Quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật một số nước trên thế giới đối với hành vi “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” và những vấn đề cần đặt ra trong bối cảnh phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiện nay


Tác giả

Nguyễn Thị Minh Nhật, Đinh Trà My

Công ty luật ThinkSmart – Đoàn Luật sư Hà Nội

Đặt vấn đề

Hiện nay, virus Corona 2019 (COVID-19) đã trở thành đại dịch toàn cầu. Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng đã đạt ra nhiều giả huyết về nguyên nhân chính dẫn đến đại dịch. Một giả thuyết khác đó là mối quan hệ của nó với các yếu tố môi trường là một vấn đề thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và mỗi quốc gia. Trước hết, cần sự liên kết của các quốc gia và sau đó tìm kiếm cho riêng mình những biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ở Việt Nam, các giải pháp đồng bộ đã được chính phủ đưa ra áp dụng đã phần nào mang lại hiệu quả khả thi trong việc phòng chống dịch bệnh. Một trong các biện pháp đó là quy định của pháp luật hiện hành và đặc biệt pháp luật hình sự đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh lây lan.

Bài viết này nhằm giải quyết mối liên quan giữa bệnh dịch COVID -19 với hành vi làm lây lan dịch bệnh từ yếu tố con người bằng việc viện dẫn quy định của Điều 240 BLHS năm 2015 đã quy định hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người. Theo đó, nhóm tác giả đã tập hợp các quan điểm, luận điểm của các nhà nghiên cứu đi trước để cung cấp tương đối đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành của Việt Nam và pháp luật của một số nước trên thế giới liên quan đến phòng chống dịch bệnh.

1. Khái niệm bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh truyền nhiễm và tội làm lây lan dịnh bệnh truyền nhiễm

Bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như: dịch tả, đậu mùa, thương hàn, bệnh than, sốt rét, sốt xuất huyết Ebola, H5N1, Covid 19… Như vậy có thể hiểu: Bệnh truyền nhiễm là bệnh là những loại bệnh nguy hiểm, có khả năng gây tổn hại nặng đến sức khỏe hoặc tính mạng của người bị lây nhiễm, dễ lây nhiễm, dễ lan rộng và nhanh chóng lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. Ví dụ: Bệnh cúm mùa lây trực tiếp từ người sang người, bệnh sốt xuất huyết lây từ người sang người qua muỗi đốt, bệnh cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người, viruts Corana lây từ động vật sang người. Dịch bệnh truyền nhiễm được hiểu: Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm có quy mô, tính chất vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế, tỷ lệ tử vong cao mà chưa có biện pháp khống chế hiệu quả thì trở thành dịch bệnh truyền nhiễm.

Đối với tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người có thể được hiểu: là hành vi của người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại cố ý đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người hoặc các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Quy định về dấu hiệu định tội và định khung hình phạt của Điều 240 BLHS tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm huy hiểm cho người

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, được quy định như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

   a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

   b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

   c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

   a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

   b) Làm chết người.

   3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

   a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

   b) Làm chết hai người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.”

2.1. Dấu hiệu định tội

Dấu hiệu chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này có thể là người từ đủ 16 tuổi, có đủ năng lực TNHS hoặc đối với chủ thể thực hiện các hành vi “cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người” hoặc hành vi “cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người” là chủ thể đặc biệt. Chủ thể ở đây phải là người có trách nhiệm trong việc cho phép mang vào, đưa ra khỏi vùng có dịch động, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, hoặc là người có trách nhiệm trong việc cho phép đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người hoặc thuộc diện kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch[1].


[1] Phạm Mạnh Hùng (chủ biên – 2016) Giáo trình luật hình sự Việt Nam – Phần các tội phạm, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.

Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Một là, hành vi đưa ra hoặc cho phép đưa vào, mang ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đưa hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người. Hành vi đưa hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác (như các dụng cụ, phương tiện giết mổ động vật, vật liệu, bao bì đóng gói, lưu thông vận chuyển động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh) có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người là góp phần làm cho dịch bệnh lây lan ra khỏi vùng có dịch bệnh, gây những hậu quả xấu cho môi trường và cho tính mạng, sức khỏe của con người trong những vùng chưa bị lây nhiễm nên bị coi là hành vi phạm tội. Vận chuyển động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác đã bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh vào vùng chưa có dịch bệnh. Mang ra khỏi khu vực hạn chế lưu thông là vận chuyển động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh từ vùng đang có dịch bệnh đến vùng khác chưa có dịch bệnh. Khu vực hạn chế lưu thông động vật, thực vật sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác là khu vực được giới hạn bởi đơn vị hành chính như một địa danh, một địa phương, một vùng lãnh thổ mà ở đó đang có dịch bệnh đối với động vật, thực vật sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác đã được cơ quan có thẩm quyền công bố (Uỷ ban nhân dân các cấp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) trên các phương tiện thông tin đại chúng).

Hai là, hành vi đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người. Hành vi này cũng tương tự như hành vi đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc đưa vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người. Tuy nhiên, điểm khác biệt của hành vi này là đưa hoặc cho phép đưa vào Việt Nam những động vật, thực vật hoặc sản phẩm của động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan cho con người. Tính chất nguy hiểm của hành vi “nhập khẩu” dịch bệnh từ nước ngoài vào Việt Nam trên nghiêm trọng hơn thể hiện ở hành vi nhập khẩu (tức là chuyển những đối tượng đó vào biên giới Việt Nam) hoặc cho phép nhập khẩu (được hiểu là cấp giấy phép hoặc làm thủ tục cho người khác đưa những đối tượng đó vào biên giới Việt Nam) vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người  như: nhập gia cầm bị nhiễm bệnh (H5N1), nhập bò “điên” từ nước ngoài vào Việt Nam…Đây có lẽ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến một số dịch bệnh nguy hiểm cho các loại vật nuôi trong thời gian qua ở Việt Nam như heo tai xanh, cúm gà… Hành vi, đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc diện kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch. Đưa vào hoặc cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch là hành vi nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật thuộc đối tượng kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch như: trốn tránh việc kiểm dịch hoặc kiểm dịch qua loa không đúng với các quy định về kiểm dịch động vật, thực vật. Danh mục động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật thuộc diện kiểm dịch được quy định trong các văn bản của Nhà nước như: Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05-9-2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật và Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam; Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25-7-2005 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về Về việc ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; Danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch.

Ba là, hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người có thể là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho người (như cố tình không tiêm phòng vắc xin phòng dịch cho nhân dân; không tổ chức kịp thời việc khoanh vùng, tẩy uế khu vực có dịch bệnh để dịch bệnh có điều kiện lây lan thêm; người bị nhiễm bệnh không chịu áp dụng các phương pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc để tránh lây lan dịch bệnh cho người khác, v.v.). Hoặc hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật có thể là những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về thú y và kiểm dịch thực vật (như cố tình không tiêm phòng vắc xin hoặc áp dụng các phương pháp cách ly, phòng ngừa bắt buộc khác để tránh gây nguy hại cho người và phòng bệnh nguy hiểm cho động vật; bán, giết mổ hoặc vứt xác động vật chết gây ô nhiễm môi trường, v.v.).

Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của chủ thể là lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm, có thể làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người nhưng vẫn thực hiện do mong muốn hoăc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

Dấu hiệu hậu quả của tội phạm

Hậu quả của nhóm tội này là làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người hoặc là gây thiệt hại về tài sản giá trị từ 100 triệu đồng trở lên do việc làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật. Thiệt hại được tính đến ở đây không chỉ là thiệt hại cho người nuôi, trồng mà bao gồm cả các chi phí nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời để xoá bỏ dịch bệnh.

Như vậy, so với BLHS năm 1999, Điều 240 đã có điểm mới tiến bộ bằng cách đã quy định hậu quả theo hướng có thể xác định ngay được mà không cần văn bản hướng dẫn mặc dù loại hậu quả này không thể định lượng được bằng thiệt hại về vật chất hay thể chất. Điều 240 đã thay dấu hiệu gây hậu quả “rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” được quy định tại khoản 2 Điều 186 BLHS năm 1999 thành các dấu hiệu định khung tại khoản 2 Điều 240: “a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế; b) Làm chết người”. Bên cạnh đó, về cấu thành cơ bản của tội phạm đã được mở rộng, bổ sung thêm các hành vi khách quan đó là “cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người”. Đồng thời, quy định chặt chẽ hơn với cụm từ “trừ trường hợp pháp luật có quy định khác” nhằm phân biệt với các trường hợp pháp luật cho phép.  Ngoài ra, điều luật này đã đổi tên để phù hợp với mô tả trong cấu thành tội phạm, yêu cầu của tình hình thực tiễn và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Nếu Điều 186 BLHS năm 1999 với tên gọi là “Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” thì Điều 240 được đổi tên thành “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”.

Ngoài ra, trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid 19 ngày càng phức tạp gây thương vong về người là rất lớn, kéo theo khủng hoảng kinh tế và gây mất trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy, ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Văn bản đã cụ thể hóa“hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS, như sau:

Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” và bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: i) Trốn khỏi nơi cách ly; ii) Không tuân thủ quy định về cách ly; iii) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; iii) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

2.2. Dấu hiệu định khung

i) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế (điểm a khoản 2 Điều 240).

Đây là trường hợp phạm tội để lại hậu quả đó là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế phải công bố dịch. Theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg, ngày 28/01/2026 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C thì điều kiện để công bố dịch khi: a) Một xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là xã) được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 03 năm gần nhất; b) Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là huyện) được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên; c) Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.

– Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố dịch theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C.

Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về phận loại bệnh truyền nhiễm thì:

+ Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);

+ Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.

– Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch theo đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch.

+ Căn cứ quy định tại Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về phận loại bệnh truyền nhiễm thì: Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

+ Hiện nay, trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) đang có diễn biến phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, gây ra hậu quả to lớn về người, kinh tế, trật tự an toàn xã hội. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT, ngày 29/01/2020 về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (Covid-19) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Các hoạt động phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCov (Covid-19) được thực hiện theo quy định đối với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao (thuộc nhóm A theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007).

ii)  Làm chết người (điểm b khoản 2 Điều 240)

Đây là trường hợp do thực hiện hành vi phạm tội mà làm chết người, chứ không phải giết người. Làm chết người trong trường hợp này được hiểu là người phạm tội đã gây hậu quả chết người và lỗi của họ đối với hậu quả này là lỗi vô ý. Số lượng người chết là 01 người.

iii)  Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (điểm a khoản 3 Điều 240)

Đây là trường hợp phạm tội để lại hậu quả đó là Thủ tướng Chính phủ phải công bố dịch. Theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg, ngày 28/01/2026 của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm, đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A thì điều kiện công bố dịch khi có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. Các bệnh truyền nhiễm nhóm A được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh; và bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (theo Quyết định số 219/QĐ-BYT, ngày 29/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

Ví dụ: Ngày 01/4/2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, trong đó xác định dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu, Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.

iv)  Làm chết 02 người trở lên (điểm b khoản 2 Điều 240)

Đây là trường hợp do thực hiện hành vi phạm tội mà làm chết người, chứ không phải giết người. Làm chết người trong trường hợp này được hiểu là người phạm tội đã gây hậu quả chết người và lỗi của họ đối với hậu quả này là lỗi vô ý. Số lượng người chết là từ 02 người trở lên.

3. Một số quy định của pháp luật Việt Nam và các nước trên thế giới liên quan đến hành việc phòng chống dịch bệnh

3.1. Một số quy định của pháp luật liên quan đến việc thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm[2]


[2] https://www.vksndtc.gov.vn/tin-tuc/cong-tac-kiem-sat/mot-so-quy-dinh-cua-phap-luat-ve-hanh-vi–lam-lay–d10-t7600.html

Quy định trong BLHS năm 2015 đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống truyền nhiễm:

– Hành vi đưa thông tin không đúng tình hình dịch bệnh trên mạng Internet có thể bị truy tố theo Điều 288 của BLHS năm 2015 (Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông).

– Hành vi đầu cơ để thu lợi bất chính đối với mặt hàng liên quan thiết yếu trong việc phòng, chống dịch bệnh như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn,… trong  việc phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm có thể bị truy tố theo Điều 196 BLHS năm 2015 (Tội đầu cơ).

Quy định tại Điều 3 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Luật số 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007):

Theo đó, phân loại bệnh truyền nhiễm gồm có 03 nhóm (Nhóm A, Nhóm B, Nhóm C; Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc các nhóm này), cụ thể:

– Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê – bô – la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;

– Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota);

–  Nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chlamydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.

Quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luậ; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm; không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này; không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Theo Điều 1 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch gồm có: Áp dụng các biện cách ly y tế tại nhà; biện pháp cách ly tại cơ sở y tế; biện pháp cách ly y tế tại cửa khẩu; biện pháp cách ly y tế tại các cơ sở, địa điểm khác áp dụng với các trường hợp cụ thể.

Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế: Vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định tại Nghị định này là những hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: Vi phạm các quy định về y tế dự phòng và phòng, chống HIV/AIDS; vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh; vi phạm các quy định về dược, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế; vi phạm các quy định về bảo hiểm y tế; vi phạm các quy định về dân số.

Nghị định số 103/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ quy định về bảo đảm an toàn sinh học tại phòng xét nghiệm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, thay thế Nghị định số 92/2010/NĐ-CP ngày 30/8/2010: Nghị định này quy định về điều kiện bảo đảm an toàn sinh học tại cơ sở có phòng xét nghiệm làm việc với vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người và các mẫu bệnh phẩm có khả năng chứa vi sinh vật có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm cho người của tổ chức, cá nhân (sau đây gọi tắt là cơ sở xét nghiệm), gồm: Phân loại vi sinh vật gây bệnh truyền nhiễm và cơ sở xét nghiệm theo cấp độ an toàn sinh học; điều kiện bảo đảm an toàn sinh học tại cơ sở xét nghiệm; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học và công bố cơ sở xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học; kiểm tra an toàn sinh học; phòng ngừa, xử lý và khắc phục sự cố an toàn sinh học.

Nghị định số 89/2018/NĐ-CP ngày 25/6/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về kiểm dịch y tế biên giới có hiệu lực kể từ ngày 10/8/2018 và thay thế Nghị định số 103/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010: Nghị định này quy định về thu thập thông tin, khai báo y tế, kiểm tra y tế, xử lý y tế đối với người, phương tiện vận tải nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh Việt Nam và thi thể, hài cốt (bao gồm cả tro cốt), mẫu vi sinh y học, sản phẩm sinh học, mô, bộ phận cơ thể người vận chuyển qua biên giới Việt Nam; giám sát, kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại cửa khẩu; tổ chức kiểm dịch y tế biên giới và trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm dịch y tế biên giới.

Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019 thay thế Thông tư số 13/2013/TT-BYT ngày 17/4/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm: Thông tư này hướng dẫn giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; trách nhiệm trong tổ chức thực hiện giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đó, đối tượng giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm gồm: Người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ. Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, các nội dung giám sát gồm: (1) Họ và tên, tuổi, giới, nghề nghiệp, điện thoại liên lạc, địa chỉ nơi sinh sống, nơi học tập, làm việc; địa điểm và thời gian mắc, khởi phát bệnh; diễn biến bệnh, triệu chứng, chẩn đoán và quá trình điều trị, cơ sở y tế chăm sóc, điều trị trước khi mắc bệnh; thông tin về xét nghiệm khẳng định tác nhân gây bệnh phù hợp; tiền sử sản khoa, tiền sử tiêm chủng vắc xin phòng bệnh và tình trạng miễn dịch, tiền sử đi lại trong và ngoài nước, các thông tin về tiền sử phơi nhiễm, tiếp xúc và yếu tố dịch tễ liên quan; (2) Điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa điểm giám sát: mức sống, lối sống, điều kiện sống, phong tục tập quán, cơ cấu dân cư, cơ cấu dân tộc, cơ cấu bệnh tật; địa lý, khí hậu, thời tiết bao gồm: khu vực địa dư, mùa, nhiệt độ, lượng mưa, độ ẩm, hướng gió và các yếu tố nguy cơ khác.

3.2. Quy định của một số nước trên thế giới về bệnh truyền nhiễm và xử lý vi phạm về phòng, chống bệnh truyền nhiễm [3]


[3] https://kiemsat.vn/xu-ly-hanh-vi-pham-toi-lien-quan-den-benh-truyen-nhiem-o-mot-so-nuoc-tren-the-gioi-57054.html

i) Nhật Bản

Nhận thức được mức độ nguy hiểm của các bệnh truyền nhiễm đối với đời sống người dân, ngay từ năm 1998, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật phòng chống các bệnh truyền nhiễm và chăm sóc y tế cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm với 14 Chương tương đối đầy đủ và hệ thống, 81 điều luật cùng 01 điều khoản bổ sung, trong đó chương XIVtrực tiếp liên quan đếnviệc xử lý hình sự các tội phạm về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, cụ thể:

– Điều 67 đến Điều 72 Luật này quy định mức phạt tù và phạt tiền đối với các hành vi vi phạm của đối tượng bị nghi ngờ hoặc bị nhiễm bệnh truyền nhiễm, bao gồm: Hành vi làm lây lan bệnh truyền nhiễm, hành vi không thực hiện việc cách ly, giám sát y tế khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm I, nhóm II  gây nguy hiểm cho cộng đồng. Mức phạt tù cao nhất trong các quy định này là tù chung thân và mức phạt tiền tối đa là 10 triệu Yên.

– Điều 73: Quy định chế tài đối với hành vi tiết lộ thông tin y tế của bệnh nhân bị nhiễm bệnh để lợi dụng trục lợi hoặc vì mục đích không tốt của đối tượng là người điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm bệnh truyền nhiễm, theo đó phạt tù tối đa là 01 năm và mức phạt tiền tối đa là 01 triệu Yên.

– Điều 74 đến 77: Quy định chế tài đối với hành vi của đối tượng biết về trường hợp nghi ngờ hoặc mắc bệnh truyền nhiễm nhưng che giấu, không khai báo thông tin hoặc khai báo sai thông tin cho cán bộ nhà nước có thẩm quyền, theo đó phạt tù tối đa là 01 năm và mức phạt tiền tối đa là 03 triệu Yên.

– Điều 79: Quy định thêm cho đối tượng là tổ chức có người đại diện, nhân viên hoặc người lao động của tổ chức đó thực hiện các hành vi phạm tội mà có liên quan đến tổ chức thì cả người thực hiện hành vi và cả tổ chức đó đều phải chịu hình phạt tiền, qua đó cho thấy quy phạm này đã tiên liệu được phạm vi chủ thể phạm tội rất rộng, hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm.

ii) Hoa Kỳ

Theo thông tin của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), pháp luật về việc xử lý vi phạm đối với việc cách ly ở mỗi bang là khác biệt và hầu hết được xem là phạm tội hình sự. Ví dụ, Luật sức khỏe và an toàn ban hành năm 2015 (sửa đổi, bổ sung mới nhất vào năm 2017) của bang California tại Điều 120.290 HS cũng quy định về trách nhiệm hình sự đối với người cố ý làm lây lan bệnh truyền nhiễm, theo đó vừa quy định về khái niệm “bệnh truyền nhiễm”, vừa đưa ra liệt kê các hành vi cấu thành tội cố ý làm lây lan bệnh truyền nhiễm cũng như chế tài đối với hành vi này. Phần a mục 1, mục 2 của Luật này quy định các hành vi cấu thành tội phạm như sau: Biết bản thân hoặc người thứ ba bị mắc bệnh truyền nhiễm nhưng vẫn cố ý thực hiện việc lây truyền bệnh truyền nhiễm cho người khác hoặc cố ý để người thứ ba bị mắc bệnh truyền nhiễm lây bệnh cho người khác; và cố ý không tuân thủ hướng dẫn cách ly, hạn chế lây lan bệnh truyền nhiễm của nhân viên y tế trong vòng 96 giờ kể từ khi được hướng dẫn. Chế tài hình sự đối với các hành vi nêu trên là phạt tù, tuy nhiên so với các bang khác, mức phạt tù theo Luật này của bang California là mức thấp nhất (tối đa 06 tháng, tương tự như bang Michigan).

iii) Úc

Tại Úc, tương tự như Hoa Kỳ, luật pháp ở từng bang có quy định khác nhau về việc xử lý vi phạm về việc cách ly. Ví dụ, tại bang New South Wales, mức phạt tối đa lên đến 11.000 Đô la hoặc 06 tháng tù giam, ít hơn so với bang South Australia, theo đó mức phạt tiền tối đa cho hành vi trốn cách ly là 25.000 Đô la và phạt tù tối đa là 12 tháng (đang dự kiến nâng lên 10 năm).

iv) Trung Quốc

Tại Trung Quốc, các hình thức trách nhiệm pháp lý được quy định theo ngành luật (luật hình sự, luật dân sự, luật hành chính). Bộ luật Hình sự năm 1997 của Trung Quốc quy định các tội phạm theo nhóm, trong đó có nhóm tội phạm xâm phạm đến sức khỏe công cộng bao gồm 8 tội liên quan đến phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm (Mục 5 Chương 6), theo đó, những người vi phạm thậm chí có thể phải đối mặt với án tử hình. Điều 330 Bộ luật này quy định người nào vi phạm các quy định của Luật phòng, chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm và thực hiện 01 trong 05 hành vi liệt kê tại Điều này gây ra hậu quả làm lây lan hoặc tạo nguy cơ lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tù không quá 03 năm hoặc từ 03 năm đến 07 năm, nếu hậu quả nghiêm trọng. Các hành vi vi phạm được nêu cụ thể như từ chối xử lý khử trùng nước thải, chất ô nhiễm, phân và nước tiểu bị ô nhiễm bởi mầm bệnh của các bệnh truyền nhiễm theo các yêu cầu vệ sinh của các cơ quan kiểm soát dịch bệnh, từ chối thực hiện các biện pháp phòng, chống và kiểm soát do các cơ quan kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh đặt ra theo Luật phòng, chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm …

v) Hàn Quốc

Khác với các quốc gia khác, có nhiều đạo luật khác nhau liên quan đến các bệnh truyền nhiễm ở Hàn Quốc bao gồm: Luật phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm; Luật phối hợp để cách ly và giám sát; Luật y tế công cộng khu vực (trong đó điều chỉnh cụ thể việc phối hợp giữa các trung tâm y tế cộng đồng và chính quyền địa phương); Luật dược phẩm; Luật dịch vụ y tế hay Luật dịch vụ y tế khẩn cấp về các cơ sở kiểm dịch. Cũng chính vì sự đa dạng về số lượng của các đạo luật này mà đòi hỏi cần có một đạo luật tổng hợp, thống nhất để dễ dàng tuân thủ và đảm bảo ngăn ngừa, kiểm soát được các bệnh truyền nhiễm. Cuối tháng 3 năm 2020, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã thông qua đạo luật phòng, chống lây lan dịch bệnh, trong đó mức phạt tối đa cho người vi phạm quy định về cách ly là 01 năm tù hoặc 10 triệu won (tương đương khoảng 8.200 USD).

vi) Liên bang Nga

Gần đây nhất vào ngày 01/4/2020, cơ quan lập pháp Liên bang Nga đã thông qua quy định mới tại Điều 207.2 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga về tội phát tán sai lệch thông tin xã hội (như thông tin về dịch bệnh COVID-19) gây hậu quả nghiêm trọng, theo đó có thể bị phạt tiền lên tới 700.000 RUB (tương đương khoảng 9.000 USD) đối với cá nhân hoặc 2 triệu RUB (tương đương khoảng 26.000 USD) đối với pháp nhân, đồng thời có thể bị phạt tù đến 05 năm. Một thanh niên 26 tuổi tại Nga đã bị phạt ở mức tương tự khi bình luận vào một báo cáo với thông tin 01 người đã chết do dịch bệnh COVID-19 tại một bệnh viện.

Như vây, nhìn chung, hầu hết các quốc gia nói trên (ngoại trừ Liên bang Nga và Trung Quốc) đều quy định chế tài hình sự xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong Luật chuyên ngành về y tế/sức khỏe công cộng hoặc về phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm thay vì chỉ quy định trong Bộ luật Hình sự. Xét về cấu trúc các quy phạm pháp luật cụ thể thì đều gồm hai thành phần là giả định và chế tài, theo đó mỗi hành vi vi phạm đều được quy định thành điều luật riêng với mức phạt tiền và phạt tù khác nhau tương ứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi đó gây ra. Pháp luật của một số nước (Nhật Bản, Liên bang Nga) cũng quy định chế tài hình sự khác nhau cho hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân, trong đó pháp nhân phải chịu hình thức chế tài là phạt tiền (cao hơn so với cá nhân).

4. Một số vấn đề cần đặt ra

Một là, phát huy vai trò quan trọng của Bộ, ngành tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật. Bảo đảm hệ thống pháp luật Việt Nam đầy đủ, thống nhất, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp, có hiệu lực, hiệu quả cao, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững KT-XH và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

Hai là, việc xử lý các hành vi vi phạm về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam được áp dụng theo Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tuy nhiên vẫn còn một số bất cập trong việc môp tả hành vi khách quan dẫn đến việc hiểu như thế nào là “hành vi khác” theo điểm c khoản 1 điều luật nêu trên chưa được cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng bằng văn bản quy phạm pháp luật. Nhiều luật gia, nhà nghiên cứu cho rằng “hành vi khác” nói trên có thể được dẫn chiếu giải thích là các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm năm 2007 hoặc là hành vi vi phạm trách nhiệm bắt buộc chữa bệnh của người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A quy định tại điểm a khoản 1 Điều 66 Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009; tuy nhiên, cho đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Mới đây nhất, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng của dịch bệnh COVID-19, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh; theo đó, đã liệt kê cụ thể một số hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS năm 2015, như: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo giam dối…; đồng thời, tại Công văn này còn hướng dẫn cụ thể 09 nhóm hành vi vi phạm khác liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 có thể bị xử lý hình sự với mức phạt được quy định và được dẫn chiếu đến điều luật phù hợp để xử lý.

Tuy nhiên, tác giả cho rằng các quy định pháp luật hiện hành (Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015, Công văn số 45/TANDTC-PC) chưa quy định đầy đủ về phạm vi đối tượng cần xử lý. Hiện nay, Công văn này chỉ hướng đến các đối tượng bao gồm: “Người đã được thông báo mắc bệnh” và “người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly”. Như vậy, đối tượng là người nghi ngờ mắc bệnh nhưng chưa được thông báo cách ly (ví dụ như trường hợp bệnh nhân số 17 – khi mới trở về Việt Nam từ Anh hoặc bệnh nhân số 34, bệnh nhân số 100…) vô hình chung lại không thể xử lý hình sự mặc dù họ có thực hiện các hành vi vi phạm làm lây lan dịch bệnh COVID-19 như hướng dẫn tại Công văn này. Do đó, để bao quát đầy đủ phạm vi đối tượng cần xử lý hình sự, tác giả cho rằng, cần quy định cả đối tượng là “người thuộc diện phải cách ly theo thông báo chung của cơ quan y tế có thẩm quyền” mà chưa cần phải chỉ rõ danh tính cụ thể; đồng thời, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cũng cần tiếp tục gấp rút xây dựng, ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với từng hành vi phạm tội cụ thể liên quan đến việc làm lây lan các bệnh truyền nhiễm trên cơ sở tham khảo quy phạm pháp luật trong Bộ luật Hình sự hoặc Luật chuyên ngành của một số quốc gia khác, bởi Công văn số 45/TANDTC-PC không phải là văn bản quy phạm pháp luật và không có giá trị pháp lý để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.

Ngoài ra, tác giả cũng đề xuất sửa đổi điều khoản này theo hướng bỏ điểm a Điều 240 BLHS năm 2015; do: Dấu hiệu định khung tăng nặng quy định tại điểm a khoản 2 của điều luật này không phải dấu hiệu về hậu quả của hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, bởi việc công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế không thể là hậu quả trực tiếp từ hành vi vi phạm của một cá nhân./.

Ba là, Điều 240 BLHS năm 2015 xây dựng mới trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 186 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Tuy nhiên, qua việc nghiên cứu một số hành vi đã xảy ra trong tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) chúng tôi đề xuất Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành một số hướng dẫn cụ thể thi hành Điều 240 BLHS năm 2015 như sau:

– Quy định chi tiết đối với người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm có hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người và các trường hợp khác liên quan đến tác nhân là con người làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.

Ngoài ra, Chính phủ, Bộ Y tế cần nghiên cứu, xây dựng quy định riêng về giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, cụ thể đối với bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. Trọng tâm là xây dựng được văn bản quy phạm pháp luật về “quy trình giám sát” phân cấp từ cấp quốc gia đến cơ sở, gồm: Thu thập số liệu, thông tin; phân tích số liệu, phiên giải và đánh giá kết quả; đánh giá nguy cơ, nhận định tình hình bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm; đề xuất biện pháp can thiệp; báo cáo và chia sẻ thông tin… Mặt khác, cần xây dựng quy định chi tiết hơn đối với “địa điểm giám sát”, việc giám sát bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm phải được thực hiện trên toàn bộ phạm vi địa bàn quản lý hành chính được phân công giám sát (Cơ sở y tế; khu vực cách ly bệnh truyền nhiễm; khu vực đang có ổ dịch, dịch; khu vực có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ xảy ra dịch bệnh; nơi cư trú, học tập, làm việc, điểm đến du lịch, lưu trú của người mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy; khu vực xảy ra thiên tai, thảm họa)./.

Công ty luật ThinkSmart./.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *