XỬ LÝ CÁN BỘ TƯ PHÁP – HỘ TỊCH LỢI DỤNG CHỨC VỤ, QUYỀN HẠN VI PHẠM PHÁP LUẬT


Hỏi:

Vừa qua, ở xã T xảy ra chuyện tảo hôn giữa người con trai mới 18 tuổi và người con gái vừa bước sang tuổi mười sáu. Hai bên gia đình đã tổ chức đám cưới cho các cháu. Bà con hàng xóm nói với nhau rằng đôi trai gái này sẽ không được đăng ký kết hôn ở Ủy ban nhân dân xã vì chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, do nhà trai có họ hàng là anh T làm cán bộ tư pháp – hộ tịch xã nên nhờ sự giúp đỡ của anh T mà đôi trai gái này vẫn được Ủy ban nhân dân xã cho đăng ký kết hôn.

Vậy anh T có vi phạm pháp luật không? nếu có sẽ bị xử lý như thế nào?

Nội dung phỏng vấn: 

Việc làm của anh T là vi phạm pháp luật, tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Điều 108 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi, xác định cha, mẹ, con trái pháp luật; vi phạm thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký nuôi con nuôi; không thực hiện yêu cầu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình hoặc có các hành vi khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

– Điều 94 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định:

1. Người có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ tịch mà do thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái với các quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật khác về hộ tịch, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại, thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Việc xử lý kỷ luật và xác định trách nhiệm vật chất đối với cán bộ, công chức do vi phạm pháp luật trong đăng ký và quản lý hộ tịch được thực hiện theo quy định chung của pháp luật về phân cấp quản lý cán bộ; về chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức; về xử lý kỷ luật và trách nhiệm vật chất đối với công chức.

3. Trường hợp đã xử lý kỷ luật, nhưng xét thấy nếu để cán bộ, công chức đã bị kỷ luật tiếp tục làm công tác hộ tịch không bảo đảm uy tín của cơ quan, thì phải bố trí cán bộ, công chức đó làm công việc khác.

4. Trong quá trình xem xét kỷ luật cán bộ, công chức mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử lý kỷ luật đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Điều 149 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội đăng ký kết hôn trái pháp luật như sau:

1. Người nào có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn biết rõ là người xin đăng ký không đủ điều kiện kết hôn mà vẫn đăng ký cho người đó, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Như vậy, anh T là người có trách nhiệm trong việc đăng ký kết hôn, biết rõ người xin đăng ký kết hôn không đủ điều kiện kết hôn nhưng do là họ hàng của người xin đăng ký nên vẫn tạo điều kiện, giúp đỡ để đôi trai gái được đăng ký kết hôn. Do vậy, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, anh T có thể bị kỷ luật. Nếu anh T đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Công ty luật ThinkSmart

Nguồn tham khảo: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *