Pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định rõ về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu – đối tượng gắn liền với các hoạt động kinh doanh. Nếu như sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp là những đối tượng có khả năng được áp dụng trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị phục vụ cho đời sống con người thì nhãn hiệu được xem như chiếc cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra là: Vậy việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu có cần thiết hay không?
Việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp mà cụ thể ở đây là đăng ký nhãn hiệu không phải là nghĩa vụ bắt buộc của cá nhân, tổ chức đang sử dụng nhãn hiệu đó. Tuy nhiên, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường ngày nay thì việc nắm giữ quyền bảo hộ nhãn hiệu là một điều cần thiết.
Điểm a, Khoản 3, Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ quy định rõ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của Cục Sở hữu trí tuệ theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.
Việc đăng ký văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là cách thức để công khai hoá tình trạng của loại tài sản vô hình này (nhãn hiệu) đối với các chủ thể khác, là cách thức để thông báo tài sản này đã thuộc về một chủ thể xác định (cá nhân, tổ chức), qua đó tránh tình trạng quyền bảo hộ nhãn hiệu bị người khác chiếm đoạt mà không có căn cứ chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nếu cá nhân đã đầu tư rất nhiều công sức, tài chính để tạo ra một nhãn hiệu của riêng mình nhưng lại không tiến hành đăng ký quyền cho đối tượng đó thì sẽ không được pháp luật bảo hộ trong trường hợp có người khác chiếm đoạt hoặc đăng ký trước.
Từ các căn cứ nêu trên có thể thấy, mặc dù thủ tục đăng ký nhãn hiệu không bắt buộc. Tuy nhiên, chủ sở hữu vẫn nên đăng ký bảo hộ để tránh bị các cá nhân, tổ chức khác xâm phạm, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp cũng như hoạt động kinh doanh.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty luật ThinkSmart về bảo hộ nhãn hiệu dưới góc độ pháp lý của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện hành. Cảm ơn Quý vị đã quan tâm và đón đọc. Để nhận tư vấn pháp luật, mời Quý vị kết nối với Luật sư ThinkSmart qua số điện thoại 1900 636391. Trân trọng./