Nghề “giúp việc gia đình” – giao kết hợp đồng chỉ bằng lời nói, cách thức bảo vệ quyền lợi ?


Giúp việc gia đình là một nghề vô cùng quen thuộc tại thành thị – nơi nhiều gia đình không đủ thời gian để lo việc nội trợ hay chăm sóc con cái. Xét về quan hệ lao động, đây là một nghề tương đối “nhạy cảm” khi nhiều người giúp việc không nắm bắt đầy đủ quyền lợi hợp pháp của mình.

Đa số người giúp việc ngày nay là phụ nữ ngoài 50 tuổi, xuất thân từ nông thôn ra thành phố để giúp việc cho các gia đình có nhu cầu. Điều đáng nói là khi trao đổi công việc, chủ nhà và người giúp việc chỉ sử dụng hình thức lời nói mà không có giấy tờ hay văn bản thỏa thuận nào. Vấn đề tiền lương, thời gian nghỉ, những nội quy, … nhiều khi cũng chưa được thống nhất một cách rành mạch.

Nói cách khác, việc không có hợp đồng lao động bằng văn bản dẫn đến thực trạng người giúp việc không nắm được mình có quyền và nghĩa vụ ra sao, tiềm ẩn rủi ro bị thôi việc, không được nhận lương bất cứ lúc nào. Hơn nữa, trong thời gian làm việc, đa phần người giúp việc hiện nay cũng không được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội … như các công việc khác. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến quyền và lợi ích của họ.

Theo quy định của Bộ luật lao động mới nhất, giờ đây việc kí kết hợp đồng lao động giữa chủ nhà và người giúp việc là bắt buộc đối với đôi bên (Điều 161 đến Điều 165 BLLĐ 2019). Đây là giải pháp hữu ích để bảo vệ quyền và đảm bảo nghĩa vụ của cả chủ nhà và người giúp việc trong quan hệ lao động này.

Tuy nhiên, còn tồn tại một số vấn đề trong việc giao kết hợp đồng lao động mà nguyên nhân xuất phát từ người lao động (người giúp việc). Có những người từ chối lập hợp đồng lao động bằng văn bản, vì họ ngại thủ tục, giấy tờ phức tạp, chưa nắm được quyền lợi của mình về các chế độ bảo hiểm bắt buộc hay đơn giản là họ không thích ràng buộc với chủ nhà. Việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro pháp lý cho các bên, đặc biệt trong trường hợp phát sinh các vấn đề ngoài ý muốn, ví dụ như tai nạn lao động.

Như vậy, cả người giúp việc và người thuê cần phải hiểu và nắm chắc những quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Hiện nay tại các thành phố lớn đã có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giúp việc gia đình. Người chủ nhà sử dụng dịch vụ thông qua các công ty này có thể yên tâm hơn về kết quả, chất lượng cả khi không có mặt tại nhà. Người giúp việc được hưởng đầy đủ các quyền lợi của một người lao động bình thường.

Trường hợp có bất kì vướng mắc hay khó khăn nào, hãy tìm đến các cơ quan có thẩm quyền, các luật sư, chuyên gia pháp luật về lao động để được hỗ trợ, bảo vệ kịp thời. Trân trọng./.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *