Vận dụng quy ước, hương ước để kiểm soát tiếng ồn


Quang Đông

Ngày 9-3 vừa qua, sau cuộc họp nghe báo cáo đề xuất xử lý vi phạm về tiếng ồn tại khu dân cư, UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ mở đợt cao điểm xử lý vấn đề này một cách triệt để trong năm 2021. 

Theo đó, TP Hồ Chí Minh thực hiện ngay đợt cao điểm tập trung xử lý nạn ô nhiễm tiếng ồn từ nay đến cuối năm,  được triển khai trong hai giai đoạn. Giai đoạn một (từ nay đến cuối tháng 5) là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư, chưa xử phạt vi phạm hành chính. Trong đó đề xuất vận dụng quy ước, hương ước để kiểm soát tiếng ồn ở khu dân cư được coi là một giải pháp khả thi. Giai đoạn hai (từ tháng 6 đến hết năm) là tăng cường xử lý triệt để, nghiêm túc tất cả hành vi gây ra tiếng ồn trong khu dân cư theo đúng quy định pháp luật. 

Trong các nguồn gây ồn, nhóm tiếng ồn từ hoạt động sinh hoạt của người dân tại khu dân cư là vấn đề cần tập trung giải quyết trước hết. Thời gian qua, việc kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư dường như vẫn trông chờ vào ý thức của người dân là chính. Thực tiễn cho thấy, việc xử lý vi phạm về tiếng ồn tại khu dân cư đang gặp những khó khăn nhất định: mức phạt tiền đối với hành vi gây ồn ào tại khu dân cư, nơi công cộng sau 22 giờ tới 6 giờ sáng hôm sau chỉ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo Nghị định 167 (trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội…, ban hành năm 2013) là không đủ sức răn đe; đối tượng vi phạm đối phó bằng cách dừng hoặc giảm âm lượng của loa phát khi lực lượng chức năng đi kiểm tra; thời gian xử phạt  ngoài giờ hành chính cho nên chính quyền quận, huyện, phường, xã khó kiểm tra, phát hiện, kịp thời xử lý vi phạm. Ngoài ra, loa kéo hát ka-ra-ô-kê được xác định là nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn song pháp luật chưa quy định cụ thể… Còn việc xử lý vi phạm hành chính các trường hợp gây tiếng ồn (trong lĩnh vực môi trường) theo quy định tại Nghị định số 155 (ban hành năm 2016) có mức phạt tiền cao hơn, nhưng bắt buộc phải có kết quả đo tiếng ồn bằng máy chuyên dụng của đơn vị có chức năng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận và thẩm quyền xử phạt lại chưa cho phép chính quyền cấp xã, phường được ra quyết định. Có lẽ vì thế, suốt hai năm  2019 và 2020 các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh mới xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn được 141 trường hợp với số tiền hơn 818 triệu đồng; trong đó chỉ có 20 trường hợp vi phạm tiếng ồn trong sinh hoạt của khu dân cư bị xử phạt với số tiền 2,6 triệu đồng.

Do vậy, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật để chính quyền cấp phường, xã được kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiếng ồn; tăng mức chế tài xử phạt đủ sức răn đe, một đề xuất được đưa ra và rất  được ủng hộ là: Khi xử phạt bằng luật còn gặp khó thì địa phương cần vận dụng vai trò quản lý dựa vào cộng đồng thông qua hương ước, quy ước vận động người dân ký cam kết, tự giác thực hiện để kiểm soát tiếng ồn tại khu dân cư. Đồng thời, tăng cường lực lượng cảnh sát khu vực để thường xuyên nhắc nhở người dân tuân thủ, thực hiện cam kết… Tại thời điểm  bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện quy ước cộng đồng dân cư  từ ngành tư pháp sang ngành văn hóa (cuối năm 2018),  trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần  24.000 quy ước của cộng đồng dân cư được xây dựng và phê duyệt. Thế nhưng, theo Sở Văn hóa – Thể thao TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, việc đưa ra quy ước, hương ước ở khu dân cư đã làm, nhưng chưa hiệu quả. Ở cơ sở, có 90% số hộ gia đình văn hóa và hơn 90% khu dân cư văn hóa, trong các tiêu chuẩn xét gia đình văn hóa, khu phố văn hóa có xét tới  hành vi xả rác, gây ô nhiễm môi trường,… nhưng chưa nhận diện  hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn. Ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và tới đây sẽ đưa vấn đề ô nhiễm tiếng ồn  thành một tiêu chí khi xem xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu phố văn hóa. Ngành văn hóa cũng sẽ thực hiện truyền thông về tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư trên các màn hình quảng cáo điện tử và các phương tiện quảng cáo khác nơi công cộng; tổ chức lồng ghép nội dung truyền thông về tuân thủ các quy định về tiếng ồn trong khu dân cư trong các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, tuyên truyền cổ động; tham mưu bổ sung tiêu chí về chấp hành các quy định tiếng ồn vào các tiêu chuẩn văn hóa. 

Để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư, bên cạnh việc chính quyền địa phương đẩy mạnh thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các cá nhân, nhà hàng, quán ka-ra-ô-kê, cửa hàng kinh doanh thiết bị âm thanh vi phạm quy định về tiếng ồn,  đồng thời phải vận dụng quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, vận động người dân ký cam kết và tự giác kiểm soát tiếng ồn. Khi những việc chung của cộng đồng ngõ, xóm, khu dân cư được người dân cùng quan tâm, tham gia giải quyết thì giải pháp xử lý ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư chắc chắn sẽ khả thi. 


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *