GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA NGƯỜI LAO ĐỘNG, TẬP THỂ LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2019


Hỏi: 

Do những bất đồng giữa các thành viên trong công ty, trụ sở công ty cha tôi bị niêm phong khiến cho nhiều người lao động không nhận được sổ bảo hiểm đúng thời hạn. Sự việc này khiến 19 người lao động như cha tôi ở tuổi nghỉ hưu mà không được thanh toán các khoản bảo hiểm theo luật định. Hiện nay, pháp luật có những cơ chế gì bảo vệ quyền lợi cho những người như ba tôi hay không?

Nội dung tư vấn

Theo như bạn trình bày, bạn không cung cấp thông tin là cha của bạn hay cả 19 người lao động như cha của bạn muốn yêu cầu bảo vệ quyền lợi lao động của mình nên chúng tôi chia thành những trường hợp sau:

* Tranh chấp lao động cá nhân (giữa bố bạn và người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi ích của bố bạn:

Theo Điều 187 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân 

“Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

1. Hòa giải viên lao động;

2. Hội đồng trọng tài lao động;

3. Tòa án nhân dân.”

Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động và hội đồng trọng tài lao động được quy định lần lượt tại Điều 188, 189 Bộ luật Lao động 2019.

Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân quy định tại Điều 190 Bộ luật Lao động 2019:

“Điều 190. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

4. Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.”

* Trường hợp tranh chấp lao động tập thể (bảo vệ quyền và lợi ích của bố bạn và 19 công nhân)

Theo khoản 2,3 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019:

“2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động phát sinh trong trường hợp sau đây:

a) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác;

b) Có sự khác nhau trong việc hiểu và thực hiện quy định của pháp luật về lao động;

c) Khi người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động vì lý do thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động; can thiệp, thao túng tổ chức đại diện người lao động; vi phạm nghĩa vụ về thương lượng thiện chí.

3. Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

a) Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;

b) Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.”

Theo thông tin bạn cung cấp, trường hợp của bố bạn và 19 công nhân thuộc tranh chấp lao động tập thể về quyền. Do đó, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền quy định tại Điều 191 Bộ luật Lao động 2019: 

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:

a) Hòa giải viên lao động;

b) Hội đồng trọng tài lao động;

c) Tòa án nhân dân.

2. Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.”

Trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền được quy định tại Điều 192, Điều 193 Bộ luật Lao động 2019.

Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền:

Điều 194. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền

1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động tập thể về quyền là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.

3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền hợp pháp của mình bị vi phạm.”

Công ty luật ThinkSmart

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *