Nguyên tắc tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam hiện nay


Nguyễn Tất Thành

Giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân

1. Đặt vấn đề

Khi Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì các quy định về các tội phạm trong lĩnh vực kinh tế càng tiếp tục có nhiều biến động. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình phát triển kinh tế, lợi dụng các chính sách khuyến khích sự năng động, sáng tạo của các chủ thể tham gia các quan hệ kinh tế nên đã xuất hiện một số hành vi vi phạm pháp luật, thể hiện tính nguy hiểm rất lớn cho xã hội, có nơi, có lúc diễn biến nghiêm trọng nhưng lại chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) là tội phạm (chưa được tội phạm hoá). Ngược lại, cũng từ hoạt động thực tiễn của các cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy, một số hành vi không còn mang tính nguy hiểm cho xã hội đến mức đáng kể, không còn phù hợp trong điều kiện nền kinh tế thị trường hiện nay, thể hiện ở việc nhiều năm qua rất ít xảy ra, thậm chí chúng ta không xử lý về hình sự nhưng vẫn được quy định trong BLHS. Do vậy, để bảo vệ các mối quan hệ xã hội liên quan đến lĩnh vực kinh tế một cách có hiệu quả đòi hỏi các quy định của pháp luật hình sự luôn luôn phải duy trì được một mức độ “tiệm cận” nhất định đối với các quan hệ này. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin được đề cập đến một số nguyên tắc để xác định độ “tiệm cận” này, hay nói khác, đó chính là các nguyên tắc giúp quá trình tội phạm hoá các hành vi trong lĩnh vực kinh tế một cách kịp thời chính xác và có hiệu quả.

2. Các nguyên tắc tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam

Việc tội phạm hoá (phi tội phạm hoá) nói chung và trong lĩnh vực kinh tế nói riêng phải dựa trên các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình lãnh đạo, điều hành các chính sách về kinh tế. Bên cạnh đó, dưới góc độ lý luận pháp lý hình sự, việc tội phạm hoá cũng phải dựa trên các nguyên tắc nhất định. “Cơ sở của việc tội phạm hoá nói chung, tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế nói riêng là việc xác định chính xác hành vi mà tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi trên thực tế cần phải áp dụng biện pháp cấm mang tính chất pháp lý hình sự”[1]. Tội phạm hoá là một trong những biện pháp của chính sách hình sự cùng với phi tội phạm hoá, hình sự hoá, phi hình sự hoá, cá thể hoá trách nhiệm hình sự (TNHS). Để việc tội phạm hoá không duy ý chí và đáp ứng yêu cầu của xã hội và Nhà nước, phù hợp với thực tế cuộc sống xã hội cần phải phù hợp với các nguyên tắc. Với ý nghĩa như vậy, trong quá trình tội phạm hoá các hành vi trong lĩnh vực kinh tế cần phải chú ý đến một số nguyên tắc:

2.1. Nguyên tắc đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị tội phạm hoá để áp dụng quy định cấm về mặt hình sự

Tính nguy hiểm cho xã hội là một đặc tính cơ bản, đặc điểm về mặt nội dung của tội phạm. Do vậy khi tiến hành tội phạm hoá một hành vi nào đó, tính nguy hiểm phải được coi là một căn cứ quan trọng nhất. Tính nguy hiểm của hành vi được thể hiện ở trên hai khía cạnh “tính chất” và “mức độ” nguy hiểm. Tính chất nguy hiểm cho xã hội của loại hành vi này hay loại hành vi khác đều luôn luôn được xác định và đánh giá từ góc độ lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, của việc hình thành, xây dựng và phát triển các quan hệ mới. Còn “mức độ” nguy hiểm của hành vi thể hiện ở mức “đáng kể”, tức hành vi đó xâm hại, đe dọa xâm hại đến những giá trị xã hội, các quan hệ xã hội quan trọng cần được bảo vệ bằng pháp luật hình sự. Để xác định hành vi này hay hành vi khác có nguy hiểm cho xã hội hay không, Nhà nước cần dựa vào nhu cầu củng cố và bảo vệ các quan hệ xã hội phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị xã hội. Theo đó, trong lĩnh vực kinh tế, chỉ tội phạm hoá khi có các dấu hiệu tội phạm mang tính chất pháp lý hình sự thuần tuý (ví dụ lừa đảo, dùng vũ lực, đe doạ, cưỡng bức, làm giả tài liệu…). Thiệt hại về tài sản không phải là tiêu chuẩn duy nhất của tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế. Nếu chỉ có dấu hiệu thiệt hại lớn về tài sản như là kết quả của các hành vi lệch chuẩn của các chủ thể hoạt động kinh tế không thể là cơ sở để tội phạm hoá.

2.2. Nguyên tắc phổ biến tương đối của hành vi

Tội phạm hoá phải dựa trên nguyên tắc phổ biến tương đối của hành vi, có nghĩa là, hành vi thường xảy ra với số lượng nhiều được thể hiện qua hoạt động thống kê của các cơ quan chức năng của chính quyền thông qua các hoạt động thực tiễn của mình. Về mặt xã hội hành vi đó xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lần trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong một khoảng thời gian nhất định và bị dư luận xã hội lên án mạnh mẽ. Chúng ta không thể tội phạm hoá một hiện tượng tiêu cực (một hành vi nguy hiểm) chỉ xuất hiện một lần hoặc một vài lần trong một vài ngành, lĩnh vực nhất định, bởi vì rõ ràng tính đơn lẻ của hành vi khó có thể gây ra sự nguy hại đến mức đáng kể theo nghĩa của luật hình sự. Hành vi không phải là ngẫu nhiên hoặc hiếm thấy ở trong xã hội hoặc chỉ xuất hiện trong những tình huống đặc biệt mà ngược lại phải là đặc trưng và lặp lại trong nhiều điều kiện khác nhau. Một trong những tội, có thể nói là chưa đáp ứng được nguyên tắc này là Tội đầu cơ (Điều 160 BLHS), Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167). Trong suốt 5 năm, từ 2000 (thời điểm BLHS 1999 có hiệu lực) đến 2005, đối với mỗi tội danh chúng ta chỉ khởi tố và xét xử 2 vụ án hình sự, trong khi đó giai đoạn từ 2005-2010 lại không khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử bất kì tội phạm nào. Hay như Tội quảng cáo gian dối (Điều 168), Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170), từ năm 2000 đến nay, chúng ta chưa khởi tố, truy tố, xét xử bất kì vụ án nào liên quan đến tội danh này[2].

2.3. Nguyên tắc về khả năng tác động tích cực của các biện pháp pháp lý hình sự lên hành vi nguy hiểm cho xã hội

Khi tiến hành tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế phải tính đến việc liệu rằng các biện pháp cấm mang tính chất pháp lý hình sự có thể đảm bảo giữ được hành vi lệch chuẩn này hay hành vi khác hay không, liệu rằng bằng sự điều chỉnh của pháp luật hình sự có thể chống lại các hành vi này hay không. Nói khác đi, nguyên tắc này thể hiện ở chỗ các quy định cấm đưa vào trong luật hình sự phải có khả năng nếu như không “cô lập” được các hành vi nguy hiểm cho xã hội không mong muốn của chủ thể thì ít nhất phải tác động lên được phần lớn trong số các hành vi đó.

Một tiêu chuẩn để đánh giá khả năng tác động tích cực của quy phạm lên hành vi lệch chuẩn là việc xác định liệu các hành vi lệch chuẩn này, do tính phổ biến của nó, sẽ không trở thành đối tượng điều chỉnh của bất kì một quy phạm xã hội nào. Giống như nguyên tắc phổ biến tương đối của hành vi, trong nguyên tắc này cần phải chú ý đến mức độ phổ biến, nhưng là ở góc độ khác. “Nếu như hành vi phổ biến khắp nơi, và chưa chắc là quy tắc xử xự của xã hội, thì việc tội phạm hoá cũng là không chính xác”[3]. Chẳng hạn, thực tế hiện nay ở nước ta hành vi cân, đong, đo đếm gian lận để chiếm đoạt tài sản riêng của người khác, nếu xét về số lượng, hành vi đó rất phổ biến vì nó diễn ra hằng ngày trên khắp cả nước. Vì vậy, nếu quy định tất cả những hành vi đó là tội phạm thì, chắc chắn do tính phổ biến quá lớn của hành vi vi phạm, các cơ quan bảo vệ pháp luật khó có thể xử lý một cách triệt để, như vậy sẽ làm giảm đi khả năng tác động tích cực của các quy định cấm pháp lý hình sự.

2.4. Nguyên tắc ưu thế kết quả tích cực của quá trình tội phạm hoá

“Cho dù hành vi có nguy hiểm thế nào đi nữa, việc tội phạm hoá hành vi không thể được xem như là giá trị tuyệt đối, nhưng luôn luôn là sự hi sinh những lợi ích của xã hội cho các lợi ích khác quan trọng hơn”[4]. Nguyên tắc này thể hiện ở việc tiến hành dự đoán về mặt khoa học tính hiệu quả của việc tội phạm hoá, có nghĩa là chỉ tội phạm hoá khi thiệt hại gây ra, khi áp dụng các biện pháp cấm mang tính chất pháp lý hình sự đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội, rõ ràng nhỏ hơn đáng kể so với thiệt hại do chính bản thân hành vi đó gây ra.

Tội phạm hoá chỉ cho phép khi không có khả năng đấu tranh với các vi phạm bằng các phương pháp của các ngành luật khác hoặc các quy phạm pháp luật hình sự khác. Có thể hành vi xảy ra rất phổ biến, nhưng dùng biện pháp hình sự để đấu tranh không phải là giải pháp tốt nhất. Và thực tiễn cho thấy rằng, không phải bao giờ các quy định cấm hoặc sự trừng phạt nghiêm khắc (pháp lý hình sự) cũng mang lại kết quả. Nguyên tắc ưu thế kết quả tích cực của quá trình tội phạm hoá có ý nghĩa tối quan trọng trong quá trình tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế. Muốn sửa chữa các hành vi không mong muốn trong lĩnh vực kinh tế, chỉ có thể là hợp lý và được cho phép, khi việc tội phạm hoá mang lại nhiều lợi ích hơn là áp dụng các biện pháp điều chỉnh khác. Có rất nhiều cách khác nhau để điều chỉnh các hành vi trong lĩnh vực kinh tế trước khi cần đến biện pháp pháp lý hình sự, cụ thể như biện pháp kinh tế trong các lĩnh vực khác nhau như dân sự, ngân hàng, hải quan, hành chính…

2.5. Nguyên tắc không dư thừa quy định cấm pháp lý hình sự

Nguyên tắc này thể hiện ở hai khía cạnh: i) sự phù hợp phạm vi quy định cấm mà cụ thể là sự phù hợp giữa giới hạn trách nhiệm có thể quyết định đối với hành vi và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Các quy định không được quá nhẹ, cũng không được quá nghiêm khắc, mà phải đảm bảo công bằng; và ii) thể hiện ở việc không trùng lắp của các quy phạm pháp luật quy định TNHS đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội. Việc thực hiện nguyên tắc này đặc biệt khó bởi việc xác định nội dung tối ưu của quy định pháp lý hình sự chỉ có thể khi sử dụng kinh nghiệm tích luỹ trong quá trình áp dụng quy phạm pháp luật hình sự. Nếu như quy phạm được đưa ra lần đầu tiên, thì việc dư thừa hay đầy đủ của quy định pháp luật hình sự được xác định thông qua biện pháp dự báo, và đương nhiên sẽ không chính xác tuyệt đối. Chính vì thế mà sai sót là không thể tránh khỏi và các sai sót này phải được sửa chữa sau khi tiến hành pháp điển hoá (một phần hoặc toàn bộ).

Chẳng hạn trong BLHS 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) có tội phạm hoá một số hành vi phạm tội liên quan đến trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực thị trường chứng khoán như Tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán (Điều 181a), Tội sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán, Tội thao túng giá chứng khoán (Điều 181c). Đây là các tội lần đầu tiên được ghi nhận trong BLHS, chính vì vậy muốn đánh giá được các quy phạm này liệu có tối ưu hay không chúng ta phải dựa vào thực tiễn điều tra, truy tố xét xử đối với các tội này. Trên thực tế, sau khi tội phạm hoá một số hành vi trong lĩnh vực chứng khoán vào năm 2009, cho đến nay, chúng ta đã tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội này, cụ thể vụ Lê Văn Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Viễn Đông (Công ty DVD) và đồng bọn về Tội thao túng giá chứng khoán[5]. Bước đầu chưa thể khẳng định liệu rằng việc tội phạm hoá hành vi này có tối ưu hay không nhưng cũng đã chứng minh rằng để đảm bảo nguyên tắc không dư thừa quy định cấm pháp lý hình sự đòi hỏi phải đánh giá toàn diện quá trình thực thi quy phạm này trên thực tế.

Song song với đó cũng tồn tại các tiêu chuẩn khách quan để đạt đến việc dư thừa hoặc đầy đủ việc tội phạm hoá. Có thể là tính chất hành vi, khách thể bị xâm hại, cách thức thực hiện hành vi, động cơ… Khi xác định quy định pháp lý hình sự một trong những vấn đề cơ bản là không để quy định đó giao thoa một phần hoặc toàn bộ với các quy phạm đã tồn tại, nếu không sẽ vi phạm nguyên tắc bình đẳng, theo đó không ai phải chịu TNHS hai lần về cùng một hành vi. Để đảm bảo khía cạnh này trên thực tế không có cách nào khác ngoài việc tăng cường khả năng và kinh nghiệm trong quá trình lập pháp hình sự nói chung và trong việc xây dựng các quy phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực kinh tế nói riêng.  

2.6. Nguyên tắc kịp thời tội phạm hoá

Nguyên tắc kịp thời tội phạm hoá có nghĩa là tội phạm hoá chỉ được tiến hành khi có cơ sở – đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội trong lĩnh vực kinh tế. Việc tội phạm hoá không được chậm trễ nếu không sẽ gây thiệt hại đến các lợi ích được pháp luật bảo vệ. Chính vì thế khi nào có cơ sở thì việc tội phạm hoá phải được thực hiện. Đề nghị tội phạm hoá phải được hình thành trên cơ sở giám sát thường xuyên về mặt khoa học, thực thi và xã hội-pháp lý của pháp luật hiện hành, thực tiễn áp dụng, tình trạng thực tế của trật tự pháp luật và kinh tế. Khi chuẩn bị đề xuất tội phạm hoá hành vi trong lĩnh vực kinh tế phải đảm quan điểm đa chiều đối với việc đề xuất tội phạm hoá, có nghĩa là phải có sự tham gia của các nhà khoa học và các chuyên gia thực tiễn tất cả các ngành luật, cũng như tội phạm học, thẩm phán, các cơ quan bảo vệ pháp luật, luật sư, các nhà kinh tế và xã hội học cũng như phải xem xét đến thái độ và quan điểm của xã hội đối với các hành vi cần được tội phạm hoá.

Tội phạm hoá nói chung và tội phạm hoá trong lĩnh vực kinh tế nói riêng luôn luôn tiềm ẩn rủi ro nhất định. Sự rủi ro của quá trình tội phạm hoá thể hiện ở việc thay đổi sự cân bằng về lợi ích, thay đổi thực tiễn đã được trù tính, dự đoán. Chính vì vậy khi tội phạm hoá luôn luôn phải đảm bảo các tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định trên cơ sở đánh giá sự vận động, phát triển của kinh tế, xã hội, thực tiễn và lý luận. Không tuân thủ các nguyên tắc tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm trong lĩnh vực kinh tế sẽ gây nên những hậu quả tiêu cực: truy cứu trách nhiệm hình sự người mà hành vi của người đó không nguy hiểm cho xã hội, làm giảm tính hiệu quả của pháp luật hình sự, dẫn đến sự không tôn trọng từ phía người dân đối với pháp luật hình sự cũng như đối với các quy định cấm về mặt pháp lý hình sự trong lĩnh vực kinh tế, hình thành những cản trở nhân tạo đối với một nền kinh tế có hiệu quả. Tội phạm hoá là nội dung của sự phát triển pháp luật hình sự. Tuy nhiên, cách thức hoàn thiện pháp luật hình sự này phải dựa trên việc tiên đoán trước việc tội phạm hoá, bởi vì tội phạm hoá được thực thi thông qua việc ban hành các quy định cấm mới hoặc công nhận các quy định cấm đã có ở góc độ pháp lý hình sự luôn luôn gắn liền với việc tăng chi ngân sách và có thể gây ra những hậu quả không dự đoán được. Theo đó, các biện pháp tội phạm hoá cần tiến hành trong mối liên hệ thống nhất giữa việc nghiên cứu lý luận và đánh giá thực tiễn, tính khả thi và khả năng thực hiện dựa trên những nguyên tắc cơ bản của quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự./.


[1] Концепция модернизации уголовного законодательства в экономической сфере. – Москва «Либеральная миссия», 2010, С. 46. (Tạm dịch: Quan niệm về mô hình hoá pháp luật hình sự trong lĩnh vực kinh tế – Mát-xcơva “Sứ mệnh tự do”, 2010, tr. 46)

[2] Xem Tòa án nhân dân tối cao, Thống kê xét xử sơ thẩm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (từ năm 2000 đến 2010).

[3] Лопашенко, Наталья Александровна. Уголовная политика / Н.А. Логашенко. – М.: Волтерс Клувер, 2009, С. 115. (Tạm dịch: Lôpasenkô Natalia Alếchsanđrôvna. Chính sách hình sự /N.A. Lôpasenkô. – Mátxcơva: Vonters Kluver, 2009, tr. 115)

[4] Основания уголовно-правового запрета: криминализация и декриминализация С.220 (автор главы – Г.А. Злобин) (Tạm dịch: Cơ sở của các biện pháp cấm mang tính chất pháp lý hình sự: Tội phạm hoá và phi tội phạm hoá, tr. 220 (tác giả chương – G.A. Zlobin)

[5] Http://laodong.com.vn/Tin-tuc/Ong-Le-Van-Dung-thao-tung-gia-chung-khoan-nhu-the-nao/47888


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *