Từ 01/01/2021: Điều kiện kinh doanh bất động sản được “nới lỏng”


Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) với nhiều điểm mới nổi bật. Trong đó, sửa đổi điều kiện kinh doanh bất động sản tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

1. Bãi bỏ điều kiện vốn pháp định không thấp hơn 20 tỉ đồng

Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Kinh doanh bất sản 2014 được hướng dẫn bởi Mục 1 Chương II Nghị định 76/2015/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỉ đồng, trừ các trường hợp sau:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên quy định tại Điều 5 Nghị định 76/2015/NĐ-CP;

– Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản 2014.

Tuy nhiên, tại Điểm a Khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư 2020 (chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Kinh doanh bất sản 2014.

Như vậy, có thể thấy, Luật Đầu tư 2020 đã bãi bỏ điều kiện “phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng” đối với tổ chức cá nhân kinh doanh bất động sản.

2. Trường hợp kinh doanh BĐS không phải thành lập doanh nghiệp hoặc HTX

Do đó, từ ngày 01/01/2021, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chỉ phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và không cần phải đáp ứng điều kiện có vốn pháp định tối thiểu 20 tỷ đồng, trừ các trường hợp sau đây không phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên;

– Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2020 cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, cụ thể:

– Đối với dự án bất động sản được chấp thuận nhà đầu tư hoặc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, thẩm quyền, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư;

– Đối với dự án bất động sản không thuộc trường hợp nêu trên, thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản thực hiện như sau: Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư; UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do UBND cấp tỉnh quyết định việc đầu tư.

Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Theo Luật sư Việt Nam


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *