Luật sư tư vấn trình tự, thủ tục khiếu nại Quyết định kỷ luật Cán bộ, Công chức


I. Lời nói đầu

Về bản chất, khiếu nại quyết định hành chính thông thường và khiếu nại quyết định hành chính kỷ luật cán bộ, công chức khác nhau ở chỗ đối tượng tác động của việc khiếu nại ở đây là quyết định kỷ luật liên quan đến cán bộ, công chức. Vậy, hiện nay trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại hành chính được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết dưới đây Luật sư ThinkSmart sẽ làm rõ vấn đề này.

II. Giải thích thuật ngữ

Khiếu nại quyết định kỷ luật là gì?

Khiếu nại quyết định kỷ luật là việc cán bộ, công chức đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cán bộ là gì?

Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 

Công chức là gì?

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

III. Những nội dung cần chú ý khi khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức

1. Thời hiệu khiếu nại 

Căn cứ Điều 48 Luật Khiếu nại năm 2011, thời hiệu khiếu nại được quy định như sau:

  • Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật.
  • Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
  • Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức

  • Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp còn khiếu nại lần hai.
  • Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

3. Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức

  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền giải quyết mà không thuộc một trong các trường hợp không được thụ lý giải quyết quy định tại Điều 11 của Luật khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết.
  • Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

IV. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ

Căn cứ Thông tư 07/2013/TT-TTCP thì việc giải quyết đơn khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức thực hiện theo trình tự các bước sau:

Bước 1: Gửi đơn khiếu nại

Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và có chữ ký của người khiếu nại. Đơn khiếu nại lần đầu phải được gửi đến người đã ra quyết định kỷ luật. Đơn khiếu nại lần hai được gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

Bước 2: Thụ lý giải quyết khiếu nại

Nếu đơn khiếu nại không thuộc một trong các trường hợp sau thì được thụ lý giải quyết:

– Quyết định hành chính, hành vi hành chính trong nội bộ cơ quan nhà nước để chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ; quyết định hành chính, hành vi hành chính trong chỉ đạo điều hành của cơ quan hành chính cấp trên với cơ quan hành chính cấp dưới; quyết định hành chính có chứa đựng các quy phạm pháp luật do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật; quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định;

– Quyết định kỷ luật bị khiếu nại không liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại;

– Người khiếu nại không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà không có người đại diện hợp pháp;

– Người đại diện không hợp pháp thực hiện khiếu nại;

– Đơn khiếu nại không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại;

– Thời hiệu, thời hạn khiếu nại đã hết mà không có lý do chính đáng;

– Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

– Có văn bản thông báo đình chỉ việc giải quyết khiếu nại mà sau 30 ngày người khiếu nại không tiếp tục khiếu nại;

– Việc khiếu nại đã được Tòa án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Toà án, trừ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính của Tòa án.

Sau khi thụ lý, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của tổ chức bạn thông báo việc thụ lý bằng văn bản đến người khiếu nại và tổ chức cấp trên (nơi đã chuyển đơn khiếu nại).

Bước 3: Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại

Sau khi thụ lý khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải kiểm tra lại quyết định kỷ luật cán bộ bị khiếu nại.

Nội dung kiểm tra lại bao gồm:

+ Căn cứ pháp lý ban hành quyết định kỷ luật cán bộ;

+ Thẩm quyền ban hành quyết định kỷ luật cán bộ;

+ Nội dung của quyết định kỷ luật cán bộ;

+ Trình tự, thủ tục ban hành, thể thức và kỹ thuật trình bày quyết định kỷ luật cán bộ;

+ Các nội dung khác (nếu có).

Sau khi kiểm tra lại quyết định kỷ luật, nếu thấy nội dung khiếu nại đã rõ thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết.

Bước 4: Quyết định việc giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, quyết định xác minh nội dung khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại tự mình xác minh hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc quyền quản lý của mình tiến hành xác minh nội dung khiếu nại. (Quyết định giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại thực hiện theo Mẫu số 03-KN ban hành kèm theo Thông tư 07/2013/TT-TTCP).

Nếu cần thiết có thể thành lập Đoàn xác minh hoặc Tổ xác minh nội dung khiếu nại.

* Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại

Trường hợp thành lập Tổ xác minh thì Tổ trưởng Tổ xác minh có trách nhiệm lập kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại.

Kế hoạch xác minh nội dung khiếu nại gồm:

– Căn cứ pháp lý để tiến hành xác minh;

– Mục đích, yêu cầu của việc xác minh;

– Nội dung xác minh;

– Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân phải làm việc để thu thập, xác minh các thông tin, tài liệu, bằng chứng;

– Các điều kiện, phương tiện phục vụ cho việc xác minh;

– Dự kiến thời gian thực hiện từng công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên; thời gian dự phòng để xử lý các công việc phát sinh;

– Việc báo cáo tiến độ thực hiện;

– Các nội dung khác (nếu có).

Bước 5: Công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh thực hiện việc công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại tại tổ chức của người bị khiếu nại.

Thành phần tham dự buổi công bố gồm: Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh, người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc người đại diện của người khiếu nại, của người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc công bố quyết định xác minh nội dung khiếu nại được lập thành biên bản có chữ ký của người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh, người khiếu nại, người bị khiếu nại hoặc người đại diện của người khiếu nại, của người bị khiếu nại.

Biên bản được lập thành ít nhất ba bản giao một bản cho bên khiếu nại, một bản cho bên bị khiếu nại và bản lưu hồ sơ giải quyết khiếu nại.

Bước 6: Làm việc trực tiếp với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền, luật sư, trợ giúp viên pháp lý của người khiếu nại; người bị khiếu nại; yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng

* Làm việc với người khiếu nại, người đại diện, người được ủy quyền… của người khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng gồm:

– Thông tin về nhân thân;

– Thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại.

Nội dung làm việc được lập thành biên bản, ít nhất hai bản, mỗi bên giữa một bản. Biên bản làm việc thực hiện theo Mẫu số 05-KN ban hành theo Thông tư 07/2013/TT-TTCP.

Trường hợp không làm việc trực tiếp vì lý do khách quan thì người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh có văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, làm chứng để làm rõ nội dung khiếu nại. Việc cung cấp thông tin thực hiện trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

* Làm việc trực tiếp với người bị khiếu nại

Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh làm việc trực tiếp và yêu cầu người bị khiếu nại cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến quyết định kỷ luật.

Nội dung làm việc được lập thành biên bản, ít nhất hai bản, mỗi bên giữ một bản. Biên bản theo Mẫu số 05-KN.

Việc cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng, văn bản giải trình được thực hiện trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

* Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng

Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại.

Nội dung được lập thành biên bản, ít nhất hai bản, có chữ ký của các bên. Biên bản theo Mẫu số 05-KN.

Bước 7: Tiếp nhận, xử lý thông tin, tài liệu, bằng chứng

Khi tiếp nhận các thông tin trên thì người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh phải lập Giấy biên nhận theo Mẫu số 07-KN và kiểm tra tính xác thực của thông tin, tài liệu đã thu thập được.

Bước 8: Báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại

Người có trách nhiệm xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh phải báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại bằng văn bản với người giải quyết khiếu nại hoặc người ban hành quyết định thành lập Tổ xác minh.

Bước 9: Tổ chức đối thoại

Trong quá trình giải quyết, người giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật lần đầu, lần hai phải tổ chức đối thoại để đối chiếu giữa yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại.

Bước 10: Ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại

Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức lần đầu được thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật khiếu nại; Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức lần hai được thực hiện theo quy định tại Điều 56 Luật khiếu nại.

Gửi quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ lần đầu cho người khiếu nại và cơ quan, tổ chức hữu quan. Quyết định giải quyết lần hai thì gửi cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ban hành.

Đối với giải quyết khiếu nại lần hai thì công khai quyết định giải quyết như sau:

– Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác.

– Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ, tổ chức đã giải quyết khiếu nại ít nhất 15 ngày.

– Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 15 ngày.

Bước 11: Lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại

Người có trách nhiệm xác minh giúp người giải quyết khiếu nại mở, lập hồ sơ giải quyết khiếu nại; tập hợp những thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại vào trong hồ sơ.

V. Dịch vụ Luật sư tư vấn về thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức

1. Nội dung công việc

Trong quá trình thực hiện thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức nếu có khó khăn, vướng mắc, đội ngũ Luật sư ThinkSmart luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ Quý khách. Khi kết nối với ThinkSmart, Quý khách sẽ được cung cấp dịch vụ Luật sư tư vấn về thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức với các nội dung cụ thể sau đây:

  • Nhận tư vấn định hướng miễn phí: thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
  • Nhận tư vấn chuyên sâu: Luật sư ThinkSmart phân tích pháp lý, đưa ra các phương án giải quyết vấn đề, đồng thời phân tích chặt chẽ ưu điểm – nhược điểm của từng phương án đó. Điều này giúp Quý khách có cái nhìn tổng thể và khách quan nhất về kết quả dự kiến đạt được.
  • Quý khách chủ động quyết định phương án giải quyết thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
  • Luật sư ThinkSmart xây dựng, soạn thảo đầy đủ hồ sơ, liên quan đến thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức theo quy định pháp luật.
  • Luật sư ThinkSmart đại diện Quý khách đi nộp hồ sơ, làm việc với các bên thứ ba như UBND xã/huyện, cơ quan bảo hiểm xã hội …

2. Các gói dịch vụ ThinkSmart cung cấp 

  • Gói 1: Luật sư tư vấn sơ bộ, định hướng về trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức .
  • Gói 2: Luật sư soạn thảo, xây dựng hồ sơ về trình tự, thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
  • Gói 3: Luật sư đại diện thực hiện toàn bộ quá trình tư vấn, soạn thảo, đại diện theo ủy quyền thực hiện thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

Ghi chú: Với những công việc bắt buộc phải có sự hiện diện của Quý khách theo luật định, ThinkSmart sẽ cử nhân sự đồng hành cùng Quý khách.

3. Cách thức kết nối

Để nhận tư vấn về thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức, Quý khách có thể dễ dàng kết nối với ThinkSmart thông qua 1 trong 3 cách thức sau đây: 

4. Nguyên tắc hoạt động, cam kết

Trong suốt quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho Quý khách nói riêng và quá trình hoạt động nghề nghiệp nói chung, ThinkSmart cam kết tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc sau đây:

i. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

ii. Tuân theo Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.

iii. Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

iv. Bảo mật thông tin Khách hàng.

v. Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng.

vi. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

VI. Lời kết

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật ThinkSmart về thủ tục khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Trân trọng cảm ơn Quý khách đã quan tâm và tin dùng dịch vụ pháp lý của ThinkSmart./.

,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *