CÁCH XỬ LÝ KHI XUẤT HÓA ĐƠN 10% CHO HÀNG HÓA ĐƯỢC GIẢM THUẾ CÒN 8%


Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 44/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 về việc giảm thuế suất thuế GTGT khi bán ra từ 10% xuống 8% đối với một số ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa kịp thời cập nhật, đối chiếu, kiểm tra nên đã xuất hóa đơn GTGT 10% nhưng sau đó mới phát hiện hàng hóa, dịch vụ của DN được giảm thuế còn 8%.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định 44/2023/NĐ-CP thì: “Trường hợp cơ sở kinh doanh đã lập hóa đơn và đã kê khai theo mức thuế suất hoặc mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng chưa được giảm theo quy định tại Nghị định này thì người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Căn cứ vào hóa đơn sau khi xử lý, người bán kê khai điều chỉnh thuế đầu ra, người mua kê khai điều chỉnh thuế đầu vào (nếu có).”. Như vậy, khi xuất sai hóa đơn GTGT theo thuế suất 10% cho hàng hóa, dịch vụ thuộc diện được giảm thuế suất còn 8%, thì cần tiến hành điều chỉnh như sau:

1, Người bán và người mua xử lý hóa đơn đã lập theo quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ.

Căn cứ tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, người bán và người mua thỏa thuận với nhau để chọn 01 trong 02 cách giải quyết sau:

Cách 1: Lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót

– Bên bán lập hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót để gửi cho bên mua.

– Hóa đơn điện tử điều chỉnh hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Nội dung cần ghi trên hóa đơn điều chỉnh: Với điều chỉnh tăng thì ghi dấu dương, với điều chỉnh giảm thì ghi dấu âm đúng với thực tế điều chỉnh.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử không có mã) hoặc gửi cho cơ quan thuế cấp mã và sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử có mã).

Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh sai sót thì 02 bên ghi rõ sai sót trong văn bản thỏa thuận.

Cách 2: Lập hóa đơn điện tử mới thay thế

– Bên bán lập hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử có sai sót để gửi cho bên mua.

– Trường hợp bên bán và bên mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn ban đầu có sai sót 02 bên ghi rõ sai sót vào văn bản, sau đó người bán lập hóa đơn điện tử thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.

Hóa đơn điện tử mới thay thế hóa đơn điện tử đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.

Người bán ký số trên hóa đơn điện tử mới thay thế cho hóa đơn điện tử đã lập có sai sót sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử không có mã) hoặc gửi cho cơ quan thuế cấp mã và sau đó gửi cho người mua (đối với hóa đơn điện tử có mã).

Công ty Luật TNHH ThinkSmart


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *