Trách nhiệm hình sự của pháp nhân – một số vấn đề cần lưu ý


Trong những năm vừa qua, Đảng, nhà nước và Chính phủ luôn coi trọng và đề cao việc phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của đồng bào và nhân dân cả nước, chính vì thế, đã có rất nhiều chính sách, việc làm được đưa ra, đặc biệt là sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhưng dù có phát triển hay các chính sách thay đổi thì mục tiêu cuối cùng của sự phát triển kinh tế là góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.


Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách thực tế, bên cạnh những tác động tích cực thì mặt trái của nền kinh tế thị trường đã dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức doanh nghiệp tiến hành các họat động sản xuất kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách, bất chấp sự an toàn tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, vi phạm nghiêm trọng lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân trong một số lĩnh vực, có nhiều vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc xử lý lại chưa có chế tài cụ thể mà chỉ mới dừng lại ở hình thức xử lý hành chính và với việc xử lý theo quy định của Luật hành chính thì chỉ mang hình thức răn đe “giơ cao đánh khẽ…”. Vì thế, ngày 27/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật hình sự (sửa đổi), Bộ luật hình sự (BLHS) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016. Việc sửa đổi, bổ sung BLHS đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và tổ chức, bảo vệ và thúc đẩy kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng hướng, tạo môi trường xã hội và môi trường sinh thái an toàn, lành mạnh cho mọi người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta. 

Quy định của BLHS 2015 đã có nhiều sự thay đổi mang tính tích cực hơn và trong đó thì việc quy định trách nhiệm hình sự của Pháp nhân được coi là điểm đổi mới nổi bật, mang tính đột phá trong chính sách hình sự nước ta, làm thay đổi nhận thức truyền thống về vấn đề tội phạm và hình phạt. Phải nói rằng, việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của Pháp nhân vào BLHS xuất phát từ yêu cầu cấp bách của thực tiễn và là kết quả của một quá trình nghiên cứu lâu dài và có định hướng của Quốc hội nước ta nhằm góp phần khắc phục những bất cập, hạn chế trong việc xử lý các vi phạm pháp luật của Pháp nhân trong thời gian qua, nhất là những vi phạm trong các lĩnh vực kinh tế, đồng thời, tạo điều kiện bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người bị thiệt hại do các vi phạm của Pháp nhân gây ra.
 
Trong phạm vi bài viết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trách nhiệm hình sự của Pháp nhân theo quy định của BLHS và liên hệ thực tế đối với trách nhiệm hình sự của Pháp nhân Ngân hàng khi Ngân hàng phạm tội và bị điều chỉnh theo quy định tại BLHS.
 
Pháp nhân được hiểu như thế nào
 
Theo pháp luật Việt Nam thì Pháp nhân là những tổ chức có tư cách pháp lý độc lập để tham gia các hoạt động pháp lý khác như chính trị, kinh tế, xã hội… Một cá nhân, tổ chức không có tư cách Pháp nhân thì cũng không được pháp luật công nhận có quyền ký kết các văn kiện pháp lý về kinh tế, chính trị, xã hội.  
 
Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định pháp nhân như sau:
1. Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan;
b) Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật này;
c) Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;
d) Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
  2. Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

 
Như vậy, chúng ta có thể hiểu, để một tổ chức tham gia vào quan hệ tài sản với tư cách là chủ thể độc lập thì phải có tài sản riêng, tài sản của Pháp nhân là tài sản thuộc quyền sở hữu của Pháp nhân hoặc do nhà nước giao cho quản lý. Tính độc lập trong tài sản của Pháp nhân được thể hiện ở sự độc lập với tài sản của cá nhân là thành viên của pháp nhân, với cơ quan cấp trên và các tổ chức khác. Trên cơ sở tài sản độc lập của Pháp nhân, Pháp nhân mới có thể chịu trác nhiệm bằng tài sản của mình. Với cách hiểu và quy định của pháp luật thì chúng ta có thể thấy rằng Pháp nhân được coi là một chủ thể và khi đã là chủ thể thì trong hoạt động của mình nếu Pháp nhân gây thiệt hại hoặc Pháp nhân thực hiện không đúng…đều chịu sự trừng phạt và điều chỉnh của BLHS và cũng vì thế, BLHS 2015 đã quy định rất rõ việc truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân.

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân được hiểu như thế nào và quy định ra sao
Hãy quay trở lại với thực tế của nền kinh tế thị trường hiện nay, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của Pháp nhân thì sẽ rất khó xử lý sai phạm của chủ thể này, do vậy, BLHS đặt ra vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự của Pháp nhân cũng một phần đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung khi luật coi Pháp nhân là chủ thể tội phạm.
 
Việc quy định này sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn, nhất là bảo vệ kịp thời lợi ích người bị thiệt hại. Quy định trách nhiệm hình sự của Pháp nhân là phù hợp với các quan hệ pháp luật như một chủ thể bình đẳng độc lập với các chủ thể khác cho nên Pháp nhân phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Năng lực pháp luật và năng lực hành vi của Pháp nhân phát sinh đồng thời và thường là kể từ thời điểm đăng kí hoạt động được cấp phép hoạt động từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua các hoạt động của mình, mọi hoạt động của Pháp nhân được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân người đại diện hợp pháp của Pháp nhân. Hành vi của những cá nhân này không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ mà nhân danh Pháp nhân, tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho Pháp nhân. Như vậy, Pháp nhân được xem như là một cá nhân tách biệt với các thành viên và chủ sở hữu của nó. Nếu Pháp nhân không được coi là chủ thể của tội phạm, tức là mọi hành vi, việc làm của Pháp nhân cho dù có nguy hiểm cho xã hội đến đâu cũng không được coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự thì các quan hệ xã hội bị xâm hại sẽ không được bảo vệ. Do vậy, việc đặt Pháp nhân vào chủ thể và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu pháp nhân vi phạm theo quy định của luật là hoàn toàn chính xác.
 
Vậy, câu hỏi được đặt ra, khi Pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hình thức xử lý và chế tài áp dụng sẽ như thế nào vì suy cho cùng Pháp nhân cũng là một tổ chức, pháp luật không thể “bỏ tù” cả một tổ chức được.
 
Chúng ta hãy cùng xem xét các hình phạt mà BLHS dành cho Pháp nhân
 
Phạt tiền (Điều 77 BLHS năm 2015): Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung đối với Pháp nhân thương mại phạm tội; Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm và có xét đến tình hình tài chính của Pháp nhân thương mại phạm tội, sự biến động của giá cả nhưng không được thấp hơn 50.000.000 đồng.
 
Đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 78 BLHS năm 2015): Đình chỉ hoạt động có thời hạn là tạm dừng hoạt động của Pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà Pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường hoặc an ninh, trật tự, an toàn xã hội và hậu quả gây ra có khả năng khắc phục trên thực tế; thời hạn đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 03 năm.
 
Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn (Điều 79 BLHS năm 2015): Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của Pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà Pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra; Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
 
Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định (Điều 80 BLHS năm 2015): Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để Pháp nhân thương mại bị kết án tiếp tục kinh doanh hoặc hoạt động trong lĩnh vực đó, thì có thể gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người hoặc cho xã hội; Tòa án quyết định lĩnh vực cụ thể bị cấm kinh doanh hoặc cấm hoạt động; Thời hạn cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định là từ 01 năm đến 03 năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
 
Cấm huy động vốn (Điều 77 BLHS năm 2015): Cấm huy động vốn được áp dụng khi xét thấy nếu để Pháp nhân thương mại bị kết án huy động vốn thì có nguy cơ tiếp tục phạm tội. Tòa án quyết định áp dụng một hoặc một số hình thức cấm huy động vốn; Các hình thức cấm huy động vốn bao gồm: Cấm vay vốn Ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư; Cấm phát hành, chào bán chứng khoán; Cấm huy động vốn khách hàng; Cấm liên doanh, liên kết trong và ngoài nước; Cấm hình thành quỹ tín thác bất động sản.
 
(Tham khảo thêm các tội liên quan đến Pháp nhân tại BLHS năm 2015: Chương 11 từ điều 74 đến Điều 89)
 
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân Ngân hàng khi Ngân hàng phạm tội và chịu sự điều chỉnh của BLHS 2015
 
Hoạt động của Ngân hàng mang tính đặc thù và rủi ro, tuy nhiên, dù có đặc thù thì Ngân hàng (mô hình hoạt động có là cổ phần hay TNHH) thì đều chịu sự điều chỉnh của luật và khi phạm tội thì vẫn bị xử lý theo quy định, sẽ không có trường hợp loại trừ. Pháp nhân Ngân hàng khi phạm tội thì tùy theo tính chất, mức độ và sự vi phạm sẽ bị xử lý, Pháp nhân Ngân hàng cũng như các Pháp nhân khác theo quy định của luật khi tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua các hoạt động của mình và khi tham gia thì mọi hoạt động được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân người đại diện hợp pháp của Ngân hàng. Hành vi của những cá nhân này không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ mà nhân danh Ngân hàng, tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho Ngân hàng. Cần lưu ý rằng, việc cá nhân, người đại diện của Ngân hàng thực hiện quyền, nghĩa vụ của Ngân hàng nếu cá nhân thực hiện vượt quá phạm vi yêu cầu của Ngân hàng thì cá nhân, người đại diện tự chịu trách nhiệm, Ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi, quyền hạn mà Ngân hàng đã trao cho người đại diện của mình.
 
Khi thực hiện quyền hạn, nghĩa vụ, Ngân hàng nếu vi phạm sẽ bị xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự như các chủ thể Pháp nhân khác, căn cứ vào hành vi và lỗi, Ngân hàng sẽ bị truy cứu với mức hình phạt tương đương. Hiện nay, trong nền kinh tế nhiều thành phần thì Ngân hàng giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nền kinh tế, đây là kênh huy động vốn lớn nhất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chính bởi vì vai trò lớn trong nền kinh tế và là nơi lưu giữ nhiều tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho nên đây cũng là nơi dễ dẫn đến các hành vi vi phạm các hoạt động Ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Ngân hàng phạm tội và chịu sự điều chỉnh của BLHS, tùy theo từng hành vi, mức độ Ngân hàng sẽ bị xử lý giống như các chủ thể pháp nhân khác khi tham gia trong các quan hệ.
 
Một trong những hình phạt mà các Ngân hàng khi phạm tội theo quy định của BLHS rất sợ đó là hình thức phạt “cấm huy động vốn”. Như chúng ta biết hoạt động của Ngân hàng nói nôm na là hình thức “đi vay để cho vay”, tức là huy động và cho vay, do vậy, nếu Ngân hàng bị cấm huy động theo quy định của BLHS thì có nghĩa Ngân hàng gần như đã dừng hoạt động (không huy động được vốn thì làm sao có tiền để cho vay). Các hình thức phạt khác đối với Pháp nhân cũng được áp dụng đối với Ngân hàng.
 
Cũng cần lưu ý, theo quy định của luật, quy chế, điều lệ của Ngân hàng thì người đại diện, người lãnh đạo được thay mặt cho Ngân hàng ra các quyết định, thực hiện các hành vi thuộc thẩm quyền của Ngân hàng, vì lợi ích của Ngân hàng. Đặc biệt là trong các quyết định mang tính tập thể (thường thông qua hình thức biểu quyết), thì sự thống nhất về ý chí của các chủ thể hợp thành Ngân hàng là rất cao, người lãnh đạo Ngân hàng khi ấy là người đưa các quyết định đó vào thực tiễn. Mọi hậu quả có lợi cũng như bất lợi phát sinh từ hành vi theo sự lựa chọn trên cơ sở tự do ý chí của người đại diện, người lãnh đạo đều do Ngân hàng thụ hưởng hoặc gánh chịu. Vì vậy, khi người đại diện, người lãnh đạo thực hiện nghĩa vụ hoặc nhiệm vụ của Ngân hàng thì ý chí và hành vi của họ được đồng nhất hoá với Ngân hàng, tức là được coi như là ý chí và hành vi của Ngân hàng và khi Pháp nhân Ngân hàng phạm tội thì không thể bắt và truy cứu trách nhiệm hình sự của người đại diện Ngân hàng được nếu người đó thực hiện công việc trong phạm vi do Ngân hàng yêu cầu (việc yêu cầu là do tập thể yêu cầu chứ không riêng cá nhân người đại diện).


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *