QUYỀN LY HÔN VÀ QUYỀN THAY ĐỔI HỌ, TÊN CHO CON


Hỏi:

Vợ chồng tôi có một con trai 22 tháng tuổi. Cuộc sống của chúng tôi đang trục trặc vì chồng tôi ngoài việc ở công ty về nhà là ham mê các trò chơi trên mạng, không quan tâm đến vợ, con. Khi tôi nhờ giúp việc nhà thì không hài lòng và dẫn đến bất hòa trong gia đình. Tình trạng này diễn ra thường xuyên trong thời gian gần đây. Tôi muốn ly hôn và làm lại giấy khai sinh cho con tôi theo họ của tôi thì phải làm gì?

Nội dung tư vấn 

1. Về quyền xin ly hôn

Khoản 1 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình quy định “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.

Khi vợ, chồng yêu cầu ly hôn mà có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Ngoài ra, thủ tục ly hôn được thực hiện sau khi Tòa án hòa giải mà không thành.

Theo các quy định nêu trên, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

2. Về yêu cầu làm lại giấy khai sinh cho con

Theo quy định tại Điều 27 của Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:

“a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi họ, tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi không làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ, tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại;

đ) Thay đổi họ, tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ, tên của người được xác định lại giới tính;

g) Các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định”.

Con của bạn sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là con chung của hai người. Quan hệ cha đẻ – con đẻ giữa người chồng thứ nhất và con của bạn được pháp luật công nhận, bảo hộ. Do đó, ngay cả trong trường hợp bạn được tòa án xử cho ly hôn thì pháp luật cũng không tước quyền làm cha của người chồng cũ. Vì vậy, việc yêu cầu đổi họ tên cho con theo yêu cầu của một bên là vợ hoặc chồng đều phải được sự đồng ý của bên còn lại.

* Về điều kiện thay đổi cải chính giấy khai sinh cho con

Theo Điều 7 quy định về Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch thì: Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.

* Về thủ tục đề nghị đổi họ tên:

– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ tên Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung hộ tịch cho công dân Việt Nam cư trú ở trong nước (Điều 27 Luật Hộ tịch 2014)

– Về hồ sơ, theo quy định tại Điều 26 NĐ 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ bao gồm: Tờ khai theo mẫu quy định, trong đó có cam đoan của người yêu cầu về việc đã đăng ký khai sinh nhưng người đó không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh; Bản sao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ của người yêu cầu hoặc hồ sơ, giấy tờ, tài liệu khác trong đó có các thông tin liên quan đến nội dung khai sinh của người đó; (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu…). Ngoài các giấy tờ trên, trường hợp của bạn còn cần phải có văn bản thể hiện sự đồng ý của cả cha và mẹ về việc đổi họ cho con.

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *