Phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng của Bộ luật dân sự 2015


Bộ luật dân sự là đạo luật rất quan trọng của mỗi quốc gia, có tác động trong việc điều chỉnh các mối quan hệ cơ bản của xã hội, mỗi công dân, các gia đình, cơ quan, tổ chức. Bộ luật Dân sự 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 24/11/2015, chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-01-2017.

Về phạm vi, Bộ luật dân sự 2015 điều chỉnh các quan hệ dân sự, bao gồm các quy định về địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (Điều 1 Bộ luật dân sự 2015).

Về nguyên tắc áp dụng, Bộ luật dân sự với tư cách là luật gốc điều chỉnh các quan hệ dân sự. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự. Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì quy định của Bộ luật dân sự được áp dụng. Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế (Điều 4 Bộ luật dân sự 2015).

Từ quy định này có thể thấy nguyên tắc áp dụng Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Thứ nhất,

Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thấp hơn điều ước quốc tế, khi có sự khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Quy định này phù hợp với khoản 1 Điều 6 Luật điều ước quốc tế 2016, theo đó trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.

Thứ hai,

Bộ luật dân sự 2015 có địa vị pháp lý là luật gốc điều chỉnh các quan hệ dân sự bên cạnh các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, … Về nguyên tắc luật chuyên ngành sẽ được ưu tiên áp dụng nhưng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Trường hợp luật chuyên ngành không có quy định hoặc quy định trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì áp dụng Bộ luật dân sự.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *