Tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài và một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa và biện pháp xử lý


Ngô Ngọc Diễm

Công ty luật thinkSmart – Đoàn luật sư Hà Nội

1. Đặt vấn đề

Bài viết đề cập đến cách tiếp cận nghiên cứudưới góc độ tội phạm học về vi phạm pháp luật hình sự đối với tội phạm về môi trường có chủ  thể là người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài. Đặc biệt tác giả đưa ra được nguyên nhân khác nhau của  tội phạm về môi trường trên thế giới và khu vực cũng như loại tội phạm này diễn ra ở Việt Nam để từ đó đưa ra thực trạng và giải pháp phòng ngừa đấu tranh với tội phạm này đối với chủ thể có yếu tố ngước ngoài.

Abstract: The article mentions a research approach in the perspective of criminals learning about criminal law violations with environmental crimes that can be foreigners, foreign trade legal entities. In particular, the author gives the different causes of environmental crimes in the world and the region as well as this type of crime in Vietnam so that they can present the situation and solutions to prevent and fight crimes. This is for the subject with the foreign element.

2. Những vấn đề chung

Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách mở cửa, tăng cường quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, nhiều văn bản về quản lý Nhà nước đã được ban hành; trong đó, văn bản quy định về thủ tục nhập cảnh đơn giản, dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để đầu tư, khảo sát thị trường, thăm thân, du lịch… nhằm thu hút các nguồn lực bên ngoài phục vụ  phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong đó, có quy định cho phép các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp thị thực giá trị 15 ngày (thị thực D) cho người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam, không cần cơ quan, tổ chức trong nước bảo lãnh [2]. Việt Nam đã ký Hiệp định song phương miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ với 56 nước trên thế giới; trong khối ASEAN (trừ Myanma) đã miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông với thời hạn cao nhất là 30 ngày; mở rộng đơn phương miễn thị thực cho công dân nhiều nước…

          Những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực nói chung, tội phạm có yếu tố nước ngoài và tội phạm do người nước ngoài gây ra ở Việt Nam nói riêng diễn ra khá phức tạp với tính chất nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng. Trong đó có thể kể đến các loại tội phạm như: lừa đảo; buôn lậu quốc tế; buôn bán ma túy quốc tế; mua bán phụ nữ, trẻ em và thời gian gần đây là tội phạm về môi trường. Hầu hết các loại tội phạm có yếu tố nước ngoài nói trên xảy ra với tính chất nghiêm trọng, có đồng phạm, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, móc nối chặt chẽ… gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự của nước ta trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

          Tội phạm về môi trường ở nước ta không phải là loại tội phạm mới, nhưng tội phạm về môi trường có yếu tố nước ngoài mới chỉ xảy ra những năm gần đây khi Việt Nam mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế. Do vậy công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài là một vấn đề mới, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, việc xử lý nhiều khi còn bị động, lúng túng.

3. Tình hình tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam

          Quá trình đất nước mở cửa hội nhập quốc tế, kinh tế được phát triển, tạo một số chuyển biến mới trong sự kết hợp tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa xã hội, giữ vững an ninh trật tự. Tuy nhiên đất nước ta phải đối mặt với một số vấn đề về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tội phạm về môi trường, trong đó tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài diễn biến ngày càng phức tạp, phổ biến trên một số lĩnh vực sau:

          – Lĩnh vực xử lý chất thải công nghiệp: Chính sách mở cửa đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây, bên cạnh đó sự lơi lỏng trong công tác quản lý là điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng vi phạm luật bảo vệ môi trường; bỏ qua công tác xử lý chất thải, coi đó là giải pháp nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Điều mà ở các nước phát triển, doanh nghiệp không có được vì những quy định về bảo vệ môi trường ở đó rất chặt chẽ và được coi trọng. Vấn đề xử lý chất thải công nghiệp chưa được các cấp, các ngành chú trọng đúng mức, nhiều nhà máy, khu công nghiệp sử dụng hệ thống ngầm dẫn nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước của các sông, hồ, điển hình là: Vụ Công ty Vedan, công ty Tung kuang, công ty Miwon…., đều có chung hành vi vi phạm là xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Những năm gần đây công tác xử lý đã nghiêm khắc hơn, tuy vậy việc khắc phục của các cơ sở vi phạm chuyển biến rất chậm, nên ô nhiễm vẫn tiếp tục xảy ra, kéo dài. Nguyên nhân của tình trạng này là do hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển nhanh theo nhu cầu công nghiệp hoá; số lượng người nước ngoài đầu tư xây dựng nhà máy, khu công nghiệp tăng cao và luôn tìm cách đối phó, trong khi lực lượng chức năng còn thiếu, không đủ mạnh để kiểm soát tình hình; cơ chế quản lý lỏng lẻo, hoạt động thanh tra, kiểm tra còn mang nặng tính chất hành chính, tất cả là những điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng vi phạm.

          – Lĩnh vực nhập khẩu máy móc, thiết bị lạc hậu; phế liệu: Tình trạng nhập khẩu phế liệu có chứa chất thải nguy hại, máy móc cũ, ắc quy chì,… diễn ra rất nghiêm trọng, bằng nhiều hình thức như nhập làm nguyên liệu sản xuất, “tạm nhập, tái xuất”,… điển hình vụ 3 công ty tại Hải Phòng và Quảng Ninh nhập về từ Mỹ 37 containers (gần 800 tấn) nhựa phế liệu lẫn tạp chất. Hiện nay tại các cảng biển đang tồn đọng hàng trăm containers phế liệu chứa chất thải nguy hại, khai vô chủ hoặc các chủ hàng không chịu nhận, gây phức tạp môi trường tại các cảng biển. Nguyên nhân tình trạng trên là do lợi nhuận cao, các doanh nghiệp có thể được “ăn hai mang” từ chủ nguồn thải và từ cơ sở mua lại để tái chế, do đó các doanh nghiệp tìm cách khai báo gian dối với Hải quan hoặc lợi dụng hình thức kiểm hoá xác suất để che giấu hàng cấm. Việc xử lý trái phép chất thải nguy hại, phế thải vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, một phần nguyên nhân là do công tác tổ chức giám sát thực hiện quy chế quản lý chất thải nguy hại chưa nghiêm, chưa thường xuyên đã tạo điều kiện cho các đơn vị vi phạm.

          – Lĩnh vực buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm: Hoạt động mua bán, vận chuyển, động vật hoang dã, quý hiếm để xuất trái phép ra nước ngoài tiêu thụ vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý. Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCTP về môi trường đã khám phá một số đường dây buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm ra nước ngoài và từ nước ngoài tạm nhập về Việt Nam để xuất sang nước thứ 3. Điển hình vụ Công ty cổ phần XNK Talu nhập 33 tấn Tê tê đông lạnh qua cửa khẩu Móng Cái – Quảng Ninh; vụ Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Móng Cái(Quảng Ninh) nhập qua cửa khẩu Cầu Treo 3.800kg động vật hoang dã gồm rùa và rắn ráo trâu (thuộc nhóm 2B) có xuất xứ từ Malaysia, vận chuyển về Móng Cái để xuất đi Trung Quốc… Theo Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật mỗi năm Việt Nam có tới trên 3000 tấn động vật với 150 đến 200 loài bị săn bắt, buôn bán trái phép, trong đó khoảng 45% tiêu thụ ở trong nước còn lại được bán sang Trung Quốc và các nước trong khu vực, các loài động vật bị săn bắt chủ yếu là rắn, rùa, kỳ đà, khỉ.

          – Lĩnh vực khai thác khoáng sản: Đây là lĩnh vực phức tạp và nhạy cảm, các đối tượng lợi dụng chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, để khai thác, xuất khẩu trái phép tài nguyên, khoáng sản, không chú trọng đánh giá tác động đến môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước, cạn kiệt nguồn tài nguyên. Các loại khoáng sản khai thác chủ yếu như: Cao lanh, bôxit, titan, cát, than… Điển hình vụ công ty Vietmindo – Quảng Ninh vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại, đánh giá hiện trạng môi trường trong khai thác khoáng sản. Hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép các loại gỗ quý hiếm để xuất ra nước ngoài xảy ra ở nhiều địa phương, đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác xử lý, ngăn chặn [1].

4. Thực trạng tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài

          Hội nhập quốc tế là điều kiện để nước ta phát triển kinh tế – xã hội, vươn lên thành một quốc gia giàu mạnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự ổn định ở trong nước, uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế là môi trường thuận lợi cho nước ngoài đầu tư vào Việt nam. Nhiều chủ trường, chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài đã được ban hành, tạo nguồn thu hút mạnh mẽ đầu tư, hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục của nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, lợi dụng quá trình mở cửa, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục triển khai những âm mưu, thủ đoạn chống phá nước ta, cùng với những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường sẽ làm cho tình hình tội phạm người nước ngoài nói chung và tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài nói riêng ở Việt nam có những diễn biến phức tạp mới.

– Với sự phát triển nhanh trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa theo kịp quá trình công nghiệp hóa làm cho môi trường nước ta tiếp tục bị ô nhiễm, gây ra khả năng cạn kiệt nguồn tài nguyên, khoáng sản. Việc cấp phép đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, các dự án khai thác khoáng sản thiếu kiểm soát, không đánh giá tác động môi trường, không chú trọng công tác xử lý chất thải sẽ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí ở nhiều nơi.

          – Số lượng các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tiếp tục tăng trên nhiều lĩnh vực sẽ đặt nhiệm vụ bảo vệ môi trường nước ta trước nhiều thách thức mới, trong đó chủ yếu vẫn là vấn đề xử lý chất thải công nghiệp (gồm cả chất thải rắn và chất thải lỏng) và quản lý, xử lý chất thải nguy hại.  

          – Tình hình vi phạm trong kinh doanh nhập khẩu phế liệu, máy móc cũ, lạc hậu vẫn sẽ diễn ra phức tạp vì lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh này rất cao cùng với việc quản lý lỏng lẻo, quy định thiếu chặt chẽ là điều kiện để các doanh nghiệp móc nối với đối tượng nước ngoài lợi dụng.

          – Nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã, quý hiếm trong nước vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt là việc lợi dụng nước ta để làm điểm tạm nhập, tái xuất các loài động vật và sản phẩm từ động vật hoang dã, quý hiếm như: sừng tê giác, ngà voi, hổ, rắn, tê tê…

5. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý

          – Một là: Chủ động tổ chức có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, trước hết, về nhận thức, cần xác định rõ công tác phòng ngừa tội phạm về môi trường nói chung và tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài nói riêng là một bộ phận quan trọng của cuộc đấu tranh, chống tội phạm để bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự ATXH, có ý nghĩa chiến lược phục vụ tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ hội nhập.

          – Hai là: Xác định Cảnh sát PCTP về môi trường là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về môi trường có yếu tố nước ngoài. Xây dựng quan hệ phối hợp với các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường nhằm trao đổi thông tin về tội phạm môi trường liên quan đến Việt Nam để chủ động trong công tác phòng chống.

          – Ba là: Đẩy mạnh các mặt công tác nghiệp vụ Cảnh sát, nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm về môi trường có yếu tố nước ngoài ở từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Xác định chính xác nguyên nhân, điều kiện của các loại tội phạm trong từng lĩnh vực trọng điểm đã nêu ở phần trên. Đánh giá đúng phương thức, thủ đoạn, phát hiện quan hệ cấu kết, móc nối giữa tội phạm người nước ngoài và tội phạm người Việt Nam để đưa ra biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

          – Bốn là: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tham gia phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về môi trường. Tham mưu, định hướng cho các hoạt động truyền thông, thông qua các tổ chức Đảng, chính quyền cơ sở, các tổ chức quần chúng xã hội, phát động phong trào quần chúng; tuyên truyền để mọi người dân nhận thức rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm môi trường có yếu tố nước ngoài xảy ra ở Việt Nam.

          – Năm là: Hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về môi trường có yếu tố nước ngoài. Hệ thống pháp luật hiện nay còn thiếu, chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung; cơ chế quản lý còn nhiều kẻ hở, thiếu chặt chẽ.

Sáu là: Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về môi trường có yếu tố nước ngoài và tội phạm môi trường do người nước ngoài gây ra ở Việt Nam. Đặc biệt đối với UNODC, xác định những nội dung và hiệu quả thiết thực theo nguyên tắc phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, với các chương trình phòng chống tội phạm, bảo vệ môi trường của Liên hợp Quốc. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế./.

6. Tài liệu tham khảo

  1. Báo cáo tổng kết công tác, phong chống tội phạm về môi trường từ năm 2007 đến năm 2017 của Cục Cảnh sát môi trường.
  2.  Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 47/2014/QH13,
  3. Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22-2-2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị (khóa IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *