HỎI: Em trai tôi (21 tuổi) đã thực hiện hành vi và cấu thành tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 BLHS năm 2015, hiện nay đang bị tạm giam điều tra. Mặc dù không có yêu cầu từ em trai tôi, nhưng gia đình tôi đã tự nguyện bồi thường thiệt cho gia đình nạn nhân. Xin hỏi, tình tiết gia đình tôi đã tự nguyện bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân có được coi là tình tiết giảm nhẹ cho em trai tôi khi quyết định hình phạt không?
NỘI DUNG TƯ VẤN:
Tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, trước kia được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS năm 1999.
Mục 1 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự (hiện nay vẫn còn hiệu lực thi hành) hướng dẫn về tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 của BLHS năm 1999 như sau:
“1.1. Cũng được áp dụng tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị cáo là người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
b) Bị cáo là người từ đủ 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội và cha, mẹ của họ đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nếu bị cáo không có tài sản;
c) Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận, nếu số tiền, tài sản đó đã được giao cho cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác quản lý để thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
d) Bị cáo (không phân biệt là người đã thành niên hay người chưa thành niên) hoặc cha, mẹ của bị cáo chưa thành niên xuất trình được chứng cứ chứng minh là họ đã tự nguyện dùng tiền, tài sản để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, nhưng người bị hại, nguyên đơn dân sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối nhận và họ đã đem số tiền, tài sản đó về nhà cất giữ để sẵn sàng thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu;
đ) Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác (vợ, chồng, con, anh, chị, em, bạn bè…) sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra;
e) Bị cáo không có trách nhiệm sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra (ví dụ việc bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ) nhưng đã tự nguyện dùng tiền, tài sản của mình để sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả hoặc đã tích cực tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả (nếu bị cáo không có tài sản để bồi thường) và những người này đã thực hiện việc sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
1.2. Đối với các trường hợp được hướng dẫn tại các điểm đ và e tiểu mục 1.1 mục 1 này mà bị cáo không có việc tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, nếu những người này đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra thì bị cáo chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của BLHS. ”
Như vậy, trong trường hợp trên, em trai bạn (21 tuổi) đã không có yêu cầu, không có tác động, đề nghị cha, mẹ hoặc người khác sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, tuy nhiên, cha, mẹ (gia đình em trai bạn) đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của em trai ban gây ra thì tình tiết này vẫn được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên chỉ được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 46 của BLHS năm 1999 trước kia, khoản 2 Điều 51 BLHS năm 2015 hiện hành, đó là việc Tòa án coi tình tiết này là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải nói rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.
Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp