Trách nhiệm của Người sử dụng lao động trong đảm bảo Bình đẳng giới


Hỏi: Tôi là một nhân viên nữ đã lập gia đình và có một đứa con nhỏ đang làm tại một công ty ở Hà Nội. Công ty tôi đang có một dự án rất quan trọng cần người có kinh nghiệm đảm nhiệm dự án, có hai người ứng cử là tôi và một nhân viên nam chưa lập gia đình. Cả hai người đều có kinh nghiệm như nhau nhưng nhân viên nam đó được ưu tiên hơn tôi với lí do là tôi có con nhỏ nên sẽ không quan tâm đến công việc. Tôi cảm thấy như vậy là không bình đẳng. Vậy, tôi muốn hỏi trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đảm bảo bình đẳng giới được quy định như thế nào theo pháp luật Việt Nam? – Chị B.N (Hà Nội) hỏi.

Cảm ơn chị đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật về Lao động – Bảo hiểm của Công ty luật ThinkSmart chúng tôi. Luật sư bộ phận Lao động – Bảo hiểm chia sẻ ý kiến tư vấn như sau: 

Theo khoản 3 điều 40 Luật bình đẳng giới năm 2006, các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:

(1) Áp dụng các điều kiện khác nhau trong tuyển dụng lao động nam và lao động nữ đối với cùng một công việc mà nam, nữ đều có trình độ và khả năng thực hiện như nhau, trừ trường hợp áp dụng biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới;

(2) Từ chối tuyển dụng hoặc tuyển dụng hạn chế lao động, sa thải hoặc cho thôi việc người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ;

(3) Phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc áp dụng mức trả lương khác nhau cho những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính;

(4) Không thực hiện các quy định của pháp luật lao động quy định riêng đối với lao động nữ.

Theo Điều 136 Bộ luật lao động năm 2019, người sử dụng lao động phải thực hiện các nhiệm vụ sau để đảm bảo bình đẳng giới trong quan hệ lao động:

(1) Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, bố trí, sắp xếp việc làm, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác;

(2) Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ;

(3) Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc;

(4) Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động.

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì công ty của chị có trách nhiệm phải đảm bảo thực hiện bình đẳng giới trong việc bố trí và sắp xếp việc làm cho nhân viên. Nếu trong cùng một dự án có hai ứng cử viên một nam, một nữ có trình độ kinh nghiệm và năng lực thực hiện công việc như nhau thì công ty không thể dựa vào căn cứ phụ nữ có con nhỏ sẽ không quan tâm đến không việc để chọn nhân viên nam kia được.

Cơ sở pháp lý 

  • Luật bình đẳng giới 2006
  • Bộ luật lao động 2019
Mời Quý khách tham khảo Luật sư tư vấn Lao động – Bảo hiểm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *