Phòng DVPL Kinh doanh – Thương mại Công ty luật ThinkSmart hướng dẫn thành lập công đoàn cho doanh nghiệp như sau:
Khái niệm
Công đoàn là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam;
Đại diện cho cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và những người lao động khác (sau đây gọi chung là người lao động), cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội, tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa
( điều 1 luật công đoàn 2012)
Nguyên tắc hoạt động
Công đoàn được thành lập trên cơ sở tự nguyện, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Công đoàn được tổ chức và hoạt động theo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước (điều 6 luật công đoàn 2012).
Điều kiện thành lập công đoàn
Phải có ít nhất 05 đoàn viên Công đoàn Việt Nam; hoặc phải có ít nhất 05 người lao động có đơn tự nguyện xin gia nhập Công đoàn Việt Nam (khoản 1 điều 13 quyết định số 174/QĐ-TLĐ)
Thủ tục thành lập công đoàn
Thành lập ban vận động thành lập công đoàn
Ban vận động thực hiện tuyên truyền, vận động, tiếp nhận đơn xin gia nhập công đoàn của người lao động, thực hiện dẫn dắt và đứng ra tiến hành, chủ trì những công việc có liên quan cho đến khi Ban chấp hành công đoàn được bầu.
Trong quá trình vận động, các thành viên ban vận động cử trưởng ban vận động và liên hệ công đoàn cấp trên gần nhất để được hướng dẫn, giúp đỡ.
Tổ chức đại hội thành lập công đoàn
Thành phần
- Ban vận động thành lập công đoàn;
- Người lao động đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động đã là đoàn viên hoặc chưa là đoàn viên có đơn xin gia nhập công đoàn;
- Đại diện công đoàn cấp trên, người sử dụng lao động và các thành phần khác cùng dự chứng kiến đại hội thành lập công đoàn cơ sở.
Nội dung
- Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;
- Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và công tác chuẩn bị tổ chức thành lập công đoàn cơ sở;
- Công bố danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn;
- Tuyên bố thành lập công đoàn cơ sở;
- Đại diện công đoàn cấp trên phát biểu nếu có;
- Người sử dụng lao động phát biểu nếu có;
- Bầu cử chủ tịch công đoàn cơ sở;
- Thông qua kế hoạch hoạt động của công đoàn cơ sở.
Đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi kết thúc đại hội, ban chấp hành phải lập hồ sơ đề nghị công đoàn cấp trên xem xét công nhận gồm:
- Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và kết quả bầu cử;
- Danh sách đoàn viên và đơn xin gia nhập công đoàn VN của người lao động;
- Danh sách trích ngang lý lịch ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ, ủy viên ban kiểm tra công đoàn cơ sở;
- Biên bản đại hội thành lập công đoàn cơ sở;
- Biên bản kiểm phiếu bầu cử đại hội.
Chờ xét duyệt của công đoàn cấp trên
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đc hồ sơ thành lập công đoàn, công đoàn cấp trên có trách nhiệm thẩm định quá trình thành lập công đoàn đảm bảo đủ điều kiện thành lập.
(Điều 14 quyết định 174/QĐ-TLĐ và hướng dẫn 03/HD-TLĐ)
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Thinksmart về vấn đề thành lập công đoàn. Mong rằng ý kiến chia sẻ của ThinkSmart sẽ giúp ích cho Quý khách trong việc đưa ra quyết định giải quyết vấn đề nêu trên. Trân trọng!