Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có chức vụ quyền hạn trong vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I ?


Bài viết được đăng tải trên Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam ngày 30/05/2021

Đối với hành vi vi phạm của hai cán bộ Bệnh viện trong vụ việc này cần phải áp dụng hình thức kỷ luật ở mức cao nhất là “Buộc thôi việc” mới tương xứng với hành vi vi phạm và đủ sức răn đe, tránh các vụ việc tương tự có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai gây hoang mang dư luận.

Gần đây, báo chí hàng loạt đưa tin về vụ việc hi hữu với những tình tiết khó tin, bệnh nhân điều trị tâm thần cầm đầu đường dây mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy hoạt động ngang nhiên trong thời gian dài ngay tại Bệnh viện Tâm thần trung ương I.

Ngày 01/4/2021, Công an TP. Hà Nội đã khởi tố Nguyễn Xuân Quý (38 tuổi, trú tại Thanh Trì) cùng 04 người khác gồm Nguyễn Văn Ngọc (47 tuổi, có 5 tiền án về ma túy), Nguyễn Trung Nguyên (38 tuổi, có 2 tiền án), Nguyễn Công Thường (35 tuổi, có 3 tiền án về ma túy) và Lê Hoàng Hải (26 tuổi) về hai tội danh các tội “Mua bán”, “Tàng trữ”, “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”; Nguyễn Anh Vũ, Kỹ thuật viên Khoa Phục hồi chức năng và y học cổ truyền Bệnh viện Tâm thần trung ương I, bị khởi tố về tội “Không tố giác tội phạm”.

Đối với lãnh đạo của bệnh viện, được biết ông Vương Văn Tịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I,  Bộ Y tế áp dụng hình thức kỷ luật “Cách chức” do đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội trong phạm vi bệnh viện, hậu quả rất nghiêm trọng. Còn đối với trường hợp ông Nguyễn Tuấn Đại, Phó Giám đốc, Bộ áp dụng hình thức kỷ luật “Khiển trách” do vi phạm quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, chưa sâu sát trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội quy, quy chế chuyên môn của bệnh viện; với các ông Lê Ngọc Tú, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc bệnh viện; ông Nguyễn Mạnh Phát, Phó Giám đốc Bệnh viện, Hội đồng kỷ luật (Bộ Y tế) kiến nghị Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ phê bình nghiêm khắc trước toàn thể bệnh viện do chưa quyết liệt trong việc đôn đốc, phối hợp xử lý vụ việc.

Bệnh nhân đang điều trị tâm thần vẫn có thể bị khởi tố?

Theo chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Lâm, Công ty Luật ThinkSmart cho biết, trong vụ “động bay lắc” tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đối tượng đang áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh nhưng lại có những thủ đoạn rất tinh vi, có dấu hiệu của các tội “Mua bán trái phép chất ma túy”, “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Đối với hành vi của người tổ chức, người buôn bán chất ma túy kể cả bệnh nhân đang điều trị bệnh tâm thần vẫn có thể bị khởi tố và phải chịu trách nhiệm hình sự?. Chuyên gia pháp lý Nguyễn Văn Lâm cho rằng, về nguyên tắc, khi xác định vụ án có dấu hiệu tội phạm, Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Mặt khác, căn cứ khoản 1, Điều 206, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, thì đây là trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

Điều 206. Các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
1. Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án;
2. Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó;
3. Nguyên nhân chết người;
4. Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
5. Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ;
6. Mức độ ô nhiễm môi trường.”

“Tuy nhiên, trong trường hợp này, không phải cứ là bệnh nhân tâm thần thì sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ quan chức năng cần xác định tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, Quý và đồng phạm được xác định là vẫn bị bệnh tâm thần, hoàn toàn không nhận thức được hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Ngược lại, cũng có nhiều trường hợp, người mắc bệnh đang điều trị bệnh tâm thần nhưng ngay tại chính thời điểm người đó thực hiện hành vi, họ lại không phát bệnh, tức là họ nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi và bị pháp luật cấm những vẫn cố thực hiện đến cùng. Chính vì vậy, cơ quan chức năng phải tiến hành giám định và ra kết luận tại thời điểm điểm thực hiện hành vi phạm tội họ có khả năng nhận thức thì phải chịu trách nhiệm hình sự như người bình thường, tuy nhiên họ phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trước khi điều tra, truy tố, xét xử. Việc có chịu trách nhiệm hình sự hay không đối với Quý và các đồng phạm phụ thuộc rất nhiều vào kết luận giám định này”, ông Lâm nói.

Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

Đối với lãnh đạo của bệnh viện đều làn cán bộ thuộc ngạch công chức, viên chức, Bộ Y tế đã áp dụng biện pháp kỷ luật “Cách chức” đối với Giám đốc bệnh do có hành vi buông lỏng quản lý và “khiển trách” đối với Phó Giám đốc bệnh viện.   

Điều 79. Các hình thức kỷ luật đối với công chức, được áp dụng khi vi phạm như sau:
1. Công chức vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật sau đây:
a) Khiển trách;
b) Cảnh cáo;
c) Hạ bậc lương;
d) Giáng chức;
đ) Cách chức;
e) Buộc thôi việc.
2. Hình thức giáng chức, cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hình thức hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
3. Công chức bị Tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị kết án về tội phạm tham nhũng thì đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên thôi giữ chức vụ do bổ nhiệm.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”

Đối với hành vi của ông Nguyễn Tuấn Đại, Bộ Y tế áp dụng hình thức “Khiển trách”, theo Điều 8, Nghị định 112/2020/NĐ-CP, hình thức khiển trách được áp dụng đối với hành vi như sau:

“Điều 8. Áp dụng hình thức kỷ luật khiển trách đối với cán bộ, công chức
Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định này, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; quy định của pháp luật về thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức; kỷ luật lao động; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
…”

Như vậy, với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Y tế là cơ quan quản lý cán bộ, công chức nên chỉ có thể áp dụng chế tài đã được quy định trong Luật Công chức và viên chức. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật “Cách chức” và “Khiển trách” có phần chưa tương xứng với mức độ hành vi đã thực hiện và hậu quả đã xảy ra trên thực tế. Bởi lẽ, dù là vi phạm lần đầu nhưng hành vi buông lỏng quản lý diễn ra trong một thời gian dài và gây hậu quả rất nghiêm trọng và làm hoang mang dư luận chứ không thuộc trường hợp “gây ra hậu quả ít nghiêm trọng” như quy định tại Điều 8 Nghị định 112/2020/NĐ-CP vừa nêu.

Đối với hành vi vi phạm của hai cán bộ Bệnh viện trong vụ việc này cần phải áp dụng hình thức kỷ luật ở mức cao nhất là “Buộc thôi việc” mới tương xứng với hành vi vi phạm và đủ sức răn đe, tránh các vụ việc tương tự có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai gây hoang mang dư luận.

Mặt khác, rất nhiều độc giả phản ánh, có đặt ra vấn đề việc phát hiện hành vi vi phạm từ ngày 20/3/2021 nhưng phải đến ngày 26/5/2021 mới ban hành xử lý kỉ luật đối với các cán bộ, công chức có liên quan là rất chậm trễ và có cần phải đặt ra trách nhiệm hình sự đối với người có chức vụ quyền hạn của Bệnh viện Tâm thần trung ương I hay không?

Đối với vấn đề thứ nhất, độc giả thắc mắc về việc Bộ Y tế chậm trễ trong việc ban hành quyết định xử lý kỷ luật. Theo ông Lâm, Bộ Y tế đã xử lý kỷ luật đúng thời hạn đối với vụ việc này. Cụ thể, thời gian xử lý kỷ luật đối với đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian kể từ khi phát hiện vi phạm đến khi có quyết định kỷ luật được ban hành mà theo quy định tại khoản 3 Điều 80 Luật Cán bộ, công chức là không quá 90 ngày đối với các vụ việc vi phạm thông thường và không quá 150 ngày đối với các vụ việc phức tạp cần có thời gian thanh kiểm tra để xác minh. Tuy nhiên, dù đã đáp ứng các quy định của pháp luật nhưng đối với các vụ việc gây hoang mang dư luận như này, cơ quan có thẩm quyền cần thường xuyên cập nhập tình hình xử lý và sớm đưa ra quyết định kỷ luật để vừa đảm bảo xử lý kịp thời đối với vi phạm vừa sớm chấm dứt sự hoang mang trong dư luận.

Đối với vấn đề trách nhiệm hình sự, ông Lâm cho rằng, theo quy định pháp luật hiện hành tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì việc xử lý kỷ luật không thay thế cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi vi phạm nguy hiểm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, việc Bộ Y tế ra quyết định xử lý kỷ luật các lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Trung ương I không làm loại trừ việc các cá nhân này phải chịu trách nhiệm hình sự nếu như các hành vi vi phạm của mình cấu thành tội phạm.

Cụ thể, hành vi của lãnh đạo bệnh viện – người có chức vụ quyền hạn đã được Bộ Y tế kết luận là buông lỏng quản lý trong một thời gian dài, theo đó hành vi này tương xứng với hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.

“Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng
1. Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:
a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, trừ trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

Trong vụ việc này, lãnh đạo trong phạm vi quyền hạn quản lý của mình đã thiếu trách nhiệm và gây hậu quả nghiêm trọng nhưng tính đến thời điểm hiện tại chưa gây ra hậu quả đã được mô tả tại Điều 360 BLHS như: Làm chết người, gây thương tích, thiệt hại về tài sản … Chính vì vậy, không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có chức vụ quyền hạn là lãnh đạo của bệnh viện trong vụ việc nêu trên.

Tuy nhiên, hành vi buôn bán, tổ chức sử dụng trái phép, tàng trữ ma tuý trong bệnh viện đã diễn ra trong khoảng thời gian dài, người vi phạm có hành vi như sửa chữa phòng chữa bệnh thành phòng cách âm, trang bị ánh sáng, âm thanh công suất lớn phục vụ cho việc tổ chức sử dụng chất ma túy (có cả người ngoài không phải là bệnh nhân). Trong trường hợp cơ quan điều tra có đủ căn cứ chứng minh người có chức vụ biết mà vẫn “làm ngơ” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tội phạm được quy định ở Điều 251 tội “Mua bán chất ma túy”; Điều 255 tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hoặc cũng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý” theo quy định tại Điều 256 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với vai trò người đồng phạm.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *