THẾ CHẤP Ô TÔ TẠI NGÂN HÀNG, ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM Ở ĐÂU?


Hỏi: Tôi đã thế chấp ô tô tại Ngân hàng để vay vốn, tôi có thể đăng ký biện pháp bảo đảm ở đâu?

Nội dung tư vấn: 

Tài sản mà bạn dùng để đăng ký biện pháp bảo đảm là ô tô. Theo Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về động sản và bất động sản thì ô tô là động sản. Do đó, bạn cần thực hiện thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản.

Trình tự, thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản quy định tại Điều 5, Điều 9, Điều 12, Điều 14, Điều 16, Điều 17 Điều 50 Nghị định 102/2017/NĐ-CP

  1. Thành phần hồ sơ:
  • Phiếu yêu cầu đăng ký (01 bản chính – mẫu số 02 ban hành kèm theo thông tư 08/2018/TT-BTP);
  • Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng sửa đổi, bổ sung hợp đồng thế chấp trong trường hợp phiếu yêu cầu đăng ký chỉ có chữ ký, con dấu của một trong các bên tham gia biện pháp bảo đảm (01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu);
  • Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực hoặc 01 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu), trừ các trường hợp sau đây: Bên thế chấp hoặc bên nhận thế chấp bao gồm nhiều cá nhân, pháp nhân ủy quyền cho một cá nhân hoặc một pháp nhân trong số đó yêu cầu đăng ký; người yêu cầu đăng ký là người được cấp mã số sử dụng cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm;
  • Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng tín dụng có điều khoản về việc cá nhân, hộ gia đình vay vốn sử dụng vào một trong các lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực);
  • Văn bản xác nhận (có chữ ký và con dấu) của tổ chức tín dụng về việc cá nhân, hộ gia đình vay vốn sử dụng vào một trong các lĩnh vực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (01 bản chính hoặc 01 bản sao có chứng thực).

Số lượng hồ sơ: 01 bộ

  1. Cơ quan thực hiện:

Trung tâm Đăng ký giao dịch tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp (gọi chung là Trung tâm Đăng ký).

  1. Cách thức đăng ký:

+ Đăng ký trực tiếp/qua bưu điện tại Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản của Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (thuộc Bộ Tư pháp). Hiện nay Bộ Tư pháp có 03 Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản đặt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Địa chỉ và thông tin liên hệ cụ thể anh/chị có thể tra cứu tại: https://dktructuyen.moj.gov.vn/contact-us.html.

+ Đăng ký trực tuyến tại hệ thống đăng ký trực tuyến của Cục đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư Pháp: https://dktructuyen.moj.gov.vn/customer/account/login/register/1/.

  1. Tiếp nhận hồ sơ:

Tiếp nhận hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm là động sản:

  • Trường hợp hồ sơ nộp trực tiếp: Người tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký.
  • Hồ sơ đăng ký hợp lệ, người tiếp nhận vào Sổ tiếp nhận, cấp cho người yêu cầu đăng ký Phiếu hẹn trả kết quả. 
  • Hồ sơ đăng ký không hợp lệ, người tiếp nhận hướng dẫn để người yêu cầu đăng ký trực tiếp hoàn thiện hồ sơ hoặc lập văn bản hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật.
  • Trường hợp hồ sơ nộp qua đường bưu điện hoặc qua thư điện tử: Người tiếp nhận kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký.
  • Hồ sơ đăng ký hợp lệ, người tiếp nhận vào sổ tiếp nhận. 
  • Hồ sơ đăng ký không hợp lệ, ngay trong ngày nhận hồ sơ, người tiếp nhận lập văn bản từ chối tiếp nhận và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. (Văn bản từ chối tiếp nhận và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ được gửi trả lại cùng hồ sơ đăng ký cho người yêu cầu đăng ký qua đường bưu điện có bảo đảm trong trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu điện hoặc gửi qua thư điện tử trong trường hợp hồ sơ được gửi qua thư điện tử.)
  1. Thời hạn thực hiện:

Cơ quan đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm có trách nhiệm giải quyết hồ sơ đăng ký trong thời hạn quy định như sau:

  • Ngay trong ngày nhận hồ sơ hợp lệ; 
  • Nếu nhận hồ sơ sau 15 giờ, thì hoàn thành việc đăng ký ngay trong ngày làm việc tiếp theo; 
  • Trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, thì cũng không quá 03 ngày làm việc.

Thời hạn giải quyết theo quy định trên được tính từ ngày cơ quan đăng ký nhận được hồ sơ đăng ký hợp lệ.

  1. Trả kết quả:

Kết quả đăng ký về biện pháp bảo đảm được cơ quan đăng ký trả cho người yêu cầu đăng ký theo một trong các phương thức sau đây:

  • Trực tiếp tại cơ quan đăng ký. Trường hợp nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, thì Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký;
  • Qua đường bưu điện;
  • Phương thức khác do cơ quan đăng ký và người yêu cầu đăng ký thỏa thuận.
  1. Thời điểm đăng ký có hiệu lực:

Trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tài sản là động sản khác, thì thời điểm có hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm là thời điểm nội dung đăng ký được cập nhật vào cơ sở dữ liệu về biện pháp bảo đảm.

Công ty luật ThinkSmart

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ tư pháp.


Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *