QUAY PHIM, CHỤP ẢNH, VẼ SƠ ĐỒ ĐỊA ĐIỂM CẤM, KHU VỰC CẤM LIÊN QUAN ĐẾN QUỐC PHÒNG, AN NINH BỊ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH NHƯ THẾ NÀO?


Hỏi:

Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh? Sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép bị phạt bao nhiêu tiền?

Nội dung tư vấn:

Bí mật an ninh quốc phòng là một trong những bí mật quốc gia cần phải được giữ kín không được tiết lộ, phải bảo quản theo những quy định của Nhà nước và chỉ có những người có thẩm quyền mới được biết về những bí mật an ninh quốc phòng.

Theo Điều 7 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, các thông tin về quốc phòng, an ninh, cơ yếu gồm:

a) Chiến lược, kế hoạch, phương án, hoạt động bảo vệ Tổ quốc, phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; chương trình, dự án, đề án đặc biệt quan trọng;

b) Tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng cơ yếu;

c) Công trình, mục tiêu về quốc phòng, an ninh, cơ yếu; các loại vũ khí, khí tài, phương tiện quyết định khả năng phòng thủ đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; sản phẩm mật mã của cơ yếu

Bên cạnh đó, các khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh là khu vực được xác định theo quy định của pháp luật về quốc phòng, an ninh tại Khoản 8 Điều 2 Nghị định 31/2021/NĐ-CP gồm:

a) Khu vực có công trình quốc phòng, an ninh, khu quân sự, khu vực cấm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình quốc phòng và khu quân sự theo pháp luật về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự;

b) Khu vực giáp ranh các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật, văn hóa, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ theo pháp luật về cảnh vệ;

c) Công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia và hành lang bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia theo pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia;

d) Khu kinh tế – quốc phòng theo quy định của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế – xã hội và kinh tế – xã hội với quốc phòng;

đ) Khu vực có giá trị về phòng thủ quân sự, quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế – xã hội;

e) Khu vực không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở để bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Ngày nay, thông tin công nghệ số ngày càng phát triển, mạng xã hội trở thành một trong những nguồn cung cấp thông tin cho người dân. Tuy nhiên, không phải thông tin nào trên mạng xã hội cũng chuẩn, mang tính tích cực, lành mạnh. Nếu đó là những thông tin tiêu cực, độc hại sẽ như thứ “đại dịch” lây lan, gây ra những tác hại không nhỏ đối với môi trường thông tin, môi trường văn hóa xã hội. Cũng chính vì vậy mà công tác bảo mật bí mật an ninh quốc phòng ngày càng chặt chẽ.

Nhà nước ta đã ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình”, trong đó tại Khoản 5 Điều 7 có quy định về xử phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;

c) Quay phim, chụp ảnh, vẽ sơ đồ địa điểm cấm, khu vực cấm liên quan đến quốc phòng, an ninh;

d) Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Sàm sỡ, quấy rối tình dục;

e) Khiêu dâm, kích dục ở nơi công cộng;

g) Thực hiện thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có chủng loại hoặc chất lượng không phù hợp với loại sản phẩm đã đăng ký theo giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp;

h) Sử dụng tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại khi không được phép.”

Bên cạnh đó, theo Khoản 13 Điều 7 Nghị định này cũng quy định về hình thức xử phạt bổ sung như sau:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, d, đ và g khoản 2; điểm đ khoản 3; các điểm b, e và i khoản 4; các điểm a, b và c khoản 5; các khoản 6 và 10 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép của cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng, thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm h và i khoản 3 và khoản 9 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng phép bay từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 6, 7, 8 và 11 Điều này;

d) Trục xuất đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm c, e và g khoản 4 Điều này.”

Theo đó, hành vi vi phạm quy định trên sẽ bị phạt từ 05 triệu đến 08 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Công ty luật ThinkSmart

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Thư viện pháp luật


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *