Doanh nghiệp xã hội là một xu thế mới xuất hiện ở Việt Nam và đã có những phát triển ngày càng tăng trong vài năm trở lại đây. Doanh nghiệp xã hội về cơ bản cũng giống như các doanh nghiệp khác thực hiện các hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường, doanh nghiệp xã hội được hình thành nhằm giải quyết vấn đề xã hội hay môi trường cụ thể thông qua mô hình kinh doanh thực sự bền vững chứ không chỉ nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư.
1. Khái niệm về doanh nghiệp xã hội
Cho đến nay, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng không đưa ra định nghĩa cụ thể như thế nào về doanh nghiệp xã hội nhưng có các tiêu chí để xác định doanh nghiệp xã hội. Qua đó, ta có thể hiểu Pháp luật về doanh nghiệp xã hội là hệ thống các quy phạm quy luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh trong việc thành lập, hoạt động của mô hình kinh doanh nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, sự hỗ trợ và giám sát của cơ quan nhà nướcđối với các doanh nghiệp xã hội. Trên thực tế, mô hình doanh nghiệp xã hội rất linh hoạt và chia làm 3 loại cơ bản: (i) Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận; (ii) Doanh nghiệp xã hội không phi lợi nhuận; (iii) Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận.
2. Đặc điểm của doanh nghiệp xã hội
Dựa vào phân tích ở trên, nhìn chung doanh nghiệp xã hội có 3 đặc điểm nổi bật: Thứ nhất, đặt mục tiêu, sứ mệnh xã hội lên hàng đầu ngay từ khi thành lập. Mỗi doanh nghiệp được lập ra để giải quyết mục tiêu xã hội cụ thể, phục vụ cho một cộng đồng hay nhóm xã hội được công nhận, chứ không phải phục vụ cho cá nhân.
Thứ hai, họ sử dụng hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như một phương tiện để đạt được mục tiêu xã hội. Hoạt động kinh doanh là nét đặc thù cùng như thế mạnh của doanh nghiệp xã hội so cới các tổ chức phi chính phủ, phi lơi nhuận, các quỹ từ thiện bởi các tổ chức này chủ yếu nhận tài trợ và thực hiện các chương trình xã hội.
Thứ ba, tái phân bổ phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trở lại cho tổ chức, cộng đồng và mục tiêu xã hội. Mô hình doanh nghiệp xã hội đòi hỏi lợi nhuận phải được tái phân phối trở lại cho hoạt động của tổ chức hoặc cho cộng đồng là đối tượng hưởng lợi.
Ngoài những đặc điểm nổi bật nêu trên, hầu hết doanh nghiệp xã hội còn có một số đặc điểm khác như: (i) Cơ cấu sở hữu mang tính xã hội; (ii) Phục vụ nhu cầu của nhóm đáy tháp xã hội; (iii) Sáng kiến kinh doanh từ cơ sở; (iv) Tính cởi mở và liên kết; (v) Chấp nhận rủi ro cao.
3. Vai trò và ý nghĩa về doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp xã hội được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp điều chỉnh pháp luật về doanh nghiệp xã hội có vai trò quan trọng trong công cuộc thực hiện mục tiêu xã hội và được điều chỉnh bằng pháp luật thể hiện một bước phát triển của mô hình này trong xã hội, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mang tính sáng tạo phù hợp với nhu cầu của cộng đồng có hoàn cảnh đặc biệt (người khuyết tật, người HIV/AIDS…).
Bên cạnh đó còn ghi nhận mô hình doanh nghiệp xã hội trong Luật Doanh nghiệp giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho mô hình này hoạt động với mục đích xã hội, tạo cơ hội hòa nhập xã hội cho các cá nhân và cộng đồng yếu thế thông qua các chương trình đào tạo phù hợp, tạo cơ hội việc làm.
Ngoài ra, đưa ra các giải pháp mới cho những vấn đề xã hội chưa được đầu tư rộng rãi như biến đổi khí hậu, năng lượng thay thế, tái chế…
4. Một số thuận lợi và hạn chế trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam
4.1. Thuận lợi trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam
Vào năm 2014 pháp luật Việt Nam đã thừa nhận loại hình doanh nghiệp xã hội dựa trên Luật Doanh nghiệp 2014 và được kế thừa và phát triển trong Luật Doanh nghiệp 2020 nhằm phát triển xã hội vì môi trường và các sự án cộng đồng. Bên cạnh đó, còn có thêm những văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Nghị định 96/2015/NĐ-CP, Thông tư 04/2016/TT BKHĐT… Qua đó, họ được hưởng khá nhiều ưu đãi như chủ đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi, xem xét hỗ trợ khi cần cấp giấy phép, chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện mục tiêu của mình và họ được hưởng chính sách ưu đã về thuế và các chính sách khác tùy theo ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.
Tiếp theo, phạm vi hoạt động của doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay rất phong phú và đa dạng. Các doanh nghiệp xã hội vừa có phạm vi hoạt động trong nước vừa có phạm vi hoạt động nước ngoài, vừa hoạt động ở nông thôn lại vừa hoạt động ở thành phố. Theo Báo cáo nghiên cứu “Hiện trạng Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam”9, có đến 50% doanh nghiệp xã hội có trụ sở tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Gần 50% còn lại hoạt động ở khu vực nông thôn. Doanh nghiệp xã hội không chỉ hoạt động tại Việt Nam mà còn có tham vọng vươn lên tầm quốc gia và quốc tế.
Theo số liệu từ hệ thống của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 4 năm 2020, số lượng doanh nghiệp xã hội, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp xã hội đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh chủ yếu vẫn tập trung ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác. Có thể thấy xã hội cũng ghi nhận nhiều thành công và hiệu quả từ sáng kiến và hoạt động của các doanh nghiệp xã hội. Tiêu biểu có thể kể đến Trường trung cấp Kinh tế du lịch Hoa Sữa, Nhà hàng Koto, Dự án mGreen; Dự án sân chơi Phiêu lưu của Think Playground; Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số; Hợp tác xã rau an toàn Tây Bắc (Hòa Bình), Sapa O’Châu, Hợp tác xã Cộng đồng Dao Đỏ Tả Phìn (Lào Cai)…
Theo Báo cáo nghiên cứu Hiện trạng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam cho thấy, doanh nghiệp xã hội có hình thức pháp lý đa dạng. Một số được đăng ký dưới hình thức hoạt động là doanh nghiệp xã hội, trong khi những doanh nghiệp khác được coi như doanh nghiệp tư nhân thông thường. Các hoạt động dưới hình thức hợp tác xã hoặc các hình thức khác. Theo số liệu từ Hệ thống của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 4 năm 2020, hình thức pháp lý mà doanh nghiệp xã hội đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh chủ yếu là công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
Bên cạnh đó, Ngoài các khoản viện trợ theo quy định, doanh nghiệp xã hội được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
4.2. Một số hạn chế trong việc tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam
Theo Báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam – Khái niệm, bối cảnh và chính sách” ngày 16/5/2012, ở nước ta gần 200 tổ chức được xem có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội. Còn theo số liệu từ hệ thống của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 4 năm 2020, có khoảng 114 doanh nghiệp xã hội và chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp xã hội đăng ký hoạt động với cơ quan đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều tổ chức có đầy đủ các đặc điểm và hoạt động giống như doanh nghiệp xã hội nhưng chưa tiến hành đăng ký. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hành lang pháp lý và chính sách phát triển doanh nghiệp xã hội chưa thực sự tạo ra sức hút lớn đối với với các nhà đầu tư. Thậm chí, một số quy định pháp luật đã thể hiện rõ sự bất cập, gây nên tâm lý e dè cho các nhà đầu tư khi quyết định đăng ký thành lập theo mô hình doanh nghiệp xã hội. Quan niệm về doanh nghiệp xã hội chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; vị trí của nó được nhìn nhận chưa đúng, chính sách ưu đãi, hỗ trợ dành riêng cho doanh nghiệp xã hội còn nghèo nàn, mờ nhạt.
Trước hết là các quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp xã hội còn ít và hạn chế cũng như quy định còn chưa chặt chẽ nên các doanh nghiệp muốn thành lập hay chuyển đổi sang loại hình này đều còn khá bỡ ngỡ và lo lắng để vận hành doanh nghiệp kết hợp giữa mục tiêu xã hội và hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận và huy động vốn đầu tư thương mại còn hạn chế vì đa phần các doanh nghiệp xã hội được thành lập từ các cá nhân có sứ mệnh phục vụ xã hội nên vốn đầu tư ban đầu đa phần là vốn tự đóng với quy mô nhỏ; mà đặc thù lại không vì mục tiêu lợi nhuận nên không thu hút được các nhà đầu tư thương mại. Nhiều doanh nghiệp không tuyên bố đăng ký hoặc không thừa nhận doanh nghiệp xã hội bởi việc phải cam kết tái đầu tư 51% lợi nhuận dù được công nhận bởi số đông cộng đồng là doanh nghiệp phục vụ mục tiêu xã hội hoặc môi trường.
Tiếp theo, phạm vi, lĩnh vực và ngành nghề hoạt động của doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam chưa được bố trí đồng đều, khiến Nhà nước gặp nhiều khó khan trong quản lý dân cư và giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức và hoạt động, như thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính. Doanh nghiệp xã hội kinh doanh trên các thị trường có rủi ro cao, lãi suất tài chính thấp nên không hấp dẫn các nhà đầu tư thương mại, do đó, khả năng tiếp cận, huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại rất hạn chế.
Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng về doanh nghiệp xã hội còn hạn chế. Hiện nay, vẫn còn nhiều cá nhân, tổ chức chưa biết đến mô hình doanh nghiệp xã hội; vì vậy, chưa nhìn nhận đúng vị trí, vai trò của nó đối với nền kinh tế – xã hội. Vì vậy, doanh nghiệp xã hội thiếu đi sự cảm thông, chia sẻ, ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần từ cộng đồng. Ngoài ra, bên cạnh những doanh nghiệp xã hội hoạt động lành mạnh thì có những doanh nghiệp tổ chức, cá nhân lợi dụng niểm tin của mọi người, các nhà hảo tâm, nhà tài trợ nên cũng làm giảm uy tín của doanh nghiệp.
Tại Việt Nam hiện nay đang thực hiện theo chủ trương tăng cường công tác “hậu kiểm”, tuy nhiên khi triển khai thực hiện chủ trương nay nhiều địa phương cũng chưa thực sự làm tốt, vẫn để tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác đăng ký kinh doanh diễn ra hàng năm.
5. Kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về doanh nghiệp xã hội tại việt nam
Nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới, nước ta cần phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về doanh nghiệp nói chung và pháp luật về doanh nghiệp xã hội nói riêng.
Thứ nhất, pháp luật về doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng được các yêu cầu sau: (i)Tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy doanh nghiệp xã hội ra đời, phát triển và làm tròn sứ mệnh của nó đối với xã hội; (ii)Là căn cứ pháp lý vững chắc để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng của mình đối với doanh nghiệp xã hội một cách hiệu quả nhất; (iii)Khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức tham gia thành lập doanh nghiệp xã hội. Khi mô hình doanh nghiệp xã hội phát triển cả về số lượng và chất lượng, gánh nặng với Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường sẽ được giảm tải; (iv)Đảm bảo sự bình đẳng trong tổ chức và hoạt động giữa doanh nghiệp xã hội với các chủ thể kinh doanh khác; (v)Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm quyền tự do, dân chủ và bình đẳng của công dân.
Thứ hai, cần quy định rõ khái niệm/định nghĩa về doanh nghiệp xã hội, bởi quy định theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 96/2015/NĐ-CP quy định “Tên doanh nghiệp xã hội được đặt theo quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 Luật Doanh nghiệp và có thể bổ sung them cụm từ ‘xã hội’ vào tên riêng của doanh nghiệp” còn gây khó khăn trong công tác quản lý và đăng ký kinh doanh đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa thủ tục đăng ký, cụ thể hóa các trường hợp phải báo cáo cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường; thay đổi cách giám sát và cần có quy định thống nhất về chế độ ưu đãi đối với doanh nghiệp xã hội, đặc biệt là có chế tài áp dụng đối với các hành vi vi phạm cũng như hợp tác phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật.
Thứ ba, để đảm bảo doanh nghiệp xã hội hoạt động hiệu quả và minh bạch trong quản lý, sử dụng tài chính, Nhà nước cũng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động, việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp xã hội đối với các mục tiêu theo đuổi. Theo đó, cần có sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chuyên ngành trong việc giám sát quá trình hoạt động và đăng ký doanh nghiệp xã hội nhằm đảm bảo sự xuyên suốt trong thực hiện các cam kết của doanh nghiệp xã hội. Chế độ báo cáo phải kịp thời, minh bạch và có chế tài đủ mạnh khi doanh nghiệp xã hội nào phá bỏ cam kết những mục tiêu đã theo đuổi hoặc không duy trì, không đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều lệ doang nghiệp xã hội thì cơ quan quản lý nhà nước có thể thu hồi được phần tài chính còn lại đã tài trợ, viện trợ cho doanh nghiệp xã hội đó để chuyển tiếp cho các doanh nghiệp xã hội khác đang theo đuổi mục tiêu vì xã hội, cộng đồng.
Thứ tư, cần công nhận một hệ thống tiêu chuẩn chứng nhận riêng cho doanh nghiệp xã hội và tiến hành phân loại, cấp nhãn hiệu chứng nhận cho từng loại doanh nghiệp xã hội.
Thứ năm, hoạt động doanh nghiệp xã hội ở nước ta hiện nay còn gặp nhiều khó khăn vì thế việc tăng cường hỗ trợ của nhà nước, của các doanh nghiệp phát triển trong nước và quốc tế sẽ giúp rất nhiều cho các doanh nghiệp xã hội và doanh nhân xã hội. Bên cạnh đó, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của doanh nghiệp xã hội nhằm nâng cao nhận thức, sự thừa nhận và tạo sự hỗ trợ từ các nhà hoạch định chính sách và từ công chúng. Cuối cùng, cần sớm thành lập cơ quan chuyên trách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội trong tổ chức và hoạt động. Thông qua cơ quan này, doanh nghiệp xã hội sẽ được định hướng trong việc lựa chọn lĩnh vực, địa bàn để giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường. Bên cạnh cạnh đó, cơ quan này còn giúp các doanh nghiệp xã hội tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức và hoạt động, ví dụ như: Hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn vay; thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại; đào tạo đội ngũ quản lý… Có như vậy, các doanh nhân xã hội, các doanh nghiệp xã hội mới dễ dàng nắm bắt được các thông tin thiết yếu để thúc đẩy phát triển và làm tròn sứ mệnh của họ và sự mong đợi của toàn xã hội.