Ngô Ngọc Diễm – Công ty luật TNHH ThinkSmart
ThS Trần Quang Minh – Chánh toà Hình sự TAND thành phố Hải Dương
Bài viết được đăng tải trên Tạp chí Toà án nhân dân số 10/2021
1. Khái niệm ô nhiễm môi trường và tội gây ô nhiễm môi trường
1.1. Khái niệm ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường là nguồn gốc chính của các vấn đề đối với sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của xã hội và kinh tế trên thế giới. Các chất ô nhiễm khác nhau đang nổi lên trong môi trường như chất ô nhiễm hữu cơ tồn lưu, chất ô nhiễm vật liệu nano, vi nhựa, chất ô nhiễm phóng xạ và kim loại nặng có tác hại đối với cơ thể người, động vật và thực vật. Các loại ô nhiễm môi trường chủ yếu dẫn đến những tác hại hiện nay là ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm mùi.
Như vậy có thể hiểu: ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên đã bị nhiễm bẩn. Các thành phần hóa học trong môi trường nước, môi trường đất và môi trường không khí các tính chất vật lý, sinh học, hóa học của môi trường cũng bị thay đổi. Từ đó gây tổn hại tới sức khỏe của con người, môi trường và sinh vật và sự phát triển bền vững của xã hội và kinh tế.
1.2. Khái niệm tội gây ô nhiễm môi trường
Bộ luật hình sự năm 2015 không đưa ra khái niệm đối với tội gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, nhận thức về loại tội phạm này còn chưa nhất quán về hành vi, đối tượng tác động…, hình thức lỗi cũng như xác định mức độ thiệt hại v.v… Vì vậy, việc đưa ra một khái niệm chung về tội gây ô nhiễm môi trường để thống nhất về đường lối xử lý hình sự đối với loại tội phạm này trong thời gian tới là rất cần thiết.
Theo quan điểm của chúng tôi, việc nhận thức và xây dựng khái niệm về tội gây ô nhiễm môi trường cần chú ý tới hai nội dung chính, cụ thể: Thứ nhất, phải dựa trên các dấu hiệu chung của tội phạm Tội phạm gây ô nhiễm môi trường cũng giống như bất kỳ loại tội phạm nào khác là đều có những dấu hiệu chung của tội phạm; Thứ hai, việc xây dựng khái niệm phải phù hợp với chính sách hình sự của Việt Nam trong thời gian tới cũng như yêu cầu của công tác đấu tranh với tội phạm gây ô nhiễm môi trường[1]. Hơn nữa dựa trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các quan điểm của các chuyên gia về tội phạm môi trường, theo chúng tôi có thể khái niệm tội gây ô nhiễm môi trường như sau: là hành vi của người có năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS), có lỗi và đạt độ tuổi luật định hoặc pháp nhân thương mại (PNTM) thực hiện hành vi xâm phạm đến các quan hệ xã hội bảo vệ môi trường khỏi sự ô nhiễm bằng hành vi thải vào môi trường các chất gây ô nhiễm.
[1] Phùng Trung Thắng (2013) Tội gây ô nhiễm môi trường, Luận văn, Khoa Luật – ĐHQGHN.
2. Dấu hiệu định tội
2.1. Về dấu hiệu chủ thể
Chủ thể của tội gây ô nhiễm môi trường là bất kỳ người nào đủ độ tuổi theo luật định và có đầy đủ năng lực TNHS. Đối với độ tuổi theo quy định của BLHS hiện hành, cũng giống như, các tội phạm môi trường khác, chủ thể của tội gây ô nhiễm môi trường là tất cả những người đủ 16 tuổi trở lên.
2.2. Dấu hiệu hành vi khách quan
Tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS năm 2015). Dấu hiệu định tội của điều luật quy định theo 2 nhóm chủ thể thực hiện.
Thứ nhất, đối với nhóm chủ thể chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc chưa bị kết án về tội này, thì hành vi khách quan của tội gây ô nhiễm môi trường được quy định là một trong các hành vi sau đây:
– Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất thải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy từ 1000 kg trở lên:
- Danh mục chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt gồm: Antimon (Antimoni); Asen (Arsenic); Bari (Barium) trừ Bari sunphat (Barium sulfate); Chì (Lead); Coban (Cobalt); Kẽm (Zinc). [09].
- Vượt ngưỡng chất thải nguy hại là vượt giới hạn định lượng tính chất nguy hại hoặc thành phần nguy hại của một chất thải làm cơ sở để phân định, phân loại và quản lý chất thải nguy hại. [09].
– Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải nguy hại khác từ 3000 kg trở lên. Ví dụ: Xăng, dầu, mỡ thải, đất thải có chứa dầu, mỡ… Danh mục các chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo Phụ lục 38 A Công ước Stockholm bao gồm:
- Aldrin: Loại hóa chất diệt kí sinh trùng bám bên ngoài và thuốc trừ sâu tại địa phương;
- Dieldrin: Loại hóa chất được sử dụng chủ yếu để diệt mối và các loại sâu hại cây họ vải;
- Endrin: Loại hóa chất bảo vệ thực vật sử dụng để diệt côn trùng ở những cánh đồng trồng bông và ngũ cốc, diệt chuột và các loài gặm nhấm khác … Chôn, lấp là một trong những phương pháp xử lí chất thải. Hiện nay có nhiều mô hình bãi chôn lấp chất thải nguy hại khác nhau (bãi chôn, lấp nổi, lấp chìm…), việc lựa chọn mô hình chôn, lấp nào cần phải được cân nhắc đầy đủ các yếu tố: Loại và lượng chất thải nguy hại, địa hình, diện tích khu chôn lấp, địa tầng và tính thấm của đất đá, chiều sâu và độ dốc mực nước ngầm, các nguyên vật liệu sẵn có, khả năng kiểm soát nguy cơ dò rỉ chất thải và cảnh quan của khu vực.
- Đối tượng được chôn lấp là chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy như thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt mối, phụ gia trong keo gỗ… ; Các chất thải nguy hại khác như xăng, dầu, nhớt thải, sáp – mỡ thải; bùn thải và chất thải có chứa dầu, hắc ín thải …
– Xả thải ra môi trường từ 300 m3/ ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường. Ví dụ: Xả nước thải ra môi trường có chứa các chất thải nguy hại như Asen, chì, xyanua …
– Thải ra môi trường từ 100.000 m3 trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường. Ví dụ: Thải khí thải công nghiệp, bụi có chứa các chất thải nguy hại ra môi trường.
- Khí thải công nghiệp là hỗn hợp các thành phần vật chất phát thải ra 39 môi trường không khí từ ống khói, ống thải của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp;
- Bụi là những hạt chất rắn, nhỏ thông thường là những hạt có đường kính nhỏ hơn 75um, tự lắng xuống do trọng lượng của chúng nhưng vẫn có thể lơ lửng một thời gian.
– Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 100.000 kg trở lên. Ví dụ: Chôn, lấp, đổ, thai ra môi trường trái pháp luật đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, gạch, ngói,vữa, bê tông, thủy tinh…
– Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ [09]. Theo đó chất phóng xạ là chất phát ra bức xạ do quá trình phân rã hạt nhân, chuyển mức năng lượng hạt nhân, có hoạt động phóng xạ riêng hoặc tổng hoạt độ lớn hơn mức miễn trừ. [09]. Ví dụ: Phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ khi vận hành các lò phản ứng hạt nhân vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Chất phóng xạ là chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt độ phóng xạ riêng lớn hơn 7 kilo Beccơren trên kg (70kBq/kg).Các chất này được phát ra khi sử dụng, vận hành các lò phản ứng hạt nhân hoặc phát ra từ các địa điểm cất giữ vật liệu có nguồn bức xạ có hại.
Thứ hai, đối với nhóm chủ thể đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì hành vi khách quan của tội gây ô nhiễm môi trường được quy định là một trong các hành vi sau đây:
– Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải nguy hại có 40 thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chưa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu có khó phân hủy từ 500 kg trở lên.
– Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải nguy hại khác từ 1.500 kg trở lên;
– Xả thải ra môi trường từ 100 m3/ ngày trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường;
– Thải ra môi trường từ 50.000 m3/ giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường;
– Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 70.000 kg trở lên.
Vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải là việc thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn quốc gia về chất thải được quy định trong các văn bản của Nhà nước như: QCVN08-MT:2015/BTNMT: Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, ban hành kèm theo Thông tư số 65/2015/TT-BTNMT ngày 21/12/2015 của Bộ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường; QCVN09-MT:2015/BTNMT: Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chất lượng nước ngầm; QCVN10-MT:2008/BTNMT: Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ; QCVN15-MT:2008/BTNMT: Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật …
Tuy nhiên, quy định về tội gây ô nhiễm môi trường vẫn còn duy trì dấu hiệu “gây hậu quả nghiêm trọng”; “Gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng”. Cách quy định như vậy khiến có thể thấy trước nguy cơ rằng luật sẽ tiếp tục bỏ lọt các tội phạm gây ô nhiễm môi trường. Vì thực tế cho thấy rằng, không có văn bản nào hướng dẫn về “gây hậu quả nghiêm trọng” “rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” được hiểu như thế nào. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật hình sự hiện chỉ có Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bô Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu là cơ sở duy nhất để vận dụng và tìm hiểu vấn đề gây hậu quả nghiêm trọng[2].
[2] Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bô Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu là cơ sở duy nhất để vận dụng và tìm hiểu vấn đề gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ gây thiệt hại về người mà còn gây ra những tác động tiêu cực tới môi trường, chưa gây ô nhiễm môi trường mà còn thay đổi về cơ bản số lượng, chất lượng của thành phần môi trường, suy thoái môi trường[3]….
[3] Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03/7/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý.
2.3. Dấu hiệu lỗi
Người thực hiện những hành vi được quy định tại Điều 235 là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái quy định của pháp luật, nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.
2.4. Dấu hiệu hậu quả
Hậu quả của tội phạm không đặt ra đối với tội phạm này. Như vậy đối với BLHS năm 1999, nhóm tội này đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung khá quan trọng. Một số điều luật đã sửa đổi về cấu thành tội phạm theo hướng cụ thể hoá các hành vi và định lượng mức độ vi phạm từ đó nhằm bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, thay cho các quy định còn mang tính trừu tượng mà BLHS năm 1999 đã quy định trước đây đồng thời đã chuyển các quy định cấu thành tội phạm vật chất thành tội phạm cấu thành hình thức.
Điều 235 đã sửa đổi về cấu thành tội phạm theo hướng cụ thể hoá các hành vi và định lượng mức độ vi phạm từ đó nhằm bảo đảm tính khả thi và thuận lợi cho các cơ quan tiến hành tố tụng, thay cho các quy định còn mang tính trừu tượng mà BLHS năm 1999 đã quy định trước đây:
– Người nào thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép, đã bị xử phạt hành chính mà cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền gây hậu quả nghiêm trọng,… (Khoản 1 Điều 182 BLHS 1999). Ngoài ra, Điều 235 cũng có những sửa đổi khá quan trọng khi chuyển các quy định về cấu thành tội phạm vật chất được quy định trong điều luật thành tội phạm cấu thành hình thức. Trước kia, Điều 182 BLHS năm 1999 quy định hai trường hợp phạm tội gây ô nhiễm môi trường bao gồm: 1) Hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải ở mức độ nghiêm trọng; 2) Hành vi thải vào không khí, nguồn nước, đất các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác. Như vậy theo các quy định này của BLHS năm 1999 chỉ cho phép xử lý hình sự hành vi gây ô nhiễm môi trường khi xác định được các mức độ thải vào không khí các chất gây ô nhiễm môi trường, phát tán bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất thải hoặc hành vi khác. Trên thực tế, ngay cả khi có hậu quả xảy ra, việc xác định những hành vi khách quan của tội gây ô nhiễm môi trường có thực sự phải là nguyên nhân gây ra hậu quả đó hay không cũng là vấn đề khó xác minh đồng thời hậu quả cũng khó có thể xác định bởi nhiều nguyên nhân khách quan. Trong khi đó, kể từ khi ban hành BLHS năm 1999, chưa có một văn bản pháp luật nào giải thích, hướng dẫn áp dụng đối với các tội phạm môi trường.
3. Dấu hiệu định khung hình phạt
Dấu hiệu định khung hình phạt là những dấu hiệu trong luật phản ánh mức độ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội phù hợp với một khung hình phạt nhất định và là cơ sở pháp lý để định khung hình phạt đối với hành vi đó. Như vậy, sau những dấu hiệu pháp lý được quy định, các nhà làm luật sẽ dựa vào đấy để xây dựng những mức hình phạt phù hợp, đúng người, đúng tội.
Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 3.000 kg chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất thải phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 10.000 chất thải nguy hại khác: Đây là trường hợp người phạm tội có hành vi chôn, lấp, đổ, thải trái pháp luật ra môi trường từ 3.000 kg một trong hai đối tượng (chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc chất thải có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy) hoặc từ 10.000 kg đối với chất thải nguy hại khác.
– Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần hoặc từ 500 mét khối (m3) trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt trội quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên: Đây là trường hợp xả thải ra môi trường từ 5.000 m3/ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần. Đối với nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên, mức quy định để áp dụng khung hình phạt này là từ 500 m3/ngày.
– Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần hoặc từ 150.000 mét khối (m3) trên giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên: Đây là trường hợp lượng khí thải được người phạm tội thải ra môi trường vượt mức quy định tại điểm đ khoản 1. Cụ thể: từ 300.000 m3/giờ đối với khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần; từ 150.000 m3/giờ khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên.
– Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 200.000 kg: Đây là trường hợp khối lượng chất thải rắn mà người phạm tội chôn, lấp, đổ, thải trái pháp luật ra môi trường từ 200.000 kg, cao hơn mức cơ bản quy định tại điểm g khoản 1.
– Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều từ 200 milisivơ (mSv) trên năm hoặc giá trị suất liều từ 0,01 milisivơ (mSv) trên giờ: Đây là trường hợp chất phóng xạ chứa trong nước thải, khí thải, chất thải rắn được phát tán ra môi trường vượt giá trị liều từ 200 milisivơ (mSv)/năm hoặc giá trị suất liều từ 0,01 milisivơ (mSv)/giờ.
– Gây hậu quả nghiêm trọng: Đây là trường hợp phạm tội đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng như làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, … Lỗi của người phạm tội đối với hậu quả này có thể là lỗi vô ý.
4. Những vấn đề cần đặt ra đối với việc quy định tội gây ô nhiễm môi trường
Điều 235 tội gây ô nhiễm môi trường quy định trong BLHS năm 2015 đã khắc phục được phần lớn quy định bất cập của điều luật trước đây. Tuy nhiên vẫn còn một số tình tiết cần phải có văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ nhất, Chính sách hình sự của Nhà nước ta trong thời gian tới đối với các tội phạm về môi trường nói chung, tội phạm gây ô nhiễm môi trường nói riêng tập trung và thể hiện ở một số khía cạnh, nội dung như: mở rộng phạm vi, lĩnh vực bảo vệ môi trường và tội phạm hóa các hành vi nguy hiểm cho xã hội phát sinh (độ rung, tiếng ồn, âm thanh, ánh sáng); tăng nặng TNHS và bảo đảm sự tương xứng giữa các chế tài; nghiên cứu quy định cấu thành tội phạm trong lĩnh vực môi trường dưới dạng cấu thành tội phạm hình thức, lỗi vô ý v.v….. Đối với phạm vi của tội gây ô nhiễm môi trường trong BLHS hiện hành, việc xử lý tội phạm xâm phạm tới môi trường hiện nay chỉ được tiến hành trong 03 lĩnh vực là môi trường nước, không khí và đất. Điều này sẽ hạn chế thẩm quyền của các cơ quan chức năng trong việc xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong các thành phần khác của môi trường khi mà đã bắt đầu xuất hiện những hành vi xâm phạm tới các lĩnh vực môi trường đó trong thực tiễn hiện nay. Mặt khác, hiện nay BLHS hiện hành vẫn chỉ truy cứu đối với trường hợp lỗi cố ý sẽ dẫn tới nhiều trường hợp bỏ lột tội phạm cũng như khó chứng minh được tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Hiện tại, qua tham khảo BLHS của một số nước trên thế giới có quy định tương tự về tội gây ô nhiễm môi trường thì các nước đó cũng đã quy định cả trường hợp lỗi vô ý thực hiện các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Theo tác giả, việc quy định cả hình thức lỗi vô ý là rất cần thiết, không những nâng cao được trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức mà còn nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm gây ô nhiễm môi trường.v.v …
Thứ hai, Tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” được quy định tại điểm e khoản 2 và tình tiết “Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” tại điểm e khoản 3. Hiện nay chưa có hướng dẫn mới sau khi BLHS 2015 có hiệu lực mà chúng ta vẫn sử dụng Thông tư số 04/2012/TT-BTNMT ngày 08/5/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để thay thế cho Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT. Theo đó, Thông tư này quy định rõ nguyên tắc, căn cứ xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường, cơ sở gây ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, bụi, tiếng ồn, độ rung, chất thải rắn của một số các thông số đặc trưng về các chỉ tiêu môi trường của một số ngành nghề kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch này cũng chưa thể đồng nhất được khái niệm“gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng” được quy định trong BLHS và khái niệm “cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Do đó, việc nghiên cứu và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết và cụ thể như thế nào là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như thế nào là gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng để làm căn cứ xác định yếu tố cấu thành tội gây ô nhiễm môi trường theo quy định của BLHS hiện hành. Vì vậy để áp dụng thống nhất tình tiết này cần phải có văn bản hướng dẫn chi tiết cụ thể từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Thứ ba, Điều 235 “Tội gây ô nhiễm môi trường” của BLHS cần sửa đổi quy định theo hướng giảm mức định lượng xả chất thải ra môi trường và mức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng mức định lượng quy định như ở điều luật vẫn còn quá cao, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường …
Cụ thể, theo thống kê của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an thông qua thực tiễn công tác phòng, chống vi phạm pháp luật về môi trường cho biết, trong thời gian qua, rất ít cơ sở có lưu lượng xả thải dưới 500 m3/giờ. Cho đến nay các cơ sở đã được lực lượng Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra đo lượng bụi, khí thải thực tế thải ra môi trường như một số nhà máy xi măng, nhiệt điện sắt thép, phân bón… chỉ đo được có lưu lượng 200.000 m3/giờ (như Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại có lưu lượng xả bụi, khí là 190.000m3/giờ)[4].
[4] Cục Cảnh sát phòng chống TPMT, Báo cáo tổng kết công tác, phòng chống TPMT từ năm 2015 đến năm 2020.
Mặt khác, kết quả khi đối chiếu quy chuẩn Việt Nam cho thấy chưa có cơ sở nào có thông số vượt cao trên 4 lần. Ngoài ra, từ trước đến nay, lực lượng Cảnh sát môi trường chưa phát hiện cơ sở nào có lưu lượng nước thải lớn trên 1.000 m3/ngày có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14 xả thải ra môi trường, do việc sản xuất phát sinh nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14 có đặc thù là phát sinh nước thải ít và trong đó chứa hoàn toàn các chất xút và axit, mà thực tế chỉ cần thải ra môi trường một lượng vài mét khối đã gây hậu quả rất nghiêm trọng cho con người và các loài sinh vật khác. Do vậy, cần phải nghiên cứu chỉnh lý lại Điều 235 “Tội gây ô nhiễm môi trường” theo hướng hạ mức định lượng xả thải và mức quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu phòng, chống tội phạm về môi trường trong tình hình hiện nay.
Thứ tư, TNHS của PNTM. Mặc dù BLHS năm 2015 đã quy định PNTM nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu TNHS[5]. Đây là một trong những quy định còn nhiều tranh cãi và gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật. Có thể hiểu PNTM là chủ thể thực hiện tội phạm hay chỉ là chủ thể phải chịu TNHS? Hơn nữa phải chứng minh hành vi thực hiện tội phạm phải là hành vi nhân danh PNTM; thực hiện vì lợi ích của PNTM; có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM [6] . Điều đó dẫn đến hệ quả có quy định của pháp luật nhưng không áp dụng được trong thực tiến đấu tranh phòng chống tội phạm. Chúng tôi viện dẫn một vụ án mới nhất làm rung chuyển thành phố Hà Nội một thời – Vụ án nước sạch Sông Đà nhiễm bẩn. Theo nội dung vụ án, đầu tháng 10/2019, N.T.H.T là trưởng phòng kinh doanh, kiêm trợ lý Giám đốc cho Công ty CTH (chủ quản lý nguồn chất thải) có điện thoại thỏa thuận thuê L.Đ.V xử lý dầu thải cho Công ty CTH với giá 1.000đ/lít và N.T.H.T cho số điện thoại của Trung nhân viên quản lý chất thải của Công ty CTH để liện hệ công việc. Ngày 6/10/2019, L.Đ.V điện thoại chỉ đạo cho N.C.Đ và H.V.T là nhân viên lái xe đến Công ty CTH nhận 8.830kg dầu thải không đưa đi xử lý mà chỉ đạo đổ ra thượng nguồn của sông Đà, tiếp theo chảy vào hồ chứa nước thô của nhà máy nước sạch Sông Đà dẫn đến ô nhiễm nặng nguồn nước sạch người dân Hà Nội sử dụng[7].
[5] Khoản 2 Điều 2 BLHS năm 2015. Cơ sở của trách nhiệm hình sự.
[6] Khoản 1 Điều 75 – BLHS năm 2015. Điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
[7] Bản án hình sự sơ thẩm số 69/2020/HS-ST. Lý Đình Vũ và đồng phạm gây ô nhiễm môi trường.
Kết luận giám định của cơ quan chức năng, trong các mẫu chất thải thu thập tại hiện trường vụ đổ thải đều có thành phần nguy hại, đặc biệt là benzene, gây ô nhiễm nguồn nước sạch. Trong quá trình điều tra, Công ty CTH thừa nhận là chủ quản lý nguồn chất thải nguy hại, và kết luận giám định chất thải đổ xuống Sông Đà có chứa chất thải nguy hại: limonene, cymene, mesitylene, xylene, ethylbenzen, toluene, benzen … và bột cao su. Về hàm lượng và số lần vượt ngưỡng chất thải nguy hại (đặc biệt là benzen). Hơn nữa, Công ty CTH đã từng bị Cục cảnh sát điều tra phòng chống TPMT xử phạt vi phạm hành chính về quản lý chất thải nguy hại. Tuy nhiên trong vụ án này, Công ty CTH thuê lái xe đổ chất thải ra môi trường không phải là người đại diện cho pháp nhân nên pháp nhân không bị xử lý TNHS mà chỉ xử lý TNHS đối với cá nhân người lái xe với hành vi đổ chất thải gây ô nhiễm môi trường theo Điều 235 BLHS. Qua vụ án, cho thấy thấy bất cập từ quy việc quy định điều kiện để PNTM phải chịu TNHS là phải “hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh, vì lợi ích, có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của PNTM”. Tuy nhiên tình tiết này chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Mặt khác, cơ quan tiến hành tố tụng chưa phân biệt rõ mức độ nguy hiểm của những hành vi khi nào xử lý hành chính và khi nào cần áp dụng chế tài hình sự. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chưa truy cứu TNHS của PNTM.
Thứ năm, đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường cần phải làm rõ một số hành vi sau khi định tội danh: i) Chứng minh có hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường xảy ra hay không và ai là người thực hiện hành vi phạm tội: pháp nhân thực hiện hay cá nhân thực hiện; ii) xác định thời gian xảy ra hành vi phạm tội để làm căn cứ lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội để áp dụng giải quyết vụ án hình sự; ii) làm rõ địa điểm xảy ra hành vi phạm tội để làm căn cứ lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật đang có phạm vi hiệu lực đối với lãnh thổ, khu vực nơi hành vi phạm tội xảy ra; iii) Chứng minh, làm rõ những tình tiết khác của hành vi phạm tội gây ô nhiễm môi trường là chứng minh làm rõ các tình tiết định khung hình phạt quy định tại khoản 1, 2, 3, 5 Điều 235 BLHS …