VẤN ĐỀ GIỮ LẠI BẢN CHÍNH VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG


Hỏi:

Em  xin vào bán thuốc tại 1 quầy thuốc tây, khi nhận vào làm thì người chủ tiệm có nói với em là giữ bản gốc bằng dược sĩ trung học của em, làm đủ 1 năm chị ấy mới trả lại bằng. Sau khi làm ở đó được gần hai tháng thì em xin nghỉ và họ chỉ trả cho em  một tháng lương là 600.000 đồng ngoài ra không trả gì thêm. Sau khi em nghỉ được một tháng, thì em xin chị ấy trả lại bằng cho em thì chị ấy không trả và nói với em là: em muốn nghỉ phải báo trước cho chị ấy 45 ngày, em báo một tuần là chị ấy không trả bằng lại cho và nói nếu muốn lấy lại bằng thì phải trả lại chị ấy 600.000 đồng tiền công chị ấy đã trả cho em, vì tháng lao động đó thực ra là để dạy nghề cho em và đúng ra em phải trả chị ấy thêm tiền đào tạo tay nghề. Xin hỏi: bây giờ em muốn lấy lại được bằng thì em cần phải làm gì? 

Nội dung tư vấn: 

Theo như bạn trình bày, giữa bạn và chủ tiệm thuốc chỉ có thỏa thuận bằng miệng về hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo nghề và hợp đồng đặt cọc giấy tờ, bằng cấp gốc.

1. Người sử dụng lao động có được giữ bản gốc văn bằng, chứng chỉ của người lao động không?

Theo Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động:

“Điều 17. Hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động

1. Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

2. Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

3. Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.”

Như vậy, hành vi giữ văn bằng, chứng chỉ của người lao động là một hành vi bị ”cấm” theo quy định của pháp luật lao động. Nếu như trong trường hợp hợp đồng lao động có điều khoản quy định việc người lao động phải nộp lại văn bằng, chứng chỉ gốc thì điều khoản đó bị vô hiệu, các bên có nghĩa vụ phải sửa đổi quy định đó

2. Mức xử phạt hành vi giữ bản gốc văn bằng, chứng chỉ của người lao động

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 28/2020/NĐ-CP như sau:“2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động; 3. Biện pháp khắc phục hậu quả a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này”.

Như vậy, ngoài bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 25.000.000, người sử dụng lao động còn bị buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động.

3. Trình tự, thủ tục yêu cầu công ty trả lại văn bằng, chứng chỉ gốc

Để lấy lại hồ sơ gốc, người lao động cần đến trực tiếp yêu cầu công ty trả lại hồ sơ gốc cho mình. Nếu công ty không trả thì cần nhờ đến sự can thiệp của cơ quan có thẩm quyền để xử phạt hành chính công ty theo quy định trên và cơ quan có thẩm quyền sẽ buộc công ty đó trả lại hồ sơ gốc cho người lao động. Cụ thể là người lao động có thể làm đơn gửi đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở làm việc của công ty để xử phạt hành vi vi phạm hành chính của công ty.

Trong trường hợp người lao động không làm đơn gửi cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành vi vi phạm, nếu trong quá trình giữ bằng, doanh nghiệp làm mất bằng thì pháp luật lao động không thể bảo vệ được. Nếu trường hợp doanh nghiệp đồng ý bồi thường thì chỉ có thể bồi thường chi phí xin cấp lại bản sao bằng, ngoài ra có thể tính đến những thiệt hại phát sinh do người lao động không có Bằng gốc, hoặc bị chậm Bằng (bản sao), và những khoản bồi thường này là do thỏa thuận.

Kim Ngân – Công ty luật ThinkSmart

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *