Hoàn thiện quy định về xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển


Luật sư Việt Nam » Nghiên cứu – Trao đổi

(LSVN) – Việc xử lý hình sự đối với các tội phạm về môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp nói riêng được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, mục đích là để trừng trị thích đáng và ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật môi trường. Trong nội dung bài viết này, tác giả phân tích một số hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành về xử lý hình sự đối với các tội liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa.

Thực trạng pháp luật về xử lý hình sự đối với các tội liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp

Xử lý hình sự là biện pháp pháp lý nghiêm khắc nhất do tòa án áp dụng đối với những chủ thể có hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Ở Việt Nam, nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm pháp luật môi trường, trên cơ sở Hiến pháp năm 1980, Nhà nước ta đã ban hành Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985. Trong đó, lần đầu tiên quy định về tội phạm môi trường được ghi nhận tại Điều 195: “1- Người nào vi phạm các quy định về giữ gìn vệ sinh công cộng, về phòng ngừa và chống dịch bệnh, về bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. 2- Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”. Với quy định tại Điều 195 cho thấy trong giai đoạn này, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật môi trường chung và ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp nói riêng còn hạn chế, chưa được chú trọng.

Bước sang thời kỳ đổi mới, song song với đổi mới kinh tế thì các mặt khác như hành chính, chính trị, văn hóa, giáo dục… đã được hoàn thiện dần trong quá trình thực hiện. Trong đó, các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường cũng được Đảng và Nhà nước ta quan tâm nhiều hơn. Nếu như các tội phạm về môi trường được BLHS năm 1985 quy định chung trong nhóm các tội phạm về kinh tế thì BLHS năm 1999 ra đời dành hẳn một chương quy định về vấn đề này là Chương XVII: Các tội phạm về môi trường, với 10 điều, từ Điều 182 đến Điều 191.

Cho đến nay, trải qua gần 35 năm kể từ khi BLHS năm 1985 có hiệu lực, quy định trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm liên quan đến môi trường không ngừng hoàn thiện. Đặc biệt, với sự ra đời của BLHS số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015) có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 mở ra một bước ngoặc lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm môi trường. Trong Bộ luật này, các tội phạm về môi trường được kết cấu thành một chương riêng lẻ (Chương XIX) với các tội được quy định tại các điều sau: Tội “Gây ô nhiễm môi trường” (Điều 235), Tội “Vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại” (Điều 236), Tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường” (Điều 237), Tội “Vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông” (Điều 238), Tội “Đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam” (Điều 239), Tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” (Điều 240), Tội “Làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật” (Điều 241), Tội “Hủy hoại nguồn lợi thủy sản” (Điều 242), Tội “Hủy hoại rừng” (Điều 243), Tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm” (Điều 244), Tội “Vi phạm quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên” (Điều 245), Tội “Nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại” (Điều 246).

Như vậy, với những quy định này, có thể khẳng định, pháp luật hình sự hiện hành không quy định trực tiếp tội danh vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp. Do đó, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp phải căn cứ vào các tội phạm về môi trường được quy định tại Chương XIX của BLHS năm 2015, cụ thể và liên quan trực tiếp tại các điều như: Điều 235 (tội “Gây ô nhiễm môi trường”) và Điều 237 (tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”).

So với tội “Gây ô nhiễm môi trường”, tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường” được quy định trong BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 có sự thay đổi đáng kể và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tiến bộ mà BLHS năm 2015 đã quy định thì vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong việc quy định tội phạm về môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp nói riêng như sau:

Thứ nhất, quy định về phân loại tội phạm về môi trường nói chung và tội phạm liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp và khung hình phạt chưa phù hợp với thực tiễn.

Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội phạm được phân thành 04 loại: tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhóm các tội “Gây ô nhiễm môi trường” (Điều 235), tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường” (Điều 237) liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp gây nên thì mức khung hình phạt cao nhất cũng chỉ đến 10 năm tù, tức là đối với nhóm tội phạm về môi trường không có loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, hậu quả của tội phạm này gây ra cho môi trường, cho tính mạng, cho sức khỏe, cho tài sản của con người có thể là rất lớn. Thiết nghĩ, với khung hình phạt này thì chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với các chủ thể cố tình vi phạm pháp luật về kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Thêm vào đó, tại khoản 2 Điều 9 BLHS năm 2015 quy định: “Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này”. Tuy nhiên, đối với pháp nhân thương mại chỉ áp dụng hình phạt tiền chứ không áp dụng hình phạt tù thì việc áp dụng quy định về phân loại tội phạm đối với pháp nhân thương mại căn cứ vào khoản 1 Điều 9 BLHS năm 2015 sẽ không có giá trị trong thực tiễn.

Thứ hai, quy định trong cấu thành tội phạm về môi trường của một số loại tội liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp gây nên còn chưa có sự thống nhất.

Cụ thể là tại điểm c, d, h khoản 1; điểm b, c, đ, e khoản 2; điểm b, c, đ, e khoản 3 Điều 235 BLHS năm 2015. Theo đó, tại khoản 2 quy định: “2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: xả thải ra môi trường từ 5.000m3 trên ngày đến dưới 10.000m3 trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc từ 500m3 trên ngày đến dưới 5.000m3 trên ngày nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên; gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tương tự tại khoản 1 Điều 237 BLHS năm 2015 về tội “Vi phạm định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường để xảy ra sự cố môi trường; vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thiệt hại từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng”.

Tác giả nhận thấy rằng các quy định về các tội phạm môi trường chủ yếu có cấu thành hình thức, nghĩa là chỉ cần có hành vi vi phạm, không cần có thiệt hại thực tế xảy ra thì đã có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, đây được xem là điểm tiến bộ của BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999 quy định tội phạm môi trường có cấu thành vật chất. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các quy định để xử lý hình sự đối với nhóm tội phạm về môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó, BLHS năm 2015 còn có nhiều quy định với dấu hiệu hậu quả có thể sẽ hạn chế khả năng xác định tội phạm để xử lý. Chẳng hạn, quy định tại điểm e khoản 2 Điều 235 “Gây hậu quả nghiêm trọng” và điểm e khoản 3 Điều 235 “Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” hoặc tại điểm b khoản 1 Điều 237 “Vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường làm môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng…”. Pháp luật hiện hành không định nghĩa cụ thể thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, việc xem xét hành vi nếu căn cứ vào dấu hiệu này, các chủ thể có thẩm quyền không có cơ sở, căn cứ rõ ràng để phân định, truy cứu và áp dụng khung hình phạt cho phù hợp. Đây cũng được xem là quy định còn gây khó khăn cho các chủ thể có thẩm quyền áp dụng.

Thứ ba, quy định về việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân chưa rõ ràng, gây khó khăn và khó áp dụng trong thực tiễn.

Tại khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015 quy định: “Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân”. Với quy định này còn khá chung chung, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên rất khó áp dụng trong thực tiễn. Bởi trong trường hợp nào thì áp dụng trách nhiệm hình sự đối với cá nhân? Và cá nhân nào chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp pháp nhân thương mại phạm các tội về môi trường? Người đứng đầu pháp nhân thương mại hay tất cả những người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại. Theo Luật Doanh nghiệp thì công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật, đối với công ty hợp danh thì tất cả các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Thứ tư, về thực tiễn áp dụng. Môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng ở Việt Nam bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng bởi hành vi xả thải nước thải công nghiệp chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn. Thực tiễn áp dụng trách nhiệm hình sự trong những năm qua cho thấy, loại tội phạm này ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất ngày càng phức tạp, tinh vi. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một pháp nhân thương mại nào bị xử lý hình sự về hành vi này. Điều này không bảo đảm tính răn đe của pháp luật đối với pháp nhân thương mại vi phạm các tội phạm về môi trường. Do đó, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần nhìn nhận lại vấn đề thực tiễn truy cứu trách nhiệm pháp lý hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội để có cái nhìn tổng thể và điều chỉnh cho phù hợp. Điều này rất có ý nghĩa trong công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường hiện nay, đặc biệt là đối với tội phạm môi trường do pháp nhân thương mại thực hiện.

Các giải pháp hoàn thiện pháp luật về xử lý hình sự đối với các tội liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp

Để các quy định về xử lý hình sự trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp được thực hiện một cách hiệu quả, có tính khả thi và phù hợp với thực tiễn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung và thay thế một số nội dung của quy định hiện hành theo hướng sau:

Một là, hoàn thiện quy định trong việc phân loại tội phạm về môi trường. BLHS năm 2015 phân định nhóm tội phạm môi trường không thuộc nhóm tội đặc biệt nghiêm trọng bởi khung hình phạt cao nhất đối với nhóm tội này cũng chỉ đến 10 năm tù. Theo tác giả, tùy loại tội mà cần bổ sung và nâng mức khung hình phạt đối với nhóm tội phạm môi trường cho phù hợp.

Hai là, căn cứ pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm tội phạm về môi trường liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường nói chung và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp nói riêng hiện này vẫn còn thiếu, một số tội danh chưa được quy định trong BLHS năm 2015.

Trên cơ sở quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, một số hành vi vi phạm nếu không có chế tài đủ mạnh thì việc kiểm soát ô nhiễm môi trường phần nào cũng sẽ bị hạn chế. Thực tế, vấn đề gây ô nhiễm môi trường biển trong đó có ô nhiễm môi trường biển do nước thải công nghiệp thường diễn ra trên diện rộng và để lại hậu quả rất nặng nề, ảnh hưởng đến nhiều hoạt động của đời sống xã hội, khả năng phục hồi rất khó khăn và tốn nhiều thời gian, chi phí. Vì vậy, đối với một số hành vi vi phạm không chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính mà cần tăng yếu tố trách nhiệm pháp lý cao hơn. Theo đó, cần bổ sung một số tội danh trong pháp luật hình sự: tội vi phạm các quy định về kế hoạch bảo vệ môi trường, tội vi phạm các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, tội vi phạm các quy định về đánh giá tác động môi trường… Việc quy định xử lý hình sự trong lĩnh vực này một mặt nhằm trừng trị các hành vi phá hoại môi trường biển bởi việc xả thải trái phép các chất gây ô nhiễm, mặt khác phù hợp với thực tiễn trong thời gian qua ở Việt Nam và Công ước Luật biển năm 1982.

Ba là, trong trường hợp nếu hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi chưa được xác định bằng những chỉ số, đơn vị đo lường cụ thể thì cần có những hướng dẫn, tạo căn cứ cho việc đối chiếu, áp dụng. Để việc áp dụng được thuận lợi, thống nhất chung, theo tác giả, cần bỏ đi các cụm từ trong các điểm của điều luật liên quan đến kiểm soát ô nhiễm môi trường như “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” hoặc phải ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Bốn là, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định tại khoản 2 Điều 75 BLHS năm 2015. Theo đó, cần xác định rõ trách nhiệm hình sự của cá nhân đối với pháp nhân thương mại vi phạm các tội phạm về môi trường là người đứng đầu pháp nhân thương mại, người đại diện theo pháp luật hay người có trách nhiệm quản lý để xảy ra vi phạm, để dễ dàng trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời cũng bảo đảm tính khả thi và áp dụng của pháp luật trong thực tiễn.

ThS. NCS. PHAN THỊ THU THỦY

Trường Đại học Tài chính – Kế toán Quảng Ngãi


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *