Ngô Ngọc Diễm – Nguyễn Thị Minh Nhật
Công ty luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Tóm tắt: Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế định hướng thị trường và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ đã đạt được về mặt kinh tế, xã hội…, cũng giống như nhiều quốc gia khác ở Đông nam Á, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với một số tội phạm phi truyền thống mà trong đó là tội phạm về môi trường, diễn biến ngày càng phức tạp và có chiều hướng gia tăng có tính chất xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn mới và được che lấp dưới các vỏ bọc khác nhau. Đứng trước những thách thức đó, pháp luật hình sự Việt Nam đã phần nào phát huy được nhiệm vụ phòng chống, đấu trang với loại tội phạm này.
Từ khóa: Việt Nam, tội phạm phi truyền thống, tội phạm về môi trường, xuyên quốc gia
Summary: Vietnam transforms a market-oriented economy and international integration. Besides the encouraging achievements achieved in terms of economy, society …, like many other countries in Southeast Asia, Vietnam has been facing a number of non-traditional crimes that in It is an environmental crime that is increasingly complex and has an increasing tendency of transnational nature with new methods and tricks and is covered under different cover. Facing these challenges, Vietnam’s criminal law has partly promoted the task of preventing and equipping this type of crime.
Keywords: Vietnam, non-traditional crime, environmental crime, transnational
Việt Nam hiện nay đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mạnh mẽ. Bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ đã đạt được về mặt kinh tế, xã hội…, cũng giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với sự suy thoái và khủng hoảng của môi trường tự nhiên. Việc khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, nạn buôn bán, sử dụng động vật hoang dã quý hiếm, hay mới đây nhất, UNEP đánh giá Việt Nam và những quốc gia đang phát triển đang có nguy cơ trở thành bãi rác công nghiệp của thế giới[1]. Việc bảo vệ môi trường bằng pháp luật hình sự (PLHS) không chỉ là phương tiện để thực hiện chiến lược, chương trình, chính sách bảo vệ môi trường quốc gia mà còn là một trong những bảo đảm cho việc thực hiện quyền sống trong môi trường trong lành của công dân – quyền này cũng đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013[2]. Đây chính là cơ sở cho nhà làm luật nước ta tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường. Đồng thời thể hiện được trách nhiệm của Việt nam trong việc bảo vệ môi trường toàn cầu nói chung và thực thi các Công ước quốc tế bảo vệ môi trường ở Việt Nam nói riêng.
[1] UNEP – INTERPOL, The rise of Encironmetal Crimes: A growing threat to natural peace, developmetn an security, 2016, tr.2.
[2] Điều 43, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Năm 2013 – 1992 – 1980 – 1959 – 1946), Nxb. Lao động.
Như vậy, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và các quy định của luật hình sự nói riêng trong việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ đã được Đảng và Nhà nước ta ghi nhận ở nhiều văn bản như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XII năm 2016 đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật. Cụ thể, Nghị quyết đã nêu: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế… Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật…”[3]. Cùng với đó, ngày 14/4/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 623/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến 2030”, trong đó đã nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung nghiên cứu dự báo, luật hóa kịp thời các hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện. Xây dựng, ban hành kịp thời văn bản hướng dẫn thi hành sau khi các luật, bộ luật có hiệu lực…”[4]; Nghị quyết số 48 – NQ/TW ngày 14/05/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” đã đề ra mục tiêu: “Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp về bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân…” Tất cả những văn bản này đã cho thấy những đòi hỏi khách quan, sự cấp thiết và tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và luật hình sự Việt Nam nói riêng.
[3] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2016, tr.310-311.
[4] Xem: Chính phủ, CÔNG BÁO/Số 299 + 300, ngày 25/4/2016, tr.65.
1. Khái niệm, phân loại các tội phạm về môi trường
1.1. Khái niệm tội phạm về môi trường
Hiện nay, khái niệm tội phạm về môi trường đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước như GS. TS. Nguyễn Ngọc Hoà[5]; TS. Phạm Văn Lợi[6]; Lynch và Nancy Frank [7]… nghiên cứu dưới nhiều góc độ và các cách tiếp cận khác nhau, đồng thời khái niệm này cũng được ghi nhận bởi các tổ chức quốc tế như Interpol và UNEP[8]; EIA[9]… Tóm lại, qua nghiên cứu các quan điểm đã nêu cho thấy dù còn nhiều quan điểm khác nhau về tội phạm về môi trường, nhưng khái niệm này cần phải thể hiện được những nội dung chính sau:
(1) các dấu hiệu tội phạm phổ biến;
(2) tác động đến các quan hệ xã hội trong lĩnh vực môi trường được PLHS bảo vệ;
(3) những hành vi phạm tội được biểu hiện dưới dạng cả trực tiếp và gián tiếp;
(4) phân biệt được tội phạm về môi trường với các tội phạm khác một cách rõ nét.
Do vậy, dưới góc độ khoa học luật hình sự, tác giả đưa ra khái niệm tội phạm về môi trường như sau: Tội phạm về môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm tới các quan hệ xã hội liên quan trong việc quản lý và bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên, gây ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của con người được quy định trong Bộ luật hình sự (BLHS), do chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) được thực hiện một cách có lỗi.
[5] Nguyễn Ngọc Hòa, Bình luận Khoa học BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (quyển 1), NXB Tư pháp, 2018, tr. 424.
[6] Phạm Văn Lợi, Tội phạm về môi trường, những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 63.
[7] Lynch et al, Green Criminology, Amazon Digital Services LLC, USA, 2017, tr. 9.
[8] UNEP – INTERPOL, The rise of Encironmetal Crimes: A growing threat to natural peace, developmetn an security, 2016, tr. 2.
[9] EIA, Environmetna Crime: A threat to our future, London N1 ONY, UK, 2015, tr. 2.
1.2. Phân loại tội phạm về môi trường
Nhận thức được vai trò vô cùng quan trọng của việc phân loại tội phạm về môi trường, giúp các cơ quan tư pháp trong việc phân hóa TNHS cũng như xác định tội danh và hình phạt đúng người, đúng tội. Bên cạnh đó, có rất nhiều các tiêu chí và các cách phân loại tội phạm về môi trường khác nhau. Hiện đang có một số cách phân loại như sau:
1.2.1. Phân loại theo đối tượng bị xâm phạm
Theo quan điểm của Liên minh Châu Âu và Interpol phân chia tội phạm về môi trường theo lĩnh vực phạm tội, cụ thể gồm 5 loại: (1) Buôn bán trái phép các chất làm suy giảm tầng ozone (ODS) trái với Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone; (2) Bán phá giá và vận chuyển chất thải nguy hại và các chất thải chưa qua xử lý khác xuyên biên giới; (3) Buôn bán trái phép động vật hoang dã trái với Công ước Washington về thương mại hóa quốc tế các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng; (4) Đánh bắt cá bất hợp pháp và không được kiểm soát bởi các tổ chức nghề cá khu vực; (5) Khai thác gỗ trái phép và buôn bán, vận chuyển, mua hoặc bán gỗ vi phạm pháp luật quốc gia. Cách phân loại này có ý nghĩa chủ yếu trong thống kê vì chưa làm rõ được hành vi vi phạm hình sự trong lĩnh vực môi trường với các hành vi vi phạm cũng trong lĩnh vực môi trường khác.
1.2.2. Phân loại căn cứ vào mức độ nghiêm trọng của tội phạm
Đây là cách phân loại thực chất và truyền thống, thể hiện đúng bản chất của PLHS theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm và hình phạt. Căn cứ vào Điều 9, BLHS năm 2015, tội phạm về môi trường được phân loại thành: tội phạm nghiêm trọng; tội phạm rất nghiêm trọng:
– Tội phạm nghiêm trọng: tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động thực vật (Điều 241), tội vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 245), tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 246).
– Tội phạm rất nghiêm trọng: tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 236), tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237), tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai, vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông (Điều 238), tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 239), tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (Điều 240), tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242), tội hủy hoại rừng (Điều 243), tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm (Điều 244).
Căn cứ vào cách phân loại trên cho thấy, tội phạm về môi trường theo BLHS năm 2015 không có tội phạm nào được phân loại là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (vì không có tội danh nào có khung hình phạt cao đến 20 năm, chung thân, tử hình) trong khi hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường trong thực tế là rất lớn.
1.2.3. Phân loại theo khách thể của tội phạm
Theo tiêu chuẩn này, các tội phạm về môi trường được quy định trong Chương XIX của Bộ luật hình sự có thể được phân thành bốn nhóm sau:
Thứ nhất, nhóm các tội phạm gây ô nhiễm môi trường (từ Điều 235 đến Điều 239 BLHS 2015);
Thứ hai, nhóm các tội phạm gây dịch bệnh cho người và động vật (Điều 240 và Điều 241 BLHS 2015);
Thứ ba, nhóm các tội phạm hủy hoại môi trường (Điều 242 đến Điều 243 BLHS 2015);
Thứ tư, nhóm các tội phạm xâm phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với một số yếu tố của môi trường: Hệ động vật và hệ thực vật (Điều 244 và Điều 246 BLHS 2015).
Có nhiều cách phân loại tội phạm về môi trường, có thể thấy mỗi cách thức đều có hiệu quả riêng, nhưng để hợp lý và thực tế, rõ ràng phải dựa trên kiến thức khoa học được bảo đảm, đơn giản và tương đối dễ vận dụng, sao cho phân biệt rõ ràng các đối tượng chính của nhóm tội phạm về môi trường cũng như phân hóa TNHS sẽ áp dụng với từng hành vi phạm tội. Đối với đặc thù của tội phạm môi trường, tác giả đồng ý với cách phân loại trong BLHS năm 2015 có vẻ hợp lý và cá biệt hóa TNHS, tuy nhiên, cần bổ sung cách thức phân loại với PNTM phạm tội để xử lý đúng hành vi phạm tội của chủ thể này.
2. Một điểm mới của BLHS năm 2015 về các tội phạm về môi trường
Trong lần pháp điển hoá thứ ba, BLHS năm 2015 đã lĩnh hội, chắt lọc, tiếp tục thừa kế và phát huy những ưu điểm của BLHS năm 1985 và BLHS năm 1999. BLHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung, khắc phục được một số hạn chế trong các lần pháp điển hóa trước đây, có nhiều tiến bộ nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Với nhận thức “vấn đề trung tâm của việc bảo vệ môi trường bằng các biện pháp pháp lý hình sự là vấn đề tội phạm hoá các hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm môi trường”[10]. BLHS năm 2015 đã quy định tội phạm về môi trường tại chương XIX với 12 tội trong đó bên cạnh 11 tội đã được BLHS năm 1999 quy định, BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai. Đồng thời BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm chủ thể là PNTM vào 09 tội phạm trong nhóm tội này, sửa cấu thành tội phạm của các tội phạm về môi trường theo hướng cụ thể hoá hành vi và quy định mức định lượng vi phạm cụ thể[11]. Cụ thể như sau:
[10] TS. Phạm Văn Lợi, Tội phạm về môi trường, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 13.
[11] PGS. TS. Cao Thị Oanh và TS. Lê Đăng Doanh, Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015, Nxb. Lao động, 2016, tr.399.
Thứ nhất, trong nhóm các tội phạm này, BLHS 2015 đã sửa đổi tên với 03 tội phạm (tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người);
Thứ hai, sửa đổi nhiều cấu thành tội phạm vật chất thành cấu thành tội phạm hình thức ở tội tương ứng (tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại;…);
Thứ ba, các dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội phạm về môi trường được quy định theo hướng cụ thể hoá;
Thứ tư, bổ sung chủ thể là PNTM vào trong 09 tội phạm về nhóm tội này;
Thứ năm, bổ sung tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều và phòng, chống thiên tại; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông[12].
[12] Xem: Cao Thị Oanh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Những điểm mới trong quy định về các tội phạm về môi trường trong BLHS năm 2015, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế Tư pháp hình sự Trung Quốc và Việt Nam về tội phạm môi trường và kinh tế, tr.133.
3. Một số tồn tại, hạn chế trong các quy định của BLHS 2015 về tội phạm môi trường cần phải sửa đổi, bổ sung
Bên cạnh những điểm mới và ưu điểm như tác giả đã nêu ở trên, BLHS 2015 vẫn còn một số tồn tại và hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc quy định TNHS của PNTM nói chung cũng như TNHS của PNTM đối với các tội phạm về môi trường nói riêng chưa được chặt chẽ. Các quy định về chủ thể, điều kiện chịu TNHS của PNTM chưa được quy định một cách rõ ràng, khoa học và tính thực tiễn chưa cao vì PNTM không giống với thực thể sinh học nên nó không thể trực tiếp thực hiện tội phạm hay nói cách khác là PNTM không thể có lỗi, PNTM chỉ có thể liên đới chịu trách nhiệm hình sự đối với người đại diện hoặc người được uỷ quyền nhân danh PNTM phạm tội.
Thứ hai, việc quy định những hành vi khách quan của tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại chưa bao quát và chưa đầy đủ vì ngoài các hành vi như chôn, lấp, đổ, thải trái quy định của pháp luật chất thải nguy hại nhất định còn nhiều hành vi khác có thể vi phạm các quy định của tội phạm này như không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh; … Vì vậy, Điều 236 BLHS năm 2015 cần bổ sung thêm các hành vi khách quan hoặc xây dựng các quy định một cách toàn diện hơn[13].
[13] Xem: Vũ Hải Anh, Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại và Tội đưa chất thải vào lãnh thỏ Việt Nam theo pháp luật hình sự Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế Tư pháp hình sự Trung Quốc và Việt Nam về tội phạm môi trường và kinh tế, tr. 176.
Thứ ba, Điều 238 BLHS năm 2015 quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông quy định về hành vi vi phạm, tại điểm c khoản 1 quy định: “Khoan, đào thăm dò, khảo sát, khai thác đất, đá, cát sỏi, khoáng sản, nước dưới đất trái phép” là không phù hợp với tính chất của tội này. Hành vi được quy định tại điểm c này không phải lúc nào cũng gây ảnh hưởng tới an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai hay thuộc trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông.
Thứ tư, với các trường hợp được liệt kê khi người nào vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản được quy định tại khoản 1 Điều 242 BLHS 2015 mà trong đó có một trường hợp chưa được hợp lý: “Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên”. Bởi bản thân hành vi này không thể là hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đây chỉ nên được coi là một loại dấu hiệu kèm theo hành vi khách quan của tội này với tính cách là hậu quả do hành vi đó gây ra. Với quy định này hiện nay, trường hợp người thực hiện các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương từ 31% đến 60% mà không thoả mãn các điều kiện khác thì không bị xử lý về hình sự. Tình trạng này vừa bỏ lọt những trường hợp cần xử lý hình sự vừa bất hợp lý so với trường hợp người có hành vi đó gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên bị xử lý theo khung tăng nặng của Điều luật này. [14]
[14] Xem: Cao Thị Oanh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Những điểm mới trong quy định về các tội phạm về môi trường trong BLHS năm 2015, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế Tư pháp hình sự Trung Quốc và Việt Nam về tội phạm môi trường và kinh tế, tr.120 – 121.
Thứ năm, quy định đối tượng tác động của tội hủy hoại rừng còn hạn chế. Điều 189 BLHS năm 1999 cũng như Điều 243 BLHS năm 2015 chưa quy định rõ đối tượng tác động của tội hủy hoại rừng còn bao gồm “kể cả các loài cây, bụi, dây leo”. Từ đó dẫn đến việc xử lý của các cơ quan tố tụng trong thực tế gặp nhiều khó khăn trong việc xác định loại cây rừng bị thiệt hại. Mặc dù, Điều 243 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung với đối tượng tác động cụ thể hơn, tuy nhiên, các điều luật cũng không đề cập, nêu rõ và giải quyết được hạn chế này.
Thêm nữa là việc xác định đối tượng tác động thuộc tội hủy hoại rừng hay tội hủy hoại tài sản còn chưa thống nhất. Rừng là đối tượng tác động của tội hủy hoại rừng, là một trong những yếu tố cấu thành môi trường. Đồng thời, rừng cũng là một trong những tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, hộ gia đình, tập thể, tổ chức khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền có quyết định trao quyền sử dụng rừng cho họ thông qua hình thức giao rừng, cho thuê rừng; công nhận quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng thì tổ chức, tập thể, cá nhân, hộ gia đình trở thành chủ rừng và có quyền sở hữu đối với diện tích rừng được giao; nếu tổ chức, tập thể, các nhân, hộ gia đình đã tự bỏ vốn đầu tư vào diện tích rừng được giao này, không lấy từ nguồn vốn ngân sách của Nhà nước thì lúc này rừng trở thành đối tượng tác động của tội xâm phạm về sở hữu, cụ thể là tội hủy hoại tài sản.
Như vậy, sự vận động không ngừng của nền kinh tế xã hội đã làm nảy sinh ra những hành vi xâm hại đến môi trường tác động không nhỏ đến sức khỏe con người, việc hình sự hóa các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường là cần thiết nhằm bảo vệ môi trường sống của con người cả hiện tại và tương lai. Do đó nhóm tội phạm này cần phải được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hơn nữa để bảo đảm các quy định của luật thực sự phát huy hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn./.