GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG HỢP ĐỒNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI


I. Lời mở đầu

Trong xu thế nền kinh tế thị trường hiện nay, tranh chấp kinh doanh thương mại về hợp đồng diễn ra ngày càng phổ biến với tính chất phức tạp (nhất là trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại). Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định tương đối phù hợp với hoạt động nhượng quyền thương mại, tuy nhiên hoạt động trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập. Thực tiễn trên đòi hỏi phải thiết lập hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp đa dạng và hiệu quả nhằm giải quyết triệt để các mâu thuẫn, xung đột.

II. Nhượng quyền thương mại và tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại

Căn cứ quy định tại Điều 248 Luật Thương mại năm 2005, “Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:

1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;

2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.”

Như vậy, nhượng quyền thương mại có bản chất là hoạt động mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ theo điều kiện nhất định và thuộc sự kiểm soát của bên chuyển nhượng.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có khái niệm cụ thể về tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, xét về bản chất có thể hiểu: tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại là mâu thuẫn, bất đồng ý kiến giữa các bên tham gia quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trường hợp một trong các bên trong hợp đồng cố tình không thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận.

III. Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại

Về cơ bản, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại. Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản và phổ biến mà ThinkSmart đã tổng hợp, đúc rút từ quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý, cụ thể như sau:

Thứ nhất, do sự chủ quan của các bên trong quá trình đàm phán và giao kết hợp đồng. Thông thường, nhiều cá nhân có thói quen chỉ đọc lướt qua các điều khoản hoặc không tiến hành tìm hiểu, làm rõ nội hàm của các thuật ngữ pháp lý. Trong quá trình xây dựng hợp đồng, các bên không tiến hành đàm phán, thương thảo kỹ lưỡng mà thường dùng những mẫu hợp đồng sẵn có trên mạng Internet. 

Thứ hai, do bên mua quá tin tưởng vào lời quảng cáo, mời chào của bên bán mà không tìm hiểu kỹ lưỡng về hình thức nhượng quyền thương mại, cơ chế, cách thức vận hành trong từng trường hợp cụ thể. Điều này làm phát sinh tranh chấp trong việc quản lý chất lượng, đảm bảo tính đồng bộ.

Thứ ba, do các bên quá quan tâm đến lợi nhuận, lợi ích của mình mà bất chấp việc vi phạm quy định trong hợp đồng và pháp luật có liên quan. Cố tình không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của hợp đồng. Thông thường, mỗi điều khoản trong hợp đồng luôn tồn tại mối liên hệ nhất định với các điều khoản khác, khi một điều khoản nào đó bị vi phạm sẽ dẫn tới hàng loạt vi phạm khác kéo theo.

Thứ tư, hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam nhìn chung vẫn là vấn đề pháp lý mới mẻ. Có nhiều trường hợp, bên mua chỉ hiểu một cách đơn thuần hoạt động nhượng quyền tương đồng với việc mua bán hàng hóa, tài sản thông thường. Chính sự thiếu hiểu biết này là nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng – đặc biệt là trong việc xâm phạm về nhãn hiệu, bí mật kinh doanh…

Thứ năm, đối với các hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài thì tranh chấp phát sinh ngoài những nguyên nhân trên còn do: năng lực của doanh nghiệp trong quan hệ thương mại quốc tế còn nhiều hạn chế; sự thiếu hiểu biết về pháp luật và tập quán thương mại quốc tế,….

Thứ sáu, ngoài các nguyên nhân chủ quan nêu trên, tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại còn đến từ các nguyên nhân khách quan như: ảnh hưởng từ giá cả, tỷ giá, cung cầu hàng hóa, dịch vụ; ảnh hưởng từ thiên tai lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh,…

IV. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại

Các tranh chấp nói chung cũng như tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại nói riêng cần phải giải quyết thỏa đáng bằng những phương thức nhất định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và góp phần ngăn ngừa vi phạm hợp đồng. 

Về cơ bản, tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại có thể được giải quyết bằng nhiều phương thức khác nhau. Dưới đây là một số phương thức giải quyết cơ bản theo quy định của pháp luật:

Thứ nhất, giải quyết tranh chấp bằng thương lượng: là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua việc các bên tranh chấp cùng nhau bàn bạc, tự dàn xếp, tháo gỡ những bất đồng phát sinh để loại bỏ tranh chấp mà không cần có sự trợ giúp hay phán quyết của bất kì bên thứ ba nào.

Có thể nói, đây là phương thức giải quyết tranh chấp xuất hiện sớm nhất, thông dụng và phổ biến nhất. Thượng lượng được áp dụng rộng rãi để giải quyết mọi tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, nhất là trong hoạt động thương mại. Phương thức giải quyết tranh chấp này có ưu điểm là sự đơn giản trong cách thức thực hiện, ít tốn kém, không bị ràng buộc bởi những thủ tục pháp lý phức tạp, không làm phương hại đến quan hệ hợp tác của hai bên. Đồng thời, đảm bảo được uy tín cũng như bí mật trong kinh doanh.

Thứ hai, giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa giải: là phương thức giải quyết tranh chấp với sự tham gia của bên thứ ba làm trung gian hoà giải để hỗ trợ, thuyết phục các bên tranh chấp tìm kiếm các giải pháp nhằm loại trừ tranh chấp đã phát sinh. Thông thường, việc hoà giải được tiến hành sau khi thương lượng giữa các bên đã không đạt được kết quả.

Về bản chất, hòa giải là một biện pháp mềm dẻo, linh hoạt, hiệu quả giúp cho các bên tranh chấp tìm ra một phương pháp thống nhất để tháo gỡ mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ pháp luật. Hòa giải là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống, phù hợp với tâm lý, tình cảm và văn hóa của người Việt Nam. Đây là phương thức giúp giải quyết tranh chấp triệt để, nhanh chóng, ít tốn kém. Tuy nhiên điểm hạn chế cố hữu là việc thực hiện các nội dung trong văn bản hòa giải phụ thuộc vào ý chí của mỗi bên, không có tính chất cưỡng chế. Dẫu vậy, với các điểm ưu việt nêu trên đã cho thấy hòa giải có vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại.

Thứ ba, giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Phán quyết của trọng tài có hiệu lực chung thẩm, đảm bảo phát sinh hiệu lực từ thời điểm ban hành. Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại có ưu điểm là thủ tục nhanh gọn, ít rườm rà, đảm bảo được bí mật kinh doanh và uy tín, danh dự của các cá nhân và tổ chức tham gia.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại (trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại) và các tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. Ngoài ra, để trọng tài thụ lý và giải quyết tranh chấp đòi hỏi các bên phải thiết lập  Thỏa thuận trọng tài (là thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên cam kết lựa chọn giải quyết bằng trọng tài các vụ tran.

Thứ tư, giải quyết tranh chấp tại tòa án: đây là phương thức giải quyết tranh chấp tại cơ quan xét xử nhân danh quyền lực nhà nước, được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ và bản án hay quyết định của tòa án về vụ tranh chấp nếu không có sự tự nguyện tuân thủ sẽ được đảm bảo thi hành bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước…

Phương thức giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án là một phương thức mang ý chí quyền lực nhà nước. Tòa án nhân danh nhà nước để giải quyết tranh chấp trên cơ sở các quy định của pháp luật. Quyết định của tòa án có hiệu lực khiến các bên bắt buộc phải thực thi; và có thể kèm theo các biện pháp cưỡng chế thi hành. 

V. Kết luận

Trên đây là tổng hợp các nội dung cơ bản về tranh chấp trong hợp đồng nhượng quyền thương mại và các phương thức giải quyết. Căn cứ vào tính chất, mức độ, lĩnh vực tranh chấp mà các bên có thể cân nhắc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp. Có thể nói, mặc dù mỗi phương thức đều tồn tại những mặt ưu điểm và hạn chế nhất định. Tuy nhiên xét về mặt tổng thể, các phương thức nêu trên luôn có mối liên hệ, bổ trợ lẫn nhau. Góp phần đảm bảo việc giải quyết tranh chấp triệt để, hiệu quả, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

[1] Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình luật thương mại – Phần chung và thương nhân, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2] Luật Thương mại 2005 số 36/2005/QH11.
[3] Luật trọng tài thương mại số54/2010/QH12.
[4] Nghị định 35/2006/NĐ-CP về về hoạt động nhượng quyền thương mại

TRẦN TRỌNG NAM

Công ty Luật TNHH Thinksmart

NGUYỄN VĂN SƠN

Công ty Luật TNHH Thinksmart


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *