Sự cần thiết của Luật sư đối với Trẻ Em trong vụ án Hình sự


Trẻ em là nhóm yếu thế trong xã hội cần được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục đặc biệt. Nhà nước luôn quan tâm và có chính sách bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong mọi lĩnh vực hoạt động. Đặc biệt, đứng trước vấn nạn trẻ hoá người phạm tội và nạn nhân như hiện nay, pháp luật hình sự nước ta cũng có nhiều quy định bảo vệ quyền của trẻ em. Trong đó, nổi bật là những quy định giáo dục, giúp đỡ trẻ em trong trường hợp vi phạm pháp luật hình sự nhằm mục đích giúp các em sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong hoạt động hành nghề, Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho mọi đối tượng khách hàng, trong đó trẻ em là đối tượng khách hàng cần nhận được sự quan tâm trợ giúp pháp lý đặc biệt từ hoạt động hành nghề Luật sư.

Hiểu thế nào về khái niệm “trẻ em” ?

Hiện nay, cơ sở chủ yếu để xác định một đối tượng có phải là trẻ em hay không là dựa trên độ tuổi. Do đó, cũng có rất nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm trẻ em mà đa phần là do sự không thô nhất về cách quy định độ tuổi. Ví dụ: theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em 2016 quy định: “trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Còn đối với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (UNICEF) đưa ra khái niệm: “trẻ em là bất kỳ người nào dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có thể được áp dụng với trẻ em đó quy định tuổi thành niên sớm hơn”. Trong pháp luật Hình sự và Tố tụng hình sự Việt Nam, dù không đưa ra khái niệm cụ thể về trẻ em và quyền của trẻ em trong vụ án hình sự nhưng đã có những quy định riêng biệt đối với người dưới 18 tuổi – đối tượng được xác định là trẻ em theo Công ước UNICEF vừa đề cập.

Tại sao trẻ em là đối tượng cần được trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự?

Thứ nhất, dựa trên đặc thù về thể chất và tâm lý, trẻ em rất dễ trở thành người thực hành tội phạm hoặc nạn nhân của tội phạm trong các vụ án hình sự.

Thứ hai, do hạn chế về khả năng nhận thức và tầm hiểu biết pháp luật nên trẻ em khó có thể tự thực hiện các quyền lợi của mình trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Thứ ba, khi giải quyết vụ án hình sự cần đảm bảo lợi ích tốt nhất của trẻ em dựa trên nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi tại Điều 91 của BLHS hiện hành.

Hoạt động trợ giúp pháp lý của Luật sư cho trẻ em trong vụ án hình sự được diễn ra như thế nào?

Thứ nhất, đối với người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 422 BLTTHS 2015. Trong trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 3 Điều 422 BLTTTHS 2015.

Thứ hai, đối với các người tham gia tố tụng khác dưới 18 tuổi, dù pháp luật hiện hành tại Việt Nam chưa quy định về việc bắt buộc có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, dựa trên căn cứ là khoản 5 Điều 414 BLTTHS 2015 quy định về nguyên tắc tiến hành tố tụng tố tụng: “ Đảm bảo quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi”.

Thứ ba, các hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư trong quá trình giải quyết vụ án có người dưới 18 tuổi bao gồm: tham gia hoạt động hỏi cung hoặc lấy lời khai; cung cấp tài liệu, chứng cứ; sao chụp hồ sơ tài liệu sau khi kết thúc giai đoạn điều tra; pháp biểu ý kiến; tranh luận tại phiên toà… và thậm chí người bào chữa có thể tiến hành cả hoạt động kháng cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi.

Thứ tư, luật sư tiến hành trợ giúp pháp lý cho người dưới 18 tuổi cần đạt được những yêu cầu nhất định về việc được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ án liên quan đến dười dưới 18 tuổi có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục với người dưới 18 tuổi theo quy định tại Điều 415 của BLTTHS 2015.

Thứ năm, về thủ tục, Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn Luật sư phân công tổ chức hành nghề Luật sư cử người bào chữa; hoặc yêu cầu, đề nghị trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử Luật sư bào chữa cho người thuộc diện trợ giúp pháp lý. Luật Trợ giúp pháp lý 2017 trên cơ sở kế thừa Luật Trợ giúp pháp lý 2006 quy định trẻ em và người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là người được trợ giúp pháp lý. Kể từ ngày 01/01/2018, tất cả các vụ án hình sự có người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu trung tâm trợ giúp pháp lý cử Luật sư tham gia tố tụng, Đoàn Luật sư không cử Luật sư tham gia tố tụng giống như Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006. Luật sư muốn tham gia trợ giúp pháp lý cho trẻ em, người dưới 18 tuổi phải ký hợp đồng với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Ý nghĩa và tầm quan trọng của luật sư trong hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em

Thứ nhất, trong trường hợp người được trợ giúp là bị can, bị cáo: luật sư tham gia trợ giúp pháp lý pháp lý vừa góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình tố tụng, tránh trường hợp oan sai hoặc bị bức cung, nhục hình. Đồng thời, góp phần giáo dục, định hướng, giúp các em nhận ra sai lầm và cải tạo trở thành công dân tốt.

Thứ hai, trong trường hợp người được trợ giúp là bị hại: luật sư tham gia trợ giúp pháp lý góp phần bảo vệ triệt để quyền lợi của bị hại, giúp đòi lại công bằng, tranh đấu với các thể lực xâm hại quyền trẻ em. Thông qua hoạt động tiếp xúc, bảo vệ quyền lợi cho những bị hại là trẻ em, luật sư sẽ giúp ổn định tâm lý, khắc phục những tổn hại tinh thần mà các em phải chịu, mở ra những cơ hội để các em tiếp tục phát triển một cách bình thường.

Thứ ba, đối với hệ thống tư pháp: luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý cũng là một thiết chế bổ trợ tư pháp góp phần giảm nhẹ gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo những nguyên tắc của luật tố tụng hình sự được tôn trọng và thực hiện. Góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai, không vô tư, khách quan trọng hoạt động tố tụng, làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người được trợ giúp pháp lý, giáo dục, cải tạo, răn đe và phòng ngừa tội phạm…Đảm bảo thực hiện công cuộc cải cách tư pháp thành công.

Lời kết

Luật sư trợ giúp pháp lý cho trẻ em vi phạm pháp luật hình sự trong tố tụng hình sự là một hoạt động cung ứng dịch vụ pháp lý vừa mang ý nghĩa nhân văn, vừa thể hiện quyền và nghĩa vụ của Luật sư bảo vệ trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em, quyền con người, góp phần bảo vệ công lý.

Trên đây là nội dung tư vấn của ThinkSmart về vấn đề liên quan đến vấn đề trợ giúp pháp lý cho trẻ em trong giải quyết vụ án hình sự. Trân trọng cảm ơn Quý khách đã quan tâm và tin dùng dịch vụ pháp lý của ThinkSmart./.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *