thể bị phạt tù tối đa 10 năm. Hành vi tương tự với nguồn nước se bị phạt tiền, phạt tù tối đa 2 năm và lao động công ích (Điều 123).
Các tội liên quan đến nguồn nước quy định tại Chương XV như sau: Điều 142 Ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, Điều 143 Ô nhiễm nguồn cung cấp nước; Điều 144 Ô nhiễm nguồn nước bằng hóa chất độc hại; Điều 145 Ô nhiễm nước gây tử vong hoặc thương tích; Điều 146 Ô nhiễm nguồn nước với hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cấu thành chung của các tội phạm này đều được xác định là hành vi cố ý, được mô tả chung là hành vi “gây ô nhiễm nguồn nước” với hậu quả khiến “không thể sử dụng nước” (Điều 142, Điều 143), “gây hại cho sức khỏe của con người” (Điều 144, Điều 147); “Gây tử vong hoặc thương tích cho người khác” (Điều 145) sẽ phải chịu hình phạt cao nhất là tử hình, thậm chí với hậu quả làm chết người còn có thể bị phạt chung thâm không ân xá, lao động công ích từ 2 đến 5 năm. Chương này còn quy định Tội làm hỏng hoăc tắc nghẽn hệ thống cấp nước tại Điều 147 liên quan đến hành vi “cản trở” hoặc cố tình “làm hỏng” hệ thống cấp nước sẽ bị phạt tù tối đa 10 năm.
Như vậy có thể thấy các quy định về tội phạm về môi trường trong BLHS Nhật Bản chủ yếu liên quan tới nguồn nước và hầu hết các tội phạm về môi trường khác được cụ thể hóa trong pháp luật chuyên ngành, chứ không được bổ sung thêm vào trong BLHS.
2. Đánh giá chung
Hệ thống Luật hình sự về môi trường của Nhật Bản khá đặc biệt so với các nước khác trên thế giới, gồm có:
Một là, Các quy định về tội phạm về môi trường trong BLHS: các quy định trực tiếp là: tội phạm ô nhiễm nước sinh hoạt; tội phạm ô nhiễm đường thủy; tội phạm ô nhiễm nước làm chết người và các hành vi gây hại đến sức khỏe của công chúng. Tùy theo từng tội danh, các tiêu chuẩn môi trường vụ thể sẽ được bổ sung vào các điều kiện cơ bản để tạo thành cấu thành tội phạm đặc trưng của tội phạm đó.
Ngoài ra, trong BLHS Nhật Bản còn có các quy định mang tính gián tiếp đó là hành vi bất hợp pháp gây ô nhiễm môi trường làm tổn hại đến sức khỏe, cơ thể con người.
Hai là, bên cạnh quy định về tội phạm về môi trường trong BLHS, hệ thống luật hình sự của Nhật Bản còn có một loại tội phạm công cộng về môi trường còn gọi là “Luật hình sự đặc biệt” bao gồm bốn khía cạnh: trừng phạt tội phạm mang tính chất nguy hiểm; hình phạt kép đó là tăng trách nhiệm của pháp nhân hoặc các hình phạt bổ sung khác. Tội phạm về môi trường trong luật hình sự Nhật bản không cầu hậu quả xảy ra, chỉ cần có giả định hợp lý rằng một tác hại có thể xảy ra và ảnh hưởng tới cái chung (công cộng hay xã hội) thì có thể xác định đó là tội ác môi trường. Những quy định trên đã tạo ra mô hình pháp lý của tội phạm về môi trường ở Nhật Bản, các nguyên tắc xử lý tội phạm về môi trường là pháp nhân mà luật hình sự về môi trường của Nhật Bản coi đây là chủ thể tội phạm về môi trường chủ yếu.
Ba là, hệ thống luật hình sự Nhật bản còn có một số văn bản mang tính bổ trợ cho pháp luật hình sự về môi trường. Các văn bản này thiết lập nhiều điều kiện cấu thành của tội phạm về môi trường và quy định các điều khoản phạt trực tiếp cho tội phạm về môi trường tương ứng với từng mức độ hành vi phạm tội.
Bốn là, hình phạt đối với tội phạm về môi trường của Nhật Bản khá đặc thù, với hệ thống trách nhiệm có ý nghĩa lớn. Trách nhiệm pháp lý chủ yếu là phạt tiền, phạt tù. Thậm chí, hành vi gây phiền toái công cộng cũng được coi là vi phạm hình sự về môi trường và nó được đặt ra với pháp nhân. Cụ thể người đại diện hợp pháp của pháp nhân và pháp nhân phải cùng chịu trách nhiệm pháp lý trong vấn đề này.
Như vậy, hệ thống trách nhiệm hình sự của Nhật Bản về hệ thống trách nhiệm pháp lý của tội phạm về môi trường gồm hai phần chính là hệ thống Luật về bảo vệ môi trường và BLHS. Các văn bản này trực tiếp xác định hậu quả của vi phạm môi trường và liên tục cập nhật các điều khoản, nâng cao hình phạt và thiết lập nhiều điều kiện cấu thành tội phạm ngày càng chặt chẽ với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
III. Tội phạm về môi trường trong BLHS của Vương quốc Thụy Điển
Thụy Điển đứng thứ chín trên thế giới về bền vững môi trường trong số 132 quốc gia và được xếp vào nhóm các quốc gia bảo vệ môi trường mạnh nhất. Năm 2008 Thụy Điển thậm chí còn đứng đầu. Các quốc gia thành viên EU Bắc Âu đều được biết đến với tuân thủ cao với pháp luật môi trường châu Âu [11, tr.140]. Tuy nhiên Thụy Điển cũng là một trong những quốc gia đang bị xếp vào loại tạo ra những mối nguy hiểm cho môi trường [Nhìn nhận một số quan điểm quốc tế về các TPVMT của tác giả Đào Lê Thu….tr.55]. Những năm gần đây, Thụy Điển là một trong những quốc gia có đầu tư nhiều tại Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực cả về kinh tế và văn hóa, trong đó có đào tạo pháp lý. Việc nghiên cứu quy định của PLHS Thụy Điển cũng là một phương thức tiếp cận mới trong việc đánh giá, nhìn nhận đa chiều về chính sách hình sự liên quan đến tội phạm về môi trường.
1. Các quy định cụ thể
Tuy không có khái niệm tội phạm về môi trường trong BLHS Thụy Điển nhưng theo Chương 29 của Bộ luật môi trường, đã đưa ra khái niệm “vi phạm môi trường” (miljöbrott) được coi là tội phạm là các hành vi:
“Bất cứ ai cố tình thực hiện một trong các hành vi sau:
1. Gây ô nhiễm đất, nước hoặc không khí theo cách liên quan hoặc chịu trách nhiệm liên quan đến rủi ro đối với sức khỏe con người hoặc gây bất lợi cho hệ thực vật và động vật đáng kể hoặc gây bất lợi đáng kể khác cho môi trường;
2. Lưu trữ chất thải hoặc các vấn đề khác theo cách có thể gây ra rủi ro sức khỏe, thiệt hại hoặc khác bất lợi được đề cập ở điểm 1 là kết quả của ô nhiễm; hoặc là
3. Gây ra bất lợi đáng kể cho môi trường do tiếng ồn, rung động hoặc bức xạ, trừ khi cơ quan có thẩm quyền đã cho phép thực hiện hoặc thường được chấp nhận, phải chịu phạt hoặc thời hạn phạt tù không quá hai năm đối với tội vi phạm môi trường”.
Điều luật này cũng quy định khi xem xét mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, cần phải đặc biệt chú ý đến việc nó gây ra, hoặc có thể gây ra, thiệt hại kéo dài trên quy mô lớn hay hành động đó có phải là một tính chất đặc biệt nguy hiểm hay không.
BLHS đầu tiên của Thụy Điển được thông qua vào năm 1962 và có hiệu lực từ ngày 01/01/1965, BLHS hiện hành được xây dựng năm 1986, sửa đổi, bổ sung lần gần nhất là năm 1999 gồm 2 phần: Quy định chung và phần Các tội phạm cụ thể[7, tr.5]. Tuy nhiên, tội phạm về môi trường không được quy định trong BLHS, do đã có Bộ luật môi trường riêng. Có một ngoại lệ là Chương 13 về các Tội phạm xâm hại đến các quan hệ cộng cộng có quy định Tội lây lan chất độc hoặc chất truyền nhiễm và gây ra sự hủy diệt, là một tội danh liên quan đến môi trường. Theo đó, hành vi vi phạm được mô tả là “gây ngộ độc hoặc lây nhiễm thực phẩm, nguồn nước hay tương tự, hoặc bằng những cách khác nhau lây truyền chất độc hoặc tương tự, hoặc nhằm lây bệnh nghiêm trọng” và hậu quả là “một mối nguy hiểm chung cho động, thực vật” hay con người sẽ bị phạt tù tối đa 10 năm, thậm chí tù chung thân.
Mục 13:9 của Chương này liên quan đến hành vi vô ý trong xử lý chất độc hoặc chất truyền nhiễm được mô tả là hành vi “bất cẩn” trong việc xử lý các chất có hại dẫn tới gây hại cho môi trường và sức khỏe con người, có thể bị phạt tù từ 2 đến 10 năm.
Ngoài ra, những nguyên tắc trong BLHS cũng được dẫn chiếu đến trong Bộ luật môi trường, nhằm xác định hành vi cũng như TNHS với tội phạm môi trường. Cụ thể trong Điều 29 nêu trên, đã dẫn chiếu đền Chương 23 của BLHS quy định rằng: trong trường hợp một người, cố gắng thực hiện hành vi vi phạm hoặc chuẩn bị phạm tội nghiêm trọng về môi trường, như thay đổi nước mặt và nước ngầm để gây hại hoặc đe dọa gây hại cho sức khỏe con người, động và thực vật có thể bị coi là tình tiết tăng nặng TNHS [EFACE, tr.14].
Các hành vi khác được coi là tội phạm về môi trường trong Bộ luật môi trường Thụy Điển đó là: hành vi cản trở kiểm soát môi trường, sử dụng hóa chất gây nguy hiểm cho môi trường có thể bị phạt tù tới 2 năm; xả thải trái phép, không cung cấp đầy đủ thông tin môi trường, bao gồm cả việc ghi thông tin trên nhãn sản phẩm có chứa GMO có thể bị phạt tối đa 1 năm tù; gây ô nhiễm môi trường biển từ tàu thuyền, nơi đóng tàu hay nơi giám sát khác có thể bị phạt tiền và phạt tù.
2. Đánh giá chung
Cũng giống như Nhật Bản, Thụy Điển có Bộ luật môi trường riêng bên cạnh BLHS để xử lý tội phạm về môi trường. Bộ luật môi trường Thụy Điển 1998 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1999, thay thế cho các điều khoản được quy định trong pháp lệnh do Chính phủ đưa ra trước đó. BLHS Thụy Điển không bao gồm các quy định cụ thể về tội phạm về môi trường. Mười lăm hành vi môi trường trước đó đã được hợp nhất vào Bộ luật môi trường. Mục đích tổng thể của Bộ luật là thúc đẩy sự phát triển bền vững sẽ đảm bảo một môi trường lành mạnh và lành mạnh cho hiện tại và các thế hệ tương lai[7, tr.4].
Bộ luật Môi trường, mặc dù đưa ra luật pháp liên quan đến môi trường theo một hệ thống quản lý toàn diện, vẫn bao gồm nhiều quy định ngành khác nhau và nhiều quy định khác nhau về cơ quan chức năng. Bộ luật nhằm mục đích trở thành một quy định thống nhất, đó là đưa ra một viễn cảnh đầy đủ và toàn diện về vấn đề môi trường. Nó được áp dụng cho tất cả các hoạt động có ý nghĩa đối với các mục tiêu của Bộ luật môi trường bao gồm các quy tắc về quản lý đất và nước, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ các loài và kiểm soát các sản phẩm và chất thải nguy hại cho môi trường, hoạt động gây hại cho môi trường và bảo vệ sức khỏe và tài nguyên nước. Nó bao gồm các chương đặc biệt liên quan đến hóa chất và chất thải, về khí thải và sử dụng năng lượng.
Bộ luật môi trường Thụy Điển không chỉ sử dụng các khái niệm, mà còn nhấn mạnh yếu tố đáng kể để đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội trong bản chất kéo dài của thiệt hại về môi trường. Đây là văn bản chính thức quy định về BVMT và tội phạm về môi trường ở Thụy Điển, chứ không xây dựng quy định về tội phạm về môi trường riêng trong BLHS.
Chương 2 của Bộ luật môi trường có một số quy tắc xem xét chung, chẳng hạn như nguyên tắc phòng ngừa, người gây ô nhiễm và nguyên tắc hoàn trả, và nguyên tắc lựa chọn sản phẩm, giám sát và cấp phép. Bộ luật cũng bao gồm các tham chiếu đến các luật quan trọng khác đối với môi trường, chẳng hạn như Luật Lâm nghiệp, Đạo luật khoáng sản, và Đạo luật về quy hoạch và xây dựng. Hơn nữa, nó bao gồm luật môi trường, luật dân sự, luật hành chính và luật hình sự cũng như các quy tắc tố tụng cho các tòa án môi trường.
TNHS dành cho tội phạm về môi trường ở Thụy Điển chủ yếu là hình phạt tiền, dưới hình thức phí xử phạt môi trường (miljösanktionsavgifter). Những chi phí này được các cơ quan giám sát đánh thuế trực tiếp khi có hành vi xâm phạm môi trường đã quy định. Ngoài ra, Chương 29 của Bộ luật Môi trường quy định tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm, hình phạt có thể là phạt tiền hoặc phạt tù không quá hai năm, hoặc phạt tù lên đến sáu năm.