CÁC QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN BÍ MẬT ĐỜI SỐNG RIÊNG TƯ CỦA TRẺ EM HIỆN NAY


Hỏi:

Trước đây, vụ việc liên quan đến vợ và con trai của NSƯT Xuân Bắc trên mạng xã hội đã gây ra nhiều tranh cãi và bức xúc.

Vợ Xuân Bắc đã viết bài đăng công khai trên trang cá nhân Facebook của mình về việc kiểm tra điện thoại con trai và phát hiện ra có nhiều thành phần xấu đang lôi kéo cậu vào các nhóm không lành mạnh, bên cạnh đó là kèm theo một số hình ảnh chụp màn hình điện thoại có nội dung nhạy cảm. Sau khi xảy ra sự việc này thì đã có những phản ứng trái chiều về cách xử lý của vợ Xuân Bắc. Có phụ huynh thì ủng hộ với hành động này, nhưng cũng có nhiều người phản đối vì cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý cậu con trai. 

Vậy qua vụ việc trên, việc bố mẹ có quyền xâm phạm quyền riêng tư của con có đúng và hợp pháp không?

Nội dung tư vấn:

Trong thời kì phương tiện điện tử và mạng xã hội phát triển như hiện nay, quyền riêng tư cũng được mọi người quan tâm nhiều hơn. 

Trong Hiến pháp 2013 đã có quy định rõ: 

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.

Hay tại Điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về Quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trên thực tế chưa có một đạo luật cụ thể về quyền riêng tư,  nhưng lại có các đạo luật khác trực tiếp, gián tiếp quy định vệ quyền riêng tư. Do đó, nếu một người có hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

Quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em cũng được Nhà nước ta bảo vệ, quy định tại Điều 21 Luật Trẻ em 2016:

“1. Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.”

Hiện nay, trẻ em được tiếp xúc nhiều các mạng xã hội khác nhau nên các em rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo vào các nhóm không lành mạnh. Chính vì vậy mà việc phụ huynh thường xuyên có những hành vi xâm phạm riêng tư của các em nhằm kiểm soát và bảo vệ các em trước những ảnh hưởng xấu của mạng xã hội. Các hành vi xâm phạm quyền riêng tư phổ biến mà bố mẹ hay thực hiện gồm:

– Đăng hồ sơ các nhân của người khác lên mạng

– Đăng ảnh riêng tư của con cái lên mạng

– Công bố quyền riêng tư của người khác

– Tự ý xem thư tín, điện thoại, điện tín

Căn cứ vào những quy định trên, trong vụ việc này, mặc dù là do mẹ vào kiểm tra nhằm quản lý và công khai thông tin của con nhưng xét theo pháp luật thì đây là không hợp pháp và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tế thì điều này rất khó để giải quyết. Bố mẹ khi làm như vậy nhằm mong muốn bảo vệ con cái trước những ảnh hưởng xấu từ môi trường mạng. Nhưng cũng không vì vậy mà phụ huynh công khai những thông tin riêng tư của con mà nên tìm cách hướng dẫn và giải quyết phù hợp hơn.

Tất cả mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư. Trẻ em cũng là con người nên trẻ em cũng bình đẳng và được hưởng quyền như những người bình thường.

Công ty luật ThinkSmart


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *