TU BỔ, PHỤC HỒI DI TÍCH PHẢI TUÂN THỦ NHỮNG NGUYÊN TẮC NÀO?


Hỏi:

Những nguyên tắc nào cần phải tuân thủ khi thực hiện tu bổ, phục hồi di tích?

Nội dung tư vấn:

Di tích lịch sử là một phần trọng yếu của di sản văn hóa vật thể Việt Nam. Di tích không chỉ là những dấu ấn “sống” về sự biến động, thăng trầm của lịch sử Việt Nam qua nhiều thời kỳ mà còn là nguồn lực to lớn trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, trong đó xác định bảo tồn cổ tích là việc rất cần cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam. Với ý nghĩa lịch sử của Sắc lệnh này, công tác tu bổ, phục hồi di tích luôn được Nhà nước ta chú trọng triển khai. 

Việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành quy chế về bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích (theo Điều 34 Luật Di sản văn hóa). Căn cứ  quy định tại Nghị định số 70/2012/NĐ-CP về “Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh”, hoạt động lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau:

– Tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng, di sản văn hóa, các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các quy định pháp luật khác có liên quan.

– Phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi khu vực quy hoạch đã được phê duyệt nhằm đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, thống nhất và hài hòa về hình thái không gian, kiến trúc khu vực, đảm bảo môi trường cảnh quan bền vững, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong khu vực.

– Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải được lập, phê duyệt với định hướng lâu dài từ 10 năm đến 20 năm để làm cơ sở cho các hoạt động đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi, khai thác, phát huy giá trị di tích. Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải phân thành định kỳ 5 năm kể từ năm 2010 để đánh giá lại, xem xét điều chỉnh (nếu cần thiết) nhằm phù hợp với thực tiễn bảo vệ di tích, với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt còn hiệu lực hoặc đã thực hiện.

– Quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải xuất phát từ nhiệm vụ giữ gìn tối đa các yếu tố gốc của di tích để phát huy giá trị. Đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp về không gian kiến trúc, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, môi trường cảnh quan trong khu vực quy hoạch, dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật.

– Dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích và phù hợp với quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Trong đó: Báo cáo kinh tế – kỹ thuật bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích có quy mô nhỏ được lập theo quy định của Luật Xây dựng và các văn bản quản lý đầu tư xây dựng cần phải tuân thủ trong thời gian lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật. Quy chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là các quy định bắt buộc áp dụng trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch ban hành. Tiêu chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích là chuẩn mực kỹ thuật, định mức kinh tế – kỹ thuật, trình tự thực hiện các công việc kỹ thuật, các chỉ tiêu, các chỉ số kỹ thuật, các chỉ số tự nhiên được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận để áp dụng trong hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Tiêu chuẩn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gồm tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng.

Công ty luật ThinkSmart


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *