Hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo tính thống nhất với các luật khác có liên quan



PGS. TS. Vũ Thị Hồng yến

Đại học Sài Gòn (TC DC&PL)

Bài viết phân tích những vấn đề pháp lý cơ bản của Luật Sở hữu trí tuệ đặt trong mối quan hệ với với các luật khác có liên quan bằng cách chỉ ra những điểm còn bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Nhận diện về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ

Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Theo đó, quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận là một loại quyền tài sản và có đối tượng là tài sản trí tuệ (được thể hiện bằng các tác phẩm, cuộc biểu diễn, sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu…).

Như vậy, quyền sở hữu trí tuệ là quyền sở hữu đối với các tài sản trí tuệ, là quyền trên tài sản. Theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 – sửa đổi, bổ sung năm 2009 (say đây gọi là Luật Sở hữu trí tuệ), thì quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

Tiếp theo, quyền sở hữu trí tuệ được ghi nhận bao gồm tập hợp quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các tài sản trí tuệ[1]. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 lại ghi nhận quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ là một loại tài sản.

Có thể nhận thấy, cách tiếp cận của Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ là không đồng nhất với nhau. Nếu Luật Sở hữu trí tuệ tiếp cận quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ chỉ là quyền năng của chủ thể đối với tài sản trí tuệ, thì Bộ luật Dân sự năm 2015 lại ghi nhận quyền này chính là một loại tài sản, hay chính là tài sản được phái sinh từ một tài sản khác.

Cụ thể, tài sản trí tuệ là tài sản vô hình, quyền trên tài sản đó (gồm những quyền có thể trị giá được thành tiền, có thể chuyển giao được trong giao dịch) lại trở thành một loại tài sản mới. Điều này khiến cho người đọc luật khó hình dung khi nhận diện về chúng, bởi lúc này quyền trên tài sản cũng là tài sản, vậy chúng là một hay là hai loại tài sản?

Theo tác giả, cách tiếp cận của hai văn bản pháp luật trên cần thống nhất ở những điểm sau:

(i) Cần bổ sung định nghĩa về tài sản trí tuệ theo hướng coi đó là một loại tài sản tồn tại song song và có quan hệ không thể tách rời với tài sản hữu hình. Cách tiếp cận này giúp cho việc nhìn nhận tài sản một cách toàn diện vì hầu hết tài sản hữu hình (hàng hóa) đều chứa đựng tài sản trí tuệ trong đó và ngược lại tài sản trí tuệ chỉ có thể được nhận biết và được pháp luật ghi nhận và bảo hộ khi nó được thể hiện, gắn với tài sản hữu hình.

Để từ đó, các chủ thể có thể biết được mình đang thực sự sở hữu loại tài sản gì và sẽ ứng xử với các tài sản đó như thế nào để phù hợp với quy định của pháp luật và bản chất của tài sản.

(ii) Nếu tiếp cận quyền sở hữu trí tuệ cũng giống cách tiếp cận quyền sở hữu tài sản thông thường, thì cần ghi nhận các quyền cơ bản của chủ sở hữu tài sản trí tuệ bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt với những đặc điểm riêng của chúng.

Việc chiếm hữu đối với tài sản trí tuệ khác hẳn với chiếm hữu tài sản hữu hình, đó là chủ thể không thể nắm giữ bằng các động tác có tính vật lý cơ học mà chỉ là hành vi quản lý chúng như đi đăng ký xác lập quyền, giữ bí mật thông tin về tài sản trí tuệ.

Việc đăng ký quyền tác giả chỉ là khuyến khích nhưng nếu các chủ thể hiểu được bản chất của loại tài sản mà mình đang sở hữu thì cách bảo vệ tốt nhất là dựa vào pháp luật, thông qua thủ tục đăng ký quyền hoặc phải có những biện pháp bảo mật thành quả sáng tạo trí tuệ của mình.

Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các sản phẩm giải trí phát triển ngày càng mạnh mẽ dựa trên nền tảng số, vì vậy, việc nhận diện quyền của mỗi bên trong quan hệ tài sản trí tuệ rất quan trọng, sẽ hạn chế các xung đột có thể phát sinh, tạo môi trường sáng tạo lành mạnh.

Do đó, để bảo vệ mình thì bất kỳ ai sở hữu các sản phẩm sáng tạo đều phải có ý thức công bố, cụ thể như đi đăng ký bản quyền, hoặc sử dụng các hình thức công bố khác. Đây được coi là một trong những chứng cứ rất quan trọng để chứng minh các quyền của mình đối với tác phẩm nếu có xảy ra tranh chấp.

Quyền sử dụng tài sản được hiểu là quyền khai thác công dụng của tài sản để hưởng lợi. Việc sử dụng tài sản trí tuệ hoàn toàn khác so với sử dụng tài sản hữu hình thông thường. Sử dụng tài sản trí tuệ chính là sử dụng các thông tin nên sẽ không hạn chế số lượng người sử dụng và không bị mất đi mà còn là cơ sở để tiếp tục tạo ra những tài sản trí tuệ mới.

Việc sử dụng này do chủ sở hữu quyền tự thực hiện hoặc cho phép người khác sử dụng thông qua việc ký kết các hợp đồng cho phép người khác sử dụng để nhận về những lợi ích vật chất nhất định.

Luật Sở hữu trí tuệ nên hướng dẫn cụ thể các hành vi sử dụng tài sản trí tuệ cho phù hợp với từng loại tài sản. Mỗi hành vi sử dụng có thể tạo thành những quyền cụ thể như quyền làm bản sao, quyền phân phối tác phẩm, quyền làm tác phẩm phái sinh…; các quyền sản xuất, phân phối, lưu thông sản phẩm gắn với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp…

Chủ thể có thể tách từng quyền trong tập hợp các quyền đó để cho phép chủ thể khác được sử dụng trong một thời hạn nhất định, trong phạm vi lãnh thổ nhất định. Vì giá trị thương mại nằm trong các tài sản trí tuệ nên chúng còn được sử dụng bằng cách dùng làm tài sản thế chấp để bảo đảm cho các khoản vay.

Quyền định đoạt tài sản trí tuệ là dịch chuyển toàn bộ các quyền năng gắn với tài sản trí tuệ cho chủ thể khác trong thời hạn còn hiệu lực của quyền. Quyền định đoạt bao gồm dùng tài sản trí tuệ để góp vốn đầu tư, để tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi, để lại thừa kế khi lập di chúc.

Tuy nhiên, trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành mới chỉ quy định về quyền chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ mà chưa có quy định để điều chỉnh việc dịch chuyển đối với các trường hợp còn lại.

Với phân tích trên, có thể thấy rằng, cách ghi nhận các quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ không dựa trên tư duy về quyền đối với tài sản nói chung. Lẽ ra cần quy định cụ thể các quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ theo 03 quyền cơ bản thì Luật Sở hữu trí tuệ lại quy định về các quyền này theo 02 loại quyền là quyền nhân thân và quyền tài sản.

Điều này dẫn đến hệ quả là Luật Sở hữu trí tuệ bỏ sót một số quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ và chưa bảo vệ tốt nhất quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ theo đúng như bản chất của chúng.

Bảo đảm sự nhất quán khi sử dụng các thuật ngữ trong Luật Sở hữu trí tuệ

Tài sản trí tuệ được thể hiện thông qua những đối tượng cụ thể như: Trong lĩnh vực quyền tác giả có những loại đối tượng của quyền tác giả như tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp có sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…

Từ đối tượng này, nhà làm luật mới ghi nhận quyền của các chủ thể đối với chúng, bao gồm quyền của người trực tiếp sáng tạo ra chúng và quyền của chủ sở hữu đối với các tài sản này, cụ thể như tác giả tác phẩm, tác giả sáng chế, tác giả giải pháp hữu ích, chủ sở hữu tác phẩm, chủ sở hữu sáng chế, chủ sở hữu nhãn hiệu…

Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ đưa ra thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” (Điều 36), “chủ sở hữu quyền liên quan” (Điều 44), theo đó, quyền tác giả và quyền liên quan mới là đối tượng của quyền sở hữu chứ không phải tài sản trí tuệ (tác phẩm, chương trình biểu diễn, bản ghi âm ghi hình, chương trình phát sóng).

Ngoài ra, Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ quy định dấu hiệu nhận diện chủ sở hữu quyền tác giả là những chủ thể có các quyền tài sản được ghi nhận. Về bản chất, chủ sở hữu của quyền tác giả cũng chính là chủ sở hữu tác phẩm nhưng với các quy định như hiện nay của Luật Sở hữu trí tuệ thì dường như vấn đề trở nên khá rắc rối.

Do đó, tác giả cho rằng, thuật ngữ chủ sở quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nên được đổi thành chủ sở hữu tác phẩm; chủ sở hữu cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

Điều này, giúp bảo đảm tính thống nhất với quy định về quyền sở hữu công nghiệp, cụ thể như đối với sáng chế thì có tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế nên việc ghi nhận tác giả của tác phẩm và chủ sở hữu tác phẩm sẽ là hợp lý hơn.

Việc đăng ký, xác lập các quyền sở hữu trí tuệ

Mặc dù, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật yêu cầu các quốc gia ghi nhận nguyên tắc bảo hộ tự động đối với quyền tác giả.

Tuy nhiên, theo tác giả, việc đăng ký quyền tác giả nên được ghi nhận là thủ tục bắt buộc để xác lập quyền đối với một số loại tác phẩm mà nhu cầu khai thác thương mại cao và thường ẩn chứa những tranh chấp, theo đó, thủ tục đăng ký có thể là cơ chế đăng ký thông báo và theo hình thức online.

Bởi lẽ, hiện nay, việc chia sẻ các thông tin diễn ra vô cùng nhanh chóng và việc sử dụng các tác phẩm đã có để tạo ra các tác phẩm, công trình mới là rất phổ biến.

Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ nên việc đăng ký quyền tác giả của các chủ thể khi tạo ra tác phẩm sẽ tạo ra chứng cứ cho Tòa án giải quyết các tranh chấp này.

Do vậy, cần bổ sung cơ chế xác lập quyền và bảo hộ quyền đối với các ý tưởng kinh doanh gắn với các giải pháp kỹ thuật ngay cả trước khi chủ thể nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế. Các ý tưởng này có thể được đăng ký tạm thời, để các chủ thể có thể yên tâm triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh của mình đối với các giải pháp đó mà không phải lo sợ có người khác sử dụng mất. Đây cũng là lẽ công bằng và bảo đảm cho việc cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh.

Các quy định về đăng ký tên doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và điều kiện bảo hộ tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cần thống nhất với nhau.

Điều 39 Luật Doanh nghiệp năm 2014 yêu cầu tên doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng điều kiện không trùng với tên doanh nghiệp của người khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Tuy nhiên, tên doanh nghiệp sau này có khả năng là tên thương mại (vì tên doanh nghiệp được sử dụng trong các hoạt động thương mại của doanh nghiệp thì sẽ trở thành tên thương mại – đây là đối tượng được ghi nhận và bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ), nên các điều kiện của tên thương mại cũng phải chính là các điều kiện để cho phép đăng ký tên doanh nghiệp.

Đó là, tên doanh nghiệp không được trùng với tên thương mại, với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý của chủ thể khác. Tương tự, tên doanh nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng có khả năng trở thành tên miền; do đó, pháp luật về doanh nghiệp, sở hữu trí tuệ và quy định về đăng ký tên miền cần có sự thống nhất với nhau.

Điều kiện để được phép đăng ký cần phải thống nhất để đảm bảo không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng, vì đây là những yếu tố để kết nối khách hàng, hàng hóa và chủ thể sản xuất kinh doanh hàng hóa đó.

Về thời điểm có hiệu lực của các giao dịch có đối tượng là tài sản trí tuệ

Các giao dịch có đối tượng là tài sản trí tuệ có thể phân thành 03 nhóm cơ bản như: (i) Nhóm các hợp đồng có mục đích chuyển quyền sử dụng tài sản trí tuệ như hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (còn gọi là hợp đồng li – xăng);

(ii) Nhóm hợp đồng có mục đích chuyển quyền sở hữu tài sản trí tuệ như hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp; hợp đồng tặng cho, góp vốn, trao đổi tài sản trí tuệ;

(iii) Nhóm hợp đồng bảo đảm có đối tượng là tài sản trí tuệ. Thời điểm nào các hợp đồng trên có hiệu lực ràng buộc giữa các bên hoặc có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba? Liệu có áp dụng quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng đối với trường hợp của tài sản trí tuệ không? Theo tác giả, tài sản trí tuệ có đặc điểm riêng biệt, đó là những thông tin được tạo ra từ hoạt động sáng tạo tinh thần nên cần có những quy định riêng về hình thức và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng này cho phù hợp.

Bên cạnh đó, đối với tài sản trí tuệ mà Nhà nước quản lý (đó là những tài sản mà việc khai thác, sử dụng chúng không được gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ như nhãn hiệu, tên thương mại), thì những hợp đồng có đối tượng là tài sản này phải đáp ứng được các điều kiện luật định mới hợp pháp.

Do đó, những giao dịch mà có sự dịch chuyển quyền từ chủ thể được cấp văn bằng sang chủ thể mới thì cơ quan quản lý (Cục Sở hữu trí tuệ[2]) cần có sự kiểm tra về điều kiện chuyển nhượng.

Đăng ký được coi là điều kiện để hợp đồng này có hiệu lực và cũng là căn cứ làm phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba. Hiệu lực đối kháng với người thứ ba được hiểu là người nào được đứng tên trên văn bằng bảo hộ với tư cách là bên nhận chuyển nhượng thì sẽ được pháp luật ghi nhận và được bảo vệ quyền trong trường hợp có những chủ thể khác đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng trước nhưng không đi đăng ký.

Đối với giao dịch chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp và giao dịch bảo đảm có đối tượng là tài sản trí tuệ thì việc đăng ký là không bắt buộc và chỉ có giá trị đối kháng với người thứ ba mà không phải là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng.

Do đó, việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), còn đăng ký giao dịch thế chấp và chuyển quyền sử dụng quyền sở hữu công nghiệp cần được thực hiện tại Trung tâm Đăng ký quốc gia về giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng Ký quốc gia giao dịch bảo đảm của Bộ Tư Pháp.

Việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu tài sản trí tuệ

Luật Doanh nghiệp năm 2014 có quy định về quyền góp vốn bằng tài sản trí tuệ nên Luật Sở hữu trí tuệ cần bổ sung thêm nội hàm những quyền này và có những quy định để điều chỉnh chúng. Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2014 chưa có sự nhất quán khi xác định tài sản góp vốn là quyền sở hữu trí tuệ (khoản 2) hay giá trị quyền sở hữu trí tuệ (khoản 1)?

Trong khi đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ ghi nhận quyền tài sản của quyền sở hữu trí tuệ mới là một loại tài sản. Tác giả cho rằng, cách quy định của cả Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Bộ luật Dân sự năm 2015 đều chưa hợp lý.

Bởi vì, đối tượng dùng để góp vốn vào doanh nghiệp phải là tài sản trí tuệ chứ không phải quyền đối với tài sản trí tuệ hay giá trị của tài sản trí tuệ. Nguyên tắc của góp vốn là chủ thể góp vốn phải là chủ sở hữu của tài sản góp vốn, thì mới đạt được mục đích của góp vốn là dịch chuyển quyền sở hữu tài sản đó từ chủ sở hữu tài sản trí tuệ sang cho doanh nghiệp.

Nếu ghi nhận giá trị tài sản trí tuệ là tài sản góp vốn thì đã vô hình chung loại bỏ tài sản trí tuệ, bởi lúc này tài sản góp vốn được hiểu là “tiền” – được định giá từ tài sản trí tuệ chứ không phải là tài sản trí tuệ. Còn quy định quyền sở hữu trí tuệ là tài sản góp vốn thì lại chưa đúng bản chất của tài sản cũng như bản chất đối tượng của hợp đồng.

Việc tách quyền tài sản trong nội hàm quyền sở hữu trí tuệ để ghi nhận nó là một loại quyền tài sản cũng chưa thực sự chính xác bởi đó không phải là tài sản mà chỉ là các quyền được pháp luật ghi nhận cho chủ thể đối với tài sản trí tuệ. Vì khi góp vốn, bên nhận góp vốn có đầy đủ các quyền của một chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ và có quyền thực hiện mọi các quyền năng của một chủ sở hữu đối với tài sản đó như quyền khai thác, sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn…

Điều mấu chốt đầu tiên là cần có những quy định về việc thành lập các cơ quan định giá chuyên nghiệp về tài sản trí tuệ, bởi có định giá được bằng một đại lượng tiền cụ thể thì tài sản trí tuệ mới có thể được các chủ thể lựa chọn làm tài sản góp vốn hay tài sản thế chấp.

Thẩm định tài sản trí tuệ vô cùng cần thiết vì nó quyết định đến giá trị của tài sản trí tuệ, để đưa ra một bản báo cáo về thời hạn bảo hộ, các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng mà chủ sáng chế đã ký kết, những hợp đồng liên quan đến cung ứng sản phẩm có chứa đựng công nghệ, các vụ kiện đã diễn ra và có thể diễn ra liên quan đến sáng chế bảo đảm, công ty luật nào đã tư vấn để cấp văn bằng bảo hộ sáng chế (vì để đánh giá khả năng có thể bị hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nếu có tranh chấp xảy ra); tên của luật sư đã trực tiếp soạn thảo đơn và liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để cấp văn bằng bảo hộ.

Hiện nay, việc thế chấp bằng tài sản trí tuệ tại các tổ chức tín dụng còn chưa phổ biến tại Việt Nam, bởi sự hiểu biết của cán bộ thẩm định hồ sơ vay vốn còn thiếu căn cứ pháp lý hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Do đây là tài sản đặc thù nên cần có những nội dung cần thẩm định cụ thể như: Về thời hạn bảo hộ của tài sản trí tuệ, đối thủ cạnh tranh của tài sản trí tuệ thế chấp, chế độ pháp lý bảo hộ của đơn xin cấp bằng bảo hộ tài sản trí tuệ, mối quan hệ giữa bí mật kinh doanh với pháp luật về sáng chế nếu tài sản thế chấp là sáng chế…

Đảo đảm tính thống nhất của Luật Sở hữu trí tuệ với các luật khác có liên quan là một yêu cầu tất yếu để tạo ra một cơ chế tốt nhất để bảo vệ các quan hệ có đối tượng là tài sản trí tuệ. Cho dù có tính đặc thù nhưng quyền sở hữu trí tuệ vẫn phải tuân theo các nguyên tắc chung của pháp luật dân sự về định giá, về xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền cho các chủ thể có liên quan. 


[1]. Xem các điều 20, 36, 123 Luật Sở hữu trí tuệ.

[2]. Xem điểm a Điều 40 Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN ngày 30/6/2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/02/2013.

(Theo Luật sư Việt Nam)

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *