QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG


Phòng vệ chính đáng là một hành vi bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, cơ quan, tổ chức nhằm chống trả lại các hành vi xâm phạm đến lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, việc vượt quá phòng vệ chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

  1. Thế nào là hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Theo khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự 2015: “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.” Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như:

  • Khách thể cần bảo vệ; 
  • Mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra;
  • Vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; 
  • Nhân thân của người xâm hại;
  • Cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ;
  • Hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc;
  • Tâm lý của người phải phòng vệ: Họ có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp hay không, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ;

Việc xác nhận một hành vi có phải là vượt quá phòng vệ chính đáng hay không thì phải xem xét nhiều tình tiết khác nhau vì khoảng cách giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng là rất mong manh.

2. Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể bị xử lý bằng những hình thức nào

Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự của họ được giảm nhẹ hơn so với các trường hợp bình thường. Mức độ trách nhiệm hình sự được giảm nhẹ nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ vượt quá và các tình tiết giảm nhẹ khác. Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể xử lý bằng các hình thức như:

  • Hình thức phạt tiền;
  • Hình thức cải tạo không giam giữ;
  • Hình thức phạt tù.

3. Khi nào hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Trách nhiệm hình sự chỉ đặt ra khi hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây nên thiệt hại đáng kể cho người có hành vi xâm hại và có đủ yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015:

* Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015.

Để xác định hành vi vượt quá giới hạn của người phòng vệ bị quy vào tội giết người thì phải xác định:

  • Mục đích của hành vi đó, nếu người phòng vệ thực hiện hành vi đó với mục đích nhắm tước đoạt tính mạng của nạn nhân thì được xác định là tội giết người.
  • Yếu tố lỗi, người phạm tội phải có mong muốn hậu quả chết người xảy ra, nếu hậu quả chết người không xảy ra thì được xác định là giết người chưa đạt. Trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình có khả năng làm chết người mà bỏ mặc cho hậu quả xảy ra, dẫn đến chết người thật thì được xác định là tội giết người.
  • Mức độ tấn công dồn dập, mạnh bạo, vị trí tấn công hiểm hóc dễ chết người, vũ khí sử dụng sắc bén.

Như vậy, nếu bị quy vào tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì người phạm tội sẽ phải chịu mức phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp phạm tội đối với 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

* Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015.

Để xác định hành vi vượt quá giới hạn phòng về bị quy vào tội cố ý gây thương tích hay không thì phải dựa trên những điều kiện sau:

  • Mục đích của hành vi đó chỉ nhằm gây tổn hại đến thân thể nạn nhân, việc nạn nhân bị thương tật hay dẫn đến chết người nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội thì xác định là có ý gây thương tích
  • Yếu tố lỗi, nếu là phạm tội cố ý gây thương tích thì người phạm tội chỉ mong muốn hoặc bỏ mặc cho hậu quả thương tích xảy ra. Trường hợp người phạm tội nhận thức được hành của mình có năng gây chết người mà bỏ mặc hậu quả xảy ra thủ nếu hậu quả là nạn nhân bị thương tích thì định tội cố ý gây thương tích.
  • Mức độ cường đồ tấn công, vị trí tác động trên cơ thể, vũ khí sử dụng… là những yếu tố quan trọng nhưng cần phải có sự xác minh của cơ quan điều tra

Như vậy, nếu bị quy vào tội cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì tuy vào mức độ thương tích mà nạn nhân phải hứng chịu để xác định mức hình phạt hợp lý. Nếu tỷ lệ tổn thương có thể từ 31% đến 60% thì người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 – 20.000000 VND hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Nếu tỷ lệ tồn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây thương tích cho 2 người trở lên mà mỗi người có tỷ lệ từ 31% đến 60% thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu phạm tội và gây tổn thương cơ thể cho từ 2 người trở lên với tỷ lệ mỗi người trên 61% hoặc dẫn đến chết người thì sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *